Đang truy cập: 61
Hôm nay: 25,463
Hôm qua: 15,401
Tháng hiện tại: 57,357
Tháng trước: 530,097
Tổng lượt truy cập: 10,297,771
- Đang truy cập61
- Hôm nay25,463
- Tháng hiện tại57,357
- Tổng lượt truy cập10,297,771
Vừa qua, xã An Hòa (huyện Tuy An) đã chuyển địa điểm chợ Yến. Tuy nhiên, việc này vấp phải sự phản đối của một số người dân thôn Nhơn Hội và Hội Sơn. Họ đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương yêu cầu không di dời chợ.
Liên quan đến sự việc này, trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin phản ánh không đúng bản chất vấn đề, gây ngộ nhận đối với nhiều người. Qua tìm hiểu, Báo Phú Yên thông tin đến bạn đọc những nội dung khách quan, đa chiều với mong muốn sớm ổn định chợ, giữ bình yên cho một vùng quê bãi ngang ven biển.
Kỳ 1: Những mối nguy từ ngôi chợ xuống cấp
Chợ Yến ở địa điểm cũ lọt thỏm trong khu dân cư với tình trạng xuống cấp và không đảm bảo các điều kiện hoạt động. Do đó, chính quyền địa phương có chủ trương là di dời chợ để xây dựng nơi đây thành công viên cây xanh phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển du lịch...
Mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường
Tầm 6 giờ 15, hoạt động tại chợ Yến cũ ở thôn Nhơn Hội tấp nập. Xung quanh chợ, một số người bày bán cháo lòng, bánh căn, bánh mì, nước giải khát, sinh tố... phục vụ khách ăn sáng. Đường sá trước chợ thì chật chội, xe cộ và người đi bộ chen chúc nhau. Điểm tập kết xe ngay dưới lòng đường. Chiếc ô tô 4 chỗ chạy ngang qua chợ phải nhích từng mét do kẹt đường. Theo người dân địa phương, trước kia lượng xe ở đây còn nhiều hơn. Bởi việc chợ quá tải khiến nhiều tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường buôn bán gây ra tình trạng hỗn loạn, mất an ninh trật tự, thường xuyên ách tắc giao thông.
Bước vào chợ, chúng tôi chứng kiến cảnh góc này vài người ngồi bán trái cây, góc kia người bán chè và một chỗ hơi chật hẹp, ẩm thấp nhưng đông người chen lấn mua bán thịt cá… Đó đây trong chợ bị rào chắn theo từng mảng lớn, nhỏ. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, một chị bán trái cây nhanh nhẩu: “Mấy ông xã rào đó. Các quầy kia dọn lên chợ mới tới đâu thì mấy ổng rào tới đó”.
Chợ Yến cũ lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc, lại không có hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải… nên gây mùi hôi và ô nhiễm môi trường. Bà Hồ Thị Yến, tiểu thương buôn bán tạp hóa, bức xúc nói: Chợ đã quá tải, mất an toàn. Mùa nắng còn đỡ, chứ khi trời mưa nước không thoát được, đọng lại tanh hôi, dễ gây dịch bệnh. Vì vậy, các hộ gia đình xung quanh và tiểu thương buôn bán tại chợ phải đục tường rào của Trường tiểu học An Hòa số 2 để thoát nước.
Có con đang học tại Trường tiểu học An Hòa số 2, bà Nguyễn Thị Phấn lo lắng: “Trường con tôi học nằm ngay cạnh chợ Yến. Hàng ngày, mỗi lần chở con đi học qua chợ, tôi đều chứng kiến cảnh người và xe tấp nập, chen lấn nhau trên con đường nhỏ; có khi phải mất gần 15 phút mới đi qua được đoạn đường chỉ hơn 150m. Vào mùa mưa, nước bẩn từ chợ tràn vào trường như nước lũ, bọn nhỏ phải lội nước bẩn vào trường, về chân tay ngứa ngáy; chưa kể mùi hôi thối từ chợ tràn vào ảnh hưởng đến môi trường học tập của các cháu. Chúng tôi mong mỏi địa phương sớm di dời chợ để các cháu có một môi trường học tập tốt hơn”.
Năm 1994, chợ Yến được xây dựng để phục vụ nhu cầu của hơn 100 hộ dân trong vùng. Đến nay, chợ phải “gồng mình” phục vụ cho gần 3.000 hộ dân ở hai thôn Nhơn Hội, Hội Sơn và các xã lân cận về mua bán. Hơn 25 năm hoạt động, chợ ngày càng cũ kỹ và xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư và trường học ở cạnh bên. |
Năm học 2018-2019, Trường tiểu học An Hòa số 2 có 14 lớp với hơn 600 học sinh tập trung ở các thôn Hội Sơn và Nhơn Hội. “Đợt mưa năm ngoái, tôi chứng kiến nước từ chợ và khu vực xung quanh chảy vào trường, ngập phòng máy vi tính. Tôi phải huy động các giáo viên đập vách tường phía sau cho nước thoát ra ngoài để phòng máy không bị hư. Nước chảy vào kéo theo cát, rác thải và bốc mùi khó chịu, gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Đây là trường tiểu học, học sinh còn nhỏ, nếu xảy ra sự cố dịch bệnh thì rất nguy hiểm. Nhà trường đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền xã nhưng không có cách giải quyết vì chợ Yến cũ không có hệ thống thoát nước vẫn còn hoạt động”, thầy Phạm Văn Vân, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Xuống cấp
Theo các bậc cao niên, cán bộ lão thành cách mạng xã An Hòa, chợ Yến cũ trước đây là một chợ xổm được hình thành vào trước năm 1990. Do nhu cầu mua bán của người dân, chợ ngày càng phát triển. Bà con gọi chợ này là chợ Yến vì nơi đây có Hòn Yến.
Tôi là người đã chứng kiến chợ Yến hình thành và phát triển, nhiều lần bị tàn phá bởi chiến tranh. Tuy nhiên, trong suốt quá trình sinh sống và hoạt động nơi đây, tôi chưa bao giờ nghe nói chợ này là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, là di tích lịch sử cần phải giữ lại như lời đồn thổi. Ông Nguyễn Văn Nuôi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Hòa |
Vào năm 1994, để phục vụ việc giao thương, buôn bán của người dân các thôn Nhơn Hội, Phú Thường, Tân An, Diêm Hội (xã An Hòa) và thôn Giai Sơn (xã An Mỹ), chợ Yến cũ được xã An Hòa tiến hành xây dựng trên diện tích 1.922m2; gồm các hạng mục: nhà chợ chính 410m2 và 19 ki ốt xung quanh chợ. Sau một thời gian sử dụng, chợ quá tải và xuống cấp, lại ở vị trí trũng thấp nên bị ứ đọng nước vào mùa mưa, gây ô nhiễm môi trường. Chợ cũng không có vị trí tập kết xe nên người dân để xe trên đường liên thôn, gây nên tình trạng ách tắc giao thông vào buổi sáng, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực cũng như khách du lịch đến Hòn Yến.
Bà Phạm Thị Chung, một người dân địa phương, chia sẻ: Nhà tôi ở gần chợ Yến nên tôi chứng kiến tình trạng xuống cấp của chợ này từ nhiều năm nay. Trước đây, chợ Yến hoạt động khá ổn định, đáp ứng được nhu cầu mua bán của người dân. Thế nhưng, nhiều năm nay, lượng người mua bán ngày càng đông đúc nên chợ đã quá tải; nhiều tiểu thương “tràn” cả ra đường mua bán.
Vào mùa nắng, mùi hôi tanh trong chợ xộc thẳng vào nhà dân. Mùa mưa thì nước thải, nước mưa cuốn theo rác rưới làm ô nhiễm cả một khu vực. Chợ lại cũ kỹ, xuống cấp; khu nhà lồng cũ nát, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Chưa kể các nguy cơ về cháy nổ luôn thường trực khiến người dân rất bất an mỗi khi vào chợ. Tôi là người địa phương còn thấy ngại, nếu là du khách chắc chẳng ai dám vào chợ.
Ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: Chợ Yến hoạt động từ năm 1994, qua quá trình sử dụng công trình chợ không được bảo dưỡng, bảo trì. Hiện nay, một số phần bê tông ban công hành lang ngoài và một dầm đỡ ban công bong tróc, lộ lớp thép hoen rỉ có khả năng mất an toàn; đã có hai mảng bê tông bị đổ và có khả năng tiếp tục đổ, một số tường trong nhà chợ có vết nứt ngang không đảm bảo an toàn. Chợ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Do vậy, việc di dời chợ Yến là rất bức thiết, không những vì lợi ích của người dân mà còn vì sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung của xã An Hòa.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Kỳ 2: Chợ Yến mới đáp ứng nhu cầu bức thiết
Theo baophuyen.com.vn
Liên kết website
Đang truy cập: 61
Hôm nay: 25,463
Hôm qua: 15,401
Tháng hiện tại: 57,357
Tháng trước: 530,097
Tổng lượt truy cập: 10,297,771