Đang truy cập: 224
Hôm nay: 11,588
Hôm qua: 17,490
Tháng hiện tại: 143,146
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,853,463
- Đang truy cập224
- Hôm nay11,588
- Tháng hiện tại143,146
- Tổng lượt truy cập9,853,463
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào chiều ngày 16/6.
Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong chiến dịch phòng, chống COVID-19
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp to lớn trực tiếp nhiều mặt của truyền thông, báo chí nước nhà vào kết quả phòng, chống dịch. Vai trò của truyền thông, thông tin, với lực lượng hùng hậu, có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của bất cứ sự kiện nào. Lúc khó khăn mới hiểu lòng người, Thủ tướng cho rằng, sự xông pha, đồng thanh hiệp lực của báo chí chống dịch COVID-19 có ý nghĩa lớn.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động, công tác phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; vận động tổ chức, cá nhân đóng góp tới 2.000 tỷ đồng giúp nhà nước giảm gánh nặng ngân sách trong công tác này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thông tin, hình ảnh ấn tượng về sự nỗ lực, tận tụy của "những chiến sĩ áo trắng", lực lượng quân đội, công an trong "cuộc chiến" chống COVID-19 được các cơ quan báo chí đăng tải. |
Thủ tướng nhắc đến hai kết quả quan trọng: Số người nhiễm trên bình quân số dân ở Việt Nam là thấp nhất và chi phí cho công việc này là thấp nhất. Đặc biệt, "điều thần kỳ" và may mắn là không có người nào tử vong vì COVID-19 trên đất nước Việt Nam. Nhắc đến bệnh nhân là phi công người Anh được hàng chục người dân Việt Nam bày tỏ mong muốn tình nguyện hiến phổi để chữa trị và việc bố trí máy bay chở các lưu học sinh và kiều bào từ nước ngoài về nước vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh đến văn hóa của người Việt Nam, tình cảm và truyền thống của dân tộc Việt Nam "lá lành đùm lá rách", nhân văn, nhân ái.... Thủ tướng cũng nhắc tới những hình ảnh các cụ già, em nhỏ, người nông dân trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng vẫn tình nguyện đóng góp tài sản, vật chất cho công tác phòng, chống dịch.... Những hành động, theo Thủ tướng, cũng đã được xuất hiện trên nhiều bài báo trong nước và quốc tế và đem lại hiệu quả rất tốt trong xã hội.
Thủ tướng khẳng định, toàn hệ thống chính trị đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về thông tin truyền thông đến nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức, sự chủ động của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Công tác chỉ đạo định hướng thông tin kịp thời, bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh; đảm bảo kỷ luật thông tin.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đánh giá cao các thông tin, hình ảnh ấn tượng về sự nỗ lực, tận tụy của "những chiến sĩ áo trắng", lực lượng quân đội, công an trong "cuộc chiến" chống COVID-19 được các cơ quan báo chí đăng tải. Thủ tướng cũng cảm ơn các tầng lớp nhân dân, các nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, các văn, nghệ sỹ và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí đã đồng lòng nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng; quyết tâm phòng, chống dịch bệnh.
Phân tích những nguyên nhân làm nên chiến thắng này, Thủ tướng khẳng định, đầu tiên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Cùng với đó là tinh thần yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; sự ưu việt của chế độ, "một tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam".
Với thành công trong công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong số ít các nước đang trong tiến trình "bình thường mới" cuộc sống sớm nhất. Đây là niềm tự hào đối với đất nước ta được thế giới ghi nhận.
Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệm vụ của công tác truyền thông là tiếp tục để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin - truyền thông trong mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan báo chí phải tập trung tôn vinh, thúc đẩy những tấm gương vượt khó, phát triển kinh tế; nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt… góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Truyền thông cần góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực giải quyết các khó khăn vướng mắc, đề xuất các kiến nghị của người dân và cộng đồng doanh nghiệp… Đi liền với đó, là thúc đẩy nhu cầu nội địa; du lịch nội địa. Phải truyền thông bằng các loại hình nghệ thuật, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau; chủ động làm tốt thông tin đối ngoại về Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam; tham gia tích cực góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy tinh thần “phò chính, diệt tà”, tinh thần vượt qua khó khăn để nền báo chí cách mạng Việt Nam đứng vững. Thủ tướng cho rằng nên thảo luận về cơ chế tài chính để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí sau quy hoạch một cách phù hợp với khả năng tài chính quốc gia.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Làm cho tin giả không còn đất sống
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 đã thể hiện tinh thần chủ động, tinh thần đi trước mở đường, nhiều cách làm mới sáng tạo, lan tỏa sâu rộng đi vào lòng người.
“Kỳ này, chúng ta huy động được tất cả các lực lượng của binh chủng tư tưởng văn hóa của Đảng như báo chí, truyền thông, văn học nghệ thuật, âm nhạc... với một yêu cầu tuyên truyền đầy đủ để người dân nhận thức rõ, phòng, chống dịch bệnh nhưng khong được chủ quan và hoang mang. Chúng ta đã tuyên truyền đến mọi người, mọi thời gian, mọi địa điểm với nhiều hình ảnh, tin, bài cảm động, lan tỏa, lay động lòng người và có hiệu quả rất cao.
Chính sự tuyên truyền mạnh mẽ này đã làm tin giả không còn đất sống. Đó là nhận định của báo chí nước ngoài.” – Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, mạng xã hội trong nước, các công ty công nghệ trong nước góp phần rất tích cực trong việc cung cấp những nền tảng công nghệ hiện đại để lan tỏa những tin nhắn về phòng, chống dịch bệnh. Có những loại hình thông tin bị nhiều phê phán, thậm chí sắp bị khai tử thì đã phát huy tác dụng, có những đóng góp tích cực như hệ thống loa phường...
Đồng chí Võ Văn Thưởng: Chính sự tuyên truyền mạnh mẽ này đã làm tin giả không còn đất sống. |
Khẳng định, cùng với việc đẩy mạnh dòng thông tin chính thống, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho biết, chúng ta đã đấu tranh, gỡ bỏ triệt phá tin giả của các tổ chức, cá nhân, lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất tin giả sai sự thật, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những thành tựu Việt Nam đã đạt được.
Công tác tuyên truyền đã kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại. Hình ảnh của đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, làm tốt công tác chống dịch đã được lan tỏa khắp thế giới.
“Kỳ này tuyên truyền đạt hiệu quả là do có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cùng những giải pháp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh rất là cụ thể, sát sườn, mang lại những hiệu quả tích cực. Chính điều đó làm cho công tác tuyên truyền lan tỏa mạnh mẽ rộng rãi hơn. Khi công tác tuyên truyền làm tốt đã tạo ra một động lực mới để thực hiện nhiệm vụ mới. Đây là kinh nghiệm rất quý báu trong công tác chỉ đạo thông tin, tuyên truyền” – đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng đề nghị, cần làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái trong thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 5/2020, các cơ quan báo chí cả nước đã đăng tải 560 nghìn tin, bài về dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tin bài mang tính tích cực chiếm gần 42%, trên 35% thông tin trung lập và trên 22% tin bài mang tính tiêu cực. Tính đến hết tháng 5, đã có hơn 10.000 tin, bài về dịch bệnh COVID-19 được phát sóng trên 5 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia. Báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng để khẳng định Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành của Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát bằng được dịch COVID-19. |
* Tại Hội nghị, đã có 18 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông về phòng, chống COVID-19.
Thu Hằng/TG
Liên kết website
Đang truy cập: 224
Hôm nay: 11,588
Hôm qua: 17,490
Tháng hiện tại: 143,146
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,853,463