Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021): Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học

Thứ hai - 09/08/2021 20:57 856 0

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người còn rất nặng nề. Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại thị xã An Nhơn, Bình Định (năm 2019). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2021, tròn 60 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2021). Ngày 25/6/2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

DI CHỨNG DA CAM Ở VIỆT NAM ĐÃ SANG THẾ HỆ THỨ TƯ

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn hai lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 11kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.

Với một lượng khổng lồ chất hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; rừng bị hủy hoại làm chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nện Năm Căn, nhất là ở rừng Sác, phía đông bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút. Tại các sân bay quân sự của quân đội Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao.

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng gần 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường.

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo. Mức chi nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lĩnh Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Đôc đốc Elmo Zumwalt – nguyên Tư lệnh các lực lượng hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968-1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc có khoảng 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó hơn 20 nghìn người đã chết.

ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC NỖ LỰC TRONG CHĂM SÓC, GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm chỉ đạo khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học.

Tháng 10 năm 1980, Chính phủ Việt Nam thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Kết quả điều tra đã khẳng định tác hại của chất độc da cam/dioxin là vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.

Ngày 16/6/1997, Thường vụ Bộ Chính trị cho ý kiến tại Công văn Thông báo số 725-CV/VPTW, về vấn đề chất độc hóa học do quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh gây ra cho nhân dân ta những hậu quả nặng nề và lâu dài. Chúng ta cần chủ động, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá chính xác và đầy đủ những hậu quả này và có những giải pháp cơ bản, toàn diện để khắc phục”.

Ngày 3/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg, tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả hóa chất do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để có cơ sở cho việc đề xuất chủ trương và giải pháp cơ bản khắc phục hậu quả. Sau đó, có điều tra bổ sung vào các năm 2003, 2004. Ngày 1/3/1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 5/7/2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69/TB/TW về chủ trương giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nêu rõ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này. Cần có chế độ, chính sách và dầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân (là cán bộ, chiến sĩ đã tham gia kháng chiến cũng như các đối tượng khác) bị nhiễm chất độc da cam. Tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam, giúp đỡ các nạn nhân.

Ngày 18/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo Kết luận số 292-TB/KL về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Thông báo nêu rõ: “Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”. “Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao”.

Đặc biệt, ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”.

Ngày 19/7/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Chỉ thị khẳng định “...Thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học”. Ngày 1/11/năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Căn cứ Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1190/QĐ-TTG ngày 5/8/2020, phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

Triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhiều văn bản, chính sách đã được ban hành. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000, về một số chế độ  mang tính bảo trợ xã hội đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Quyết định số 16/QĐ/2004/QĐ-TTg Ngày 5/2/2014 về trợ cấp đối với hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phụ vụ được do hậu quả chất độc hóa học; Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2014 về một số chế độ mang tính bảo trợ xã hội đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; ngày 27/4/2004, phê duyệt Kế hoạch hành động giai đoạn (2004-2010) khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, ban hành theo Quyết định số 67/2004/QĐ-TTg. Ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Nỗ lực khắc phục hậu quả đối với sức khỏe con người và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm nghìn lượt người khuyết tật nặng trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục nghìn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam làm  nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại các “điểm nóng” như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Aso (Thừa Thiên Huế) các hoạt động nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả đối với môi trường thường xuyên được thúc đẩy.

Trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, chiến tranh hóa học nói riêng, nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế ngay trong thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam và sau khi chiến tranh kết thúc cho đến nay.

 

Cùng với quan hệ song phương, sự phối hợp, hợp tác của Chính phủ Mỹ với Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam cũng đã có những bước tiến đáng kể. Các cuộc gặp cấp cao hai nước và nhiều dấu mốc quan trọng đã dánh dấu sự phát triển quan hệ phối hợp này. Tính đến tháng 5/2020, tổng kinh phí đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt để phối hợp phía Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là 328 triệu USD, hoàn thành chương trình tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng, bắt đầu triển khai tẩy độc ở sân bay Biên Hòa; hỗ trợ dịch vụ y tế cho người bị nhiễm chất độc hóa học; đồng ý phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật...

CHUNG TAY XOA DỊU  NỖI ĐAU DA CAM

Để tiếp tục trên hành trình khắc phục hậu quả, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, cả hệ thống chính trị cần phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch... của các cấp, trong đó, đáng chú ý là Thông báo Kết luận 292-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI. Xác định đây là “trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị” như Chỉ thị 43 đã nêu.

Cấp ủy, chính quyền, hội, ngành các cấp, nhất là ở cơ sở cần nâng cao nhận thức, phối hợp hoạt động để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; tham mưu, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam cũng như tích cực thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại, khoa học. Tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tạo sức lan tỏa trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế khắc phụ hậu quả chiến tranh hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân...

Thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực lớn với nhiều kết quả đáng ghi nhận trong khắc phục, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng... chưa nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề của chất độc da cam đối với môi trường và sức khỏe con người, nên kết quả phối hợp, triển khai thực hiện còn có mặt hạn chế, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả chất độc hóa học, về thảm họa da cam chưa thường xuyên, liên tục; chưa có nhiều hình thức phong phú.

Ngày 25/9/2020, căn cứ Thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư về hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành công văn 4936-CV/BTGTW về việc tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam tại Việt Nam. Theo đó, đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam gắn với việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” bằng các hình thức phù hợp; chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Đồng thời, Công văn cũng đề nghị, đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc da cam; biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; động viên, khích lệ các nạn nhân và thân nhân vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống; đấu tranh phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến nạn nhân chất độc da cam để lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

V.Anh/TG

 Từ khóa: thảm họa da cam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 70

Hôm nay: 19,078

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 399,008

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,109,325

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây