Đang truy cập: 58
Hôm nay: 10,098
Hôm qua: 15,833
Tháng hiện tại: 443,222
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,153,539
- Đang truy cập58
- Hôm nay10,098
- Tháng hiện tại443,222
- Tổng lượt truy cập10,153,539
Đối với các nền kinh tế EU, để khắc phục khó khăn khi dịch bệnh đi qua cần nhiều giải pháp, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới, và EVFTA đang là một trong những giải pháp được tính đến.
Sau hơn 2 tháng thực thi nhiều quy tắc kiểm dịch ứng phó với COVID-19, châu Âu đang tìm cách mở cửa dần các nền kinh tế khi mà “cái giá” của những biện pháp hạn chế khẩn cấp bắt đầu lộ rõ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có được câu trả lời dứt khoát: khi nào mọi thứ có thể quay trở lại bình thường.
Liệu khi xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai như cảnh báo, các nước có buộc phải đóng cửa nền kinh tế để bảo vệ người dân hay không - vẫn đang là câu hỏi mở.
Tất cả vẫn đang trong quá trình thử nghiệm phức tạp tìm những hướng đi đúng và chuẩn bị sẵn sàng cho những chiến lược phù hợp để bắt đầu các hoạt động kinh tế sau đại dịch.
Lộ trình gỡ lệnh phong tỏa
Các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo đã giúp hạ thấp hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) virus SARS-CoV-2 ở các nước châu Âu từ mức trên 3 khi bắt đầu bùng phát dịch xuống dưới 1.
Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu Andrea Ammon cho rằng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu giảm từ ngày 2/5 và dường như làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở châu Âu đã qua đỉnh điểm.
Những nỗ lực y tế cộng đồng lớn nhất trong lịch sử cũng đã được ghi nhận khi các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức từ thiện gây quỹ được ít nhất 8,23 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cùng thuốc điều trị căn bệnh này trên quy mô toàn cầu.
Đây chính là những tiền đề để lãnh đạo các nước châu Âu xem xét gỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa để chuyển qua giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, sức ép từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp nôn nóng muốn sớm khôi phục hoạt động kinh tế thường nhật như trước thời kỳ dịch bệnh cũng đang ngày một gia tăng trước một loạt báo cáo kinh tế "thảm khốc."
Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố cuối tuần trước, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 7,7% trong năm nay, một “tỷ lệ suy giảm kinh tế lịch sử."
Khảo sát mới nhất của tổ chức IHS Markit cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng 4/2020 đã giảm từ 44,5 của tháng trước xuống 33,4 - mức thấp nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện lần đầu tiên hồi giữa năm 1997.
Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương tới hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, dòng vốn và chuỗi cung ứng của khu vực này, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang bắt đầu phục hồi sau năm 2019 chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp thương mại và những lo ngại xung quanh tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trong bản phúc trình mùa Xuân thường niên, nhóm 6 tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Đức, trong đó có Ifo, DIW và RWI, cảnh báo tình trạng sụt giảm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong quý 2/2020 có thể lên tới gần 10% do virus corona chủng mới đang làm tê liệt cả nước.
Bộ Kinh tế Đức dự báo thậm chí nếu các biện pháp phòng ngừa COVID-19 được nới lỏng vào khoảng sau tháng Tư, tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm và chỉ phục hồi “từng chút một."
Đức hiện vẫn đang mâu thuẫn về thời điểm và tiến độ dỡ bỏ các hạn chế đã áp dụng, trong khi mối đe dọa dịch bệnh vẫn hiện hữu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo việc chấm dứt tình trạng phong tỏa quốc gia vào ngày 11/5 chỉ là bước đi đầu tiên.
Sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp giảm 0,1% trong quý 4/2019, mức giảm 5,8% trong quý 1/2020 đã cho thấy kinh tế Pháp chính thức rơi vào suy thoái.
Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu GDP theo quý của Pháp bắt đầu được thu thập từ năm 1949.
Pháp thực thi phong tỏa quốc gia từ giữa tháng Ba nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và những biện pháp giãn cách xã hội này là được coi là nguyên nhân then chốt dẫn đến kết quả ảm đạm nêu trên.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng GDP nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 8% trong năm nay khi các lệnh phong tỏa được kéo dài tới ngày 11/5.
Tại Italy, quốc gia phương Tây đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa ngăn chặn COVID-19 với những biện pháp nghiêm ngặt và kéo dài nhất, EC ước tính trong năm nay, nợ công của nước này sẽ tăng lên gần 160% GDP, thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng lên mức 11,1% GDP và được dự báo là mức cao nhất trong EU (với thâm hụt ngân sách trung bình là 8,5% GDP).
EC dự báo nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này suy giảm 9,5% trong năm nay, trong khi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ chỉ số tín nhiệm của Italy xuống mức BBB- do nền kinh tế chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19.
Tình hình kinh tế suy giảm khiến các nước châu Âu bắt đầu từng bước mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh ngay từ những ngày giữa tháng Tư đầu tháng Năm, và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu đóng cửa biên giới, Cộng hòa Áo cũng sớm thực hiện biện pháp mở cửa lại trong quá trình khôi phục nền kinh tế hậu đại dịch.
Các cửa hiệu nhỏ và cửa hàng cây cảnh đã mở lại từ giữa tháng Tư, song khẩu trang là bắt buộc trong tất cả các cửa hàng cũng như trong giao thông công cộng.
Nếu một khu vực không bị nhiễm bệnh thì tất cả các cửa hàng khác có thể mở cửa trở lại ngày 2/5 với các trường học, nhà hàng và khách sạn vào giữa tháng Năm.
Áo có thể mở biên giới trong mùa Hè để cho khách du lịch từ Đức và các quốc gia khác đang kiểm soát được tình hình dịch COVID-19.
Cộng hòa Séc cũng nằm trong số các quốc gia tích cực nhất trong việc nới lỏng các giới hạn kinh tế và xã hội từ tháng Tư.
Đan Mạch mở lại các trường tiểu học và cho phép tụ tập công cộng không quá 500 người từ ngày 10/5, tăng so với mức giới hạn 10 người trước đó.
Thụy Sĩ bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ ngày 27/4, từng bước khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và giảm thiểu những tác động đối với nền kinh tế.
Từ ngày 11/5, Thụy Sĩ cũng nới lỏng thêm các quy định về phong tỏa. Theo đó, tất cả các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, bảo tàng và thư viện có thể mở cửa trở lại.
Các trường tiểu học, trung học cũng được phép mở cửa trở lại tùy theo quyết định của từng bang. Và đến ngày 8/6, các biện pháp hạn chế cuối cùng cũng sẽ được dỡ bỏ.
Ngày 4/5, Bỉ bắt đầu cho phép một số cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại trong khi bắt buộc các hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng phải mang khẩu trang.
Dự kiến, trong tháng Năm này, Bỉ sẽ dần cho phép toàn bộ các cửa hàng mở cửa và tiếp theo là mở cửa trường học.
Việc nới lỏng các hạn chế cũng được thực thi tại Italy và Hy Lạp từ ngày 4/5 có sự giám sát, đánh giá hằng ngày.
Mặc dù lệnh phong tỏa kéo dài tới ngày 9/5, nhưng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố kế hoạch bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế theo 4 giai đoạn và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng Sáu.
Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp cũng quyết định bắt đầu nới lỏng phong tỏa trong tháng 5.
Sàng lọc cơ hội
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, nhiều nước đã tung các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.
Lãnh đạo các nước EU đã đồng ý thành lập một quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch dự kiến trị giá hơn 1.000 tỷ euro (1.076 tỷ USD).
Chính phủ Đức cũng đã thông qua gói giải cứu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Thụy Sĩ đang cân nhắc gói kích thích 40 triệu USD cho ngành du lịch bên cạnh các gói cứu trợ trị giá hơn 42 tỷ USD nhằm chống đỡ nền kinh tế.
Những gói kích thích này sẽ phát huy tác dụng giúp nhu cầu dần tăng trở lại một khi tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh có kết quả tích cực thúc đẩy lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng COVID-19 cũng sẽ làm thay đổi đáng kể nền kinh tế toàn cầu.
Thế giới luôn biến đổi, các hoạt động kinh tế-xã hội phát triển đi kèm với tình trạng biến đổi khí hậu và các doanh nghiệp cũng không thể trở lại các hoạt động kinh doanh như bình thường mà không tính tới những thay đổi trong môi trường sống.
Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, gia công phần mềm và các kỹ thuật bù đắp đã giúp giảm chi phí.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã phơi bày những rủi ro và hạn chế của toàn cầu hóa, đòi hỏi cần có một cách tiếp cận mới.
Theo các chuyên gia, một trong những điều chỉnh cơ bản phải tính tới đầu tiên sau đại dịch là thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị, để hạn chế sự lệ thuộc vào một thị trường.
Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa được đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để “bọc lót” lẫn nhau khi cần.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu, cho dù nguyên nhân và bản chất khủng hoảng ra sao, giải pháp trước mắt là sàng lọc kiếm tìm cơ hội từ những phương pháp sẵn có.
Đối với các nền kinh tế EU, để khắc phục khó khăn khi dịch bệnh đi qua cần nhiều giải pháp, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới, và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang là một trong những giải pháp được tính đến.
Việt Nam - một thị trường đáng kể với gần 100 triệu dân - có thể được coi là cửa ngõ cho những ý tưởng tìm kiếm thị trường, nguồn cung ứng cũng như công xưởng của EU.
Trong khi đó, EVFTA, đã được Hội đồng châu Âu phê chuẩn ngày 30/3, cũng giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh.
Theo cam kết của EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Là một trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD, EVFTA sẽ tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông-thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau giai đoạn đình trệ vì dịch bệnh, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn.
An ninh kinh tế của Việt Nam được đảm bảo hơn khi có thể đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định.
EU có thể coi là một trong những thị trường mục tiêu, vì vậy bên cạnh công đoạn chuẩn bị và ưu tiên hành lang pháp lý để EVFTA có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để khi có điều kiện thuận lợi, nhất là dịch bệnh qua đi sẽ có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ EU.
Cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp EU cũng có thể có những điều chỉnh đáng kể, đòi hỏi các nhà xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý theo dõi nắm bắt thông tin để thích ứng phù hợp với tình hình mới.
Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc với những cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu này.
Khôi phục hoạt động kinh tế trong khi vẫn phải nỗ lực khống chế dịch bệnh là bài toán khó, buộc hầu hết các nước đều phải thận trọng.
Thế giới vẫn đang dõi theo châu Âu để xem các nền kinh tế mở cửa sẽ như thế nào cùng với các phương án để phòng chống đợt “lây nhiễm thứ hai."
Bởi vậy, có thể coi việc các nền kinh tế châu Âu mở cửa trở lại sau đại dịch là quá trình thử nghiệm kiếm tìm cơ hội, và các nền kinh tế khác, như Việt Nam, hoàn toàn có thể làm một phần của cơ hội đó./.
Liên kết website
Đang truy cập: 58
Hôm nay: 10,098
Hôm qua: 15,833
Tháng hiện tại: 443,222
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,153,539