Rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các tạp chí

Thứ hai - 03/08/2020 21:11 442 0
Thời gian qua, công tác quy hoạch báo chí đã được tích cực triển khai tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể. Nhiều ấn phẩm báo chí đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, bước đầu phát huy vai trò trong xã hội.
7
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, hiện tượng hoạt động kém hiệu quả, xa rời tôn chỉ, mục đích, “báo hóa tạp chí” vẫn diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động báo chí, gây bức xúc dư luận, và đòi hỏi phải nghiêm khắc chấn chỉnh.

Theo số liệu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 28-12-2019 thì đến ngày 30-11-2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó số lượng các tạp chí là 648 (chiếm 76,2%). Trong số 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập có bảy tạp chí (chiếm 30,4%). Về cơ bản, những năm qua các tạp chí đã góp phần tích cực trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin, định hướng dư luận, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; đồng thời là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà lý luận và các độc giả trao đổi, thảo luận, tham gia tổ chức tổng kết thực tiễn để qua đó làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chuyên ngành, góp phần tham mưu, đề xuất cho các cơ quan chức năng trong xây dựng thực thi chính sách, nhất là đi sâu vào những vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động.

Tuy nhiên bên cạnh các tạp chí phát triển đúng hướng, khẳng định được uy tín, được độc giả đón nhận, vẫn còn không ít tạp chí sa sút chất lượng, hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức, chủ yếu phát hành nội bộ; một số tạp chí có trang điện tử hoặc tồn tại với tư cách tạp chí điện tử độc lập xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, cố tình “báo hóa” để tổ chức tin bài theo hướng giật gân, câu khách. Nhiều nội dung đăng trên các ấn phẩm này hầu như không gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao mà chạy theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng. Cũng cần đề cập hiện tượng trang điện tử của một số tạp chí hoạt động như báo điện tử, nội dung cập nhập hằng giờ, có tin bài dựa trên nguồn tin chưa kiểm chứng khiến thông tin nhiễu loạn, méo mó, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của báo chí, làm suy giảm lòng tin của công chúng với người làm báo. Cá biệt có một bộ phận nhà báo cố tình thổi phồng sai lầm, khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân, viết bài trái với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xét từ góc độ nhất định, có thể xem đây là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí, cần sớm ngăn chặn và xử lý.

Ðáng lo ngại là từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ trong bảy tháng đã có hàng loạt sai phạm liên quan hoạt động báo chí bị phát hiện, trong đó chiếm một tỷ lệ không nhỏ liên quan đến hoạt động của một số cán bộ, phóng viên, cộng tác viên tại các tạp chí. Thay vì hành nghề chân chính, họ lại lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp, ngang nhiên tống tiền doanh nghiệp và bị cơ quan chức năng phát hiện. Như: ngày 3-1, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba tháng đối với Phạm Thị Thu cộng tác viên của một tạp chí về tội “Cưỡng đoạt tài sản” do có hành vi tống tiền doanh nghiệp; ngày 20-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài, phóng viên của một tạp chí về tài chính về tội “Cưỡng đoạt tài sản” do có hành vi tham gia tống tiền Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn; và ngày 26-7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định tạm giữ đối với Trần Tuyết Nhung và Bùi Thị Xuân nguyên là phóng viên, nhân viên tập sự tại một tạp chí chuyên về môi trường, do có liên quan vụ cưỡng đoạt 210 triệu đồng của một phòng khám trên địa bàn TP Bắc Giang do ông Trần Trọng Lâm ở báo của một bộ thực hiện trước đó.

Các vụ việc như vậy khiến người quan tâm phải đặt câu hỏi nghi vấn về các tiêu cực trong hoạt động của một số tạp chí và phóng viên công tác tại đây. Bởi, nếu không kể đến măng-sét (tên riêng được in ở đầu trang nhất) của một số tạp chí sẽ thấy các ấn phẩm này có nội dung na ná nhau, với tin bài có nội dung “sốc - sến - sex” chiếm tỷ lệ khá cao, khó nhận diện cơ quan chủ quản. Dường như làm việc tại các tạp chí này, một số phóng viên, cộng tác viên đã bỏ qua tôn chỉ, mục đích, quy định của cơ quan cũng như đạo đức nghề nghiệp mà chỉ hành nghề vì mục đích kiếm lời thông qua việc chuyên “đánh đấm”, dọa nạt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thay vì tăng thu nhập từ lao động nghề nghiệp chân chính, họ lại chạy theo khoản thu bằng việc nhân danh “chống tiêu cực” để kiếm chác với thủ đoạn phổ biến là dọa đưa lên báo hoặc “sáng đăng - trưa gặp - chiều gỡ”. Vì vậy mới có việc một tạp chí điện tử lẽ ra phải là địa chỉ tin cậy về tri thức pháp luật lại đăng “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” và một số bài viết trên tạp chí này đã không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trên giấy phép hoạt động báo chí nên bị cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí xử phạt hành chính. Ðáng lo ngại, tình trạng nộp phạt rồi tiếp tục sai phạm không phải hiếm gặp trong hoạt động của một số tạp chí. Chẳng hạn, một tạp chí về mỹ nghệ kim hoàn đá quý bị xử phạt hành chính hai lần (năm 2017, 2018) với tổng số tiền 83 triệu đồng, vì có ba hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí (gồm: Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng); một tạp chí khác liên quan lĩnh vực sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính hai lần với tổng số tiền 55 triệu đồng (trong các năm 2018, 2019)... Thống kê cho biết, từ tháng 7-2017 đến giữa tháng 10-2019, cơ quan chức năng đã xử phạt 15 lượt tạp chí điện tử vì lý do chủ yếu là đã thông tin sai sự thật, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trên giấy phép hoạt động báo chí, với tổng số tiền bị xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên dư luận cho rằng, đây mới chỉ phản ánh phần nổi của “tảng băng chìm” có liên quan các sai phạm ở một số tạp chí thời gian qua.

Luật Báo chí (năm 2016) quy định: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng. Tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành”. Quyết định số 362/QÐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quy hoạch) xác định: “Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử”, đồng thời phải “bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy”. Qua đó có thể thấy hai yếu tố “chuyên ngành” và “định kỳ” rất quan trọng, giúp định vị tạp chí in và tạp chí điện tử; vì vậy việc phải nghiêm khắc chấn chỉnh hiện tượng lợi dụng ấn bản điện tử để hoạt động báo chí không đúng chức năng, nhiệm vụ, chủ yếu nhằm mục đích kinh tế thiếu trong sáng là hết sức cần thiết. Vì trên thực tế, việc cố tình làm “mờ, nhòe” chức năng, nhiệm vụ, coi nhẹ tính chất “chuyên ngành”, “định kỳ” để “báo hóa tạp chí” và quá coi trọng lợi nhuận đã khiến vai trò một số tạp chí bị suy giảm, việc phát huy tác dụng trong chuyên ngành hẹp và ý nghĩa xã hội rộng rãi bị hạn chế. Ðể xảy ra tình trạng này, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và người đứng đầu tạp chí. Chính tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, buông lỏng quản lý và điều hành hoạt động, thiếu kiểm soát đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, thậm chí dung túng hoặc “bật đèn xanh” cho hành vi tiêu cực đã làm cho nội dung một số tạp chí bị méo mó, biến dạng, đội ngũ người làm tạp chí sa sút về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Sai phạm có xu hướng ngày càng gia tăng ở một số tạp chí đã và đang đẩy tới một số đánh giá tiêu cực của xã hội với ấn phẩm báo chí, cơ quan báo chí, và đội ngũ người làm báo.

Do đó, để xúc tiến quá trình phát triển và quản lý báo chí theo quy hoạch, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là phải nghiêm túc xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của báo chí, trong đó có các tạp chí. Cơ quan chủ quản cần bám sát mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp như Quy hoạch đã đề ra, từ đó quyết định tạp chí thuộc đơn vị mình tồn tại hay không, và để tồn tại phù hợp với chức năng, nhiệm vụ thì phải làm gì. Ðặc biệt, cần chấm dứt tình trạng “làm cho có”, chất lượng không bảo đảm, lãng phí vật chất, nhân lực, ảnh hưởng tới uy tín cơ quan chủ quản và đội ngũ người làm báo. Việc cấp phép của cơ quan chức năng với các tạp chí cũng cần siết chặt, lấy đó làm cơ sở kiểm soát hoạt động của các tạp chí, cũng như đưa ra biện pháp xử lý hiện tượng vi phạm, và biện pháp xử phạt cần phải đủ tính răn đe, phòng ngừa. Với các ấn phẩm vi phạm nhiều lần có thể xem xét đình bản hoặc rút giấy phép hoạt động, với người làm báo có sai phạm, tùy theo mức độ có thể xem xét thu hồi thẻ nhà báo.

Ngày 14-7-2020 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 2595/BTTTT-CBC “Về việc phối hợp triển khai quy hoạch báo chí” gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các cơ quan chủ quản báo chí, trong đó nêu rõ “Ðề nghị các cơ quan chủ quản báo chí nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Báo chí, kiểm tra, rà soát, chỉ đạo sâu sát, bảo đảm các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích từ quá trình tác nghiệp của phóng viên cho đến nội dung tin, bài được đăng tải trên các sản phẩm báo chí”. Rõ ràng đây là vấn đề có tính bức thiết đòi hỏi sự vào cuộc một cách đồng bộ và kiên quyết của các cấp, ngành, cơ quan liên quan nhằm bảo đảm môi trường hoạt động và tác nghiệp báo chí lành mạnh, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và lấy lại niềm tin của bạn đọc với người làm báo chân chính.


THÀNH NAM/NHÂN DÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 31

Hôm nay: 12,100

Hôm qua: 19,435

Tháng hiện tại: 411,465

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,121,782

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây