Người làm công tác nhân sự không tốt chắc chắn họ sẽ theo kiểu 'ngưu tầm ngưu, mã tầm mã', để lọt lưới những cán bộ không đạt chuẩn.

Thứ tư - 03/06/2020 20:12 292 0

Chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy phiếu bầu là câu chuyện thường thấy trước mỗi kỳ đại hội, là mối hậu họa lớn bởi nó có thể làm hư hỏng cán bộ, suy yếu hệ thống rường cột nước nhà, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Mối hậu họa đó được gọi là “tham nhũng quyền lực, tham nhũng cán bộ”.

Những bài học về bầu cử, quy hoạch, bổ nhiệm sai cán bộ, nể nang, đổi chác cán bộ của Đảng thời gian qua là minh chứng cho nạn tham nhũng ấy. Vì thế trong công tác nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm.

1

Những bài học về bầu cử, quy hoạch, bổ nhiệm sai cán bộ, nể nang, đổi chác cán bộ của Đảng thời gian qua là minh chứng cho nạn tham nhũng quyền lực, tham nhũng cán bộ (Ảnh minh họa)

Để sàng lọc những cán bộ luồn lách bằng mọi cách lọt vào bộ máy không phải là việc dễ dàng. Làm sao để nhận diện, chỉ rõ và loại bỏ ai không xứng đáng; làm gì để chọn được người thực đức thực tài lãnh đạo đất nước là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV với Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Phó Ban Tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân.

Nhân sự cấp ủy quyết định chất lượng cả hệ thống chính trị

PVTrong công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu. Ông suy nghĩ gì về yêu cầu này?

TS Nguyễn Minh Phong: Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm này và thấy rằng đây phải là điểm cốt lõi, quyết định chất lượng của công tác cán bộ. Chúng ta biết rằng cấp ủy là cơ quan quyền lực quan trọng nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng, không chỉ đưa ra các chủ trương, nghị quyết mà còn là nơi chỉ đạo tổ chức triển khai các chủ trương, nghị quyết này. Thế nên, nếu nhân sự cấp ủy chất lượng không tốt, chắc chắn nó sẽ quyết định chất lượng của cả bộ máy, của cả ê kíp trong hệ thống chính trị. Nhưng người phải “chạy” chắc chắn là không đủ uy tín, không đủ năng lực, chất lượng nhưng tìm mọi cách để lọt vào cơ quan cấp ủy, vì thế trong họ đã sẵn có mầm mống của tính cơ hội, tha hóa chất Đảng trong con người họ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chính vì thế nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra phải là nguyên tắc hàng đầu.

PVHệ quả của việc chạy chức chạy quyền, việc để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy là hết sức tai hại, gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ của Đảng. Làm sao để nhận diện những người dùng “mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Trong Triết học có một nguyên tắc rất quan trọng đó là nội dung quyết định hình thức nhưng một phần hình thức cũng phản ánh nội dung. Các cụ ta thì có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Có một số người hiểu được vai trò của hình thức nên mặc dù trình độ, năng lực, phẩm chất của mình không đạt như yêu cầu và tiêu chí cũng như so với người khác, thì họ cố gắng lấy hình thức bên ngoài để mọi người thấy họ là xứng đáng.

Theo quan sát của chúng tôi, những người như vậy thường được nhận diện qua một số biểu hiện: Mặc dù làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhưng lại không đưa ra được những ý tưởng, tư tưởng hay quan điểm, nội dung chỉ đạo thực sự đúng, ngang tầm mà chủ yếu chỉ nặng về biểu hiện bên ngoài như cố tình đi chậm, tác phong tỏ ra khoan thai, đạo mạo; ăn mặc hoặc rất đẹp, nghiêm túc, hoặc rất giản dị để tỏ ra hòa đồng; ngôn ngữ thường ăn to nói lớn, thậm chí ngoa ngôn, đưa ra những câu tuyên bố gây sốc hoặc đưa ra những lời hứa dễ dãi hay chủ trương chỉ đạo trên trời.

Đặc biệt, họ cũng rất hay cười, hay vỗ vai kiểu bạn bè chí cốt, hứa hẹn ban phát quyền lợi hoặc tạo ê kíp bất chấp nguyên tắc là tính thực tiễn của địa phương. Quan sát tinh có thể nhận ra những kiểu người như vậy.

Kẽ hở để lọt lưới những cán bộ không xứng đáng

PVDù biết người này, người kia sống hai mặt như vậy nhưng người giới thiệu, đề cử không công tâm hoặc vì lý do nào đó mà cố tình che giấu thì họ vẫn dễ lọt vào cấp ủy các cấp, vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, đây là điều có thật, được quy định bởi 2 nguyên nhân chính. Qua quan sát thực tế tôi thấy, nguyên nhân thứ nhất, rất có thể ở cơ quan, địa phương đó hay hoạt động bầu bán đó là do cấp ủy hay những người có trách nhiệm trong việc chuẩn bị nhân sự, họ độc đoán, cố tình đưa ra những người có tính hai mặt, không xứng đáng nhưng lại không có danh sách người khác để hội nghị hay những người có tâm lựa chọn, cho nên buộc phải lựa chọn những người trong danh sách. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất.

Nguyên nhân thứ hai có thể do nể nang, thiếu thông tin, thậm chí có chút dọa nạt, ép buộc kể cả những lời hứa hẹn, không loại trừ cả nguyên nhân liên kết lợi ích, nên họ cứ bầu hy vọng mình sẽ được lợi ích theo. 2 nguyên nhân này theo tôi chính là kẽ hở rất lớn để lọt lưới những cán bộ không xứng đáng.

2

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Ảnh: KT)

PVVậy vấn đề cần đặt ra trách nhiệm của người giới thiệu, người đề cử ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Chúng ta đang chủ trương cần phải bắt lỗi, quy trách nhiệm cho những người để lọt lưới, nhất là những người giới thiệu. Thời phong kiến cũng đã có chế độ đó. Vua có thể phạt những người giới thiệu quan chức không xứng đáng, đồng thời thưởng cho những người giới thiệu quan chức xứng đáng. Chúng ta hiện đang phát triển nguyên tắc này, nhưng rất tiếc vẫn chưa có cơ chế cụ thể. Tôi cho rằng cần sớm cụ thể hóa nguyên tắc này.

PVĐể không còn tình trạng chạy phiếu bầu, đề cử, giới thiệu, Đảng đã có những quy định làm rõ trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự. Nhưng nếu là tập thể cấp ủy giới thiệu thì quy trách nhiệm thế nào. Làm thế nào để xác định đâu là trách nhiệm cá nhân, đâu là trách nhiệm tập thể trong giới thiệu, đề cử cán bộ?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Để xác định được trách nhiệm của cá nhân cũng như tập thể cần xác định rõ những khâu, quy trình trong toàn bộ quy trình cán bộ. Đầu tiên là phải quy trình hóa, cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn của cán bộ, vị trí cán bộ cũng như các yêu cầu để đánh giá, đảm bảo việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Đồng thời xác định trách nhiệm và người chịu trách nhiệm của mỗi khâu, mỗi bộ phận để lựa chọn, giới thiệu nhân sự, đặc biệt phải có người chịu trách nhiệm cho những công việc cũng như quy chuẩn, sai ở đâu, ở khâu nào thì người chịu trách nhiệm ở khâu đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, cần xác lập tính rõ ràng, minh bạch của ý kiến, ví dụ tập thể bầu cần phải lưu lại các dấu tích như ai bầu, ai không bầu để sau này nếu bắt lỗi tập thể thì cũng phải quy rõ ràng. Hai phần ba đồng ý được bầu vậy một phần ba không phải chịu trách nhiệm. Các phiếu bầu phải có tên tuổi, chức danh của những người bầu.

Thứ ba, cần xác định các lỗi là lỗi của công tác nhân sự ban đầu, lỗi của người sau khi trúng cử mới bắt đầu phát sinh, thì cũng phải làm cho rõ ràng để tránh trường hợp có những người lúc đầu họ tốt thật nhưng sau đó mới có sự tha hóa, vậy thì lỗi đó không phải của người bầu mà là lỗi của cơ quan quản lý.

Không để người làm công tác tổ chức làm quá 2-3 nhiệm kỳ

PVCó ý kiến nhận xét, để lọt vào trung ương những cán bộ xấu dính vào tham nhũng, tiêu cực, những người có dấu hiệu mua phiếu bầu, phiếu giới thiệu, mua chức quyền thì trách nhiệm không chỉ ở khâu giới thiệu, đề cử mà còn là sự tiêu cực, tham nhũng ở chính cơ quan gác cửa công tác nhân sự của Đảng?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Đây là một trong những điểm rất quan trọng, từ lâu chúng tôi cũng đã đề cập rất mạnh mẽ vấn đề này. Tham nhũng không phải chỉ ở bản thân cán bộ mà ngay trong cả công tác cán bộ. Đây là điểm mấu chốt, nếu chúng ta không gác cửa, không có một “nhà máy sản xuất cán bộ” trong sạch dứt khoát sẽ ra sản phẩm lỗi. Đó không chỉ là nguyên tắc trong kinh tế, trong sản xuất mà trong cả công tác cán bộ.

Cho nên, nếu những người làm công tác nhân sự không đảm bảo chất lượng thì chắc chắn họ sẽ theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, sẽ để lọt lưới, cố tình cho ra những “sản phẩm” không đạt chuẩn. Vì thế, những người này cần phải được xử lý đầu tiên để đảm bảo cho công tác cán bộ ngay từ đầu. Muốn làm được điều đó, quan trọng là phải quy trách nhiệm cho những người làm ở từng bộ phận và đặc biệt người đứng đầu của bộ phận đó cũng như người đứng đầu của cơ quan tổ chức cán bộ. Nếu chất lượng cán bộ không đảm bảo, chắc chắn họ phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, chứ không có chuyện đổ lỗi cho những yếu tố khác.

Đặc biệt, những người làm công tác tổ chức cán bộ cần được luân chuyển, không nên làm quá 2-3 nhiệm kỳ để họ có cơ hội biến các quan hệ thành điều kiện để mưu cầu cho mình. Đây là một trong những điểm mới tôi rất đồng tình với quan điểm để có được bộ máy làm công tác cán bộ tốt, chuẩn, trong sạch, từ đó tạo ra được những sản phẩm cũng tốt, chuẩn, trong sạch.

PVXin cảm ơn ông./.

Đình Hiếu/VOV1

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 63

Hôm nay: 16,883

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 379,921

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,090,238

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây