Tính Đảng và bảo đảm tính Đảng của nền báo chí nước nhà là yêu cầu căn bản và tất yếu. Không có một nền báo chí của bất cứ một quốc gia, dân tộc nào chung chung, phi dân tộc, phi chính trị, phi xã hội...
Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước)
1. Nhớ lại hơn 95 năm trước, ngày 21-6-1925, bằng kỳ công của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tờ Thanh Niên, đứa con nòi của nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà. Và cách đây hơn 90 năm, tại Hội nghị thành lập Đảng ta (họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cùng với việc thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng, Hội nghị quyết định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”(1). Như vậy, ngay từ thuở cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rõ, báo chí là một mặt trận để “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng”. Vừa khai sinh, Đảng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam - nền báo chí phụng sự Nhân dân, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng. Nói cách khác, báo chí “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đó chính là tính đảng của nền báo chí cách mạng.
Báo chí phải phục vụ tự giác trên cơ sở khoa học và sáng tạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó cũng chính là nguyên tắc sáng tạo, là phẩm chất và ý thức tự nguyện xã hội chủ nghĩa của hệ thống báo chí và đội ngũ nhà báo nước ta. Nhận thức và hành động trái điều đó, có nghĩa là chệch hướng chính trị.
|
Như vậy, rõ ràng một cách tự nhiên tính Đảng là một thuộc tính căn bản, tiên quyết (cùng các thuộc tính quan trọng khác: tính dân tộc, tính nhân dân, tính quốc tế…) làm nên lý tưởng, sinh khí, vị thế và sức mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hội nhập nền báo chí thế giới. Không ai có thể phủ nhận, cắt xén hay bôi nhọ, bài xích, dù dưới mọi góc độ, quy mô, dù mọi tính chất và mức độ.
Ngay từ năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết/ Thi gia dã yếu hội xung phong” (Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong). Trước đó, năm 1941, Nhà thơ Sóng Hồng (Tổng Bí thư Trường Chinh) cũng đã viết: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Mỗi bước trưởng thành của Đảng, của Nhà nước ta là mỗi bước nâng nền báo chí lên một vị thế và tầm cao mới. Và, đến lượt mình, mỗi bước phát triển của báo chí lại là tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của Đảng, của chế độ; là động lực mạnh mẽ và quan trọng thúc đẩy sự phát triển, nâng cao trình độ dân chủ của xã hội, góp phần nâng Đảng và Nhà nước ta ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, củng cố vững chắc chế độ xã hội ta. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí cách mạng.
Một cách tự nhiên, tính Đảng là sự phát triển và kết tinh cao độ và sinh động của tính dân tộc. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta “là đứa con nòi của giai cấp lao động”. Khi báo chí lĩnh nhiệm sứ mệnh bảo vệ và phát triển những điều thuộc về quốc gia dân tộc, thuộc về nhân dân, thì đó chính là khi tính Đảng phát triển cao nhất, rực rỡ nhất và vô cùng thiêng liêng.
Một vấn đề căn bản đang gây sóng bão trên thế giới đó là dân chủ với báo chí. Xin nói ngay, dân chủ ở đây chính là hình thái tổ chức nhà nước, là vấn đề thể chế chính trị xã hội. Nhân danh dân chủ, không ít người, bằng mọi thiên kiến và thủ đoạn, đã và đang cố tình hoặc chối bỏ, hoặc nhân danh, hoặc thổi phồng, hoặc xóa nhòa - đánh lận các thuộc tính của dân chủ… nhằm cổ xúy một nền dân chủ phi chính trị hoặc một nền dân chủ vô chính phủ, dân chủ giả hiệu, dân chủ cưỡng bức… và thổi chúng vào báo chí, thậm chí “mượn tay” báo chí chĩa mũi nhọn công phá Nhà nước ta, Đảng ta. Người ta không ngớt cổ vũ cho một kiểu báo chí “không biên giới”, báo chí tùy thời, thực dụng, phi quốc gia, dân tộc, phi chính trị… bằng cách cố tình tuyệt đối hóa mặt này của dân chủ hay tô vẽ, thổi phồng sự tự do của báo chí nhằm cổ xúy một kiểu báo chí tự do không giới hạn; đồng thời khuếch trương một thứ dân chủ vô hạn độ và thổi phồng mù quáng cái gọi “cá tính sáng tạo” người làm báo một cách dân túy… ngấm ngầm áp đặt thứ triết lý “tiếng nói thuộc về kẻ trả tiền”, “tiền trao cháo múc” thực dụng, kích động sự vô pháp vô cương của báo chí, mưu toan xâm hại lợi ích của dân tộc, của nhân dân ta…
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao biểu trưng tôn vinh các nhà báo lão thành cách mạng, tại Hội nghị Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020). (Ảnh: Thu Hằng).
Chân lý là những gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là chân lý ở Việt Nam. Lật ngược chân lý ấy là phi dân chủ. Theo đó, tính Đảng của nền báo chí cách mạng nước nhà, cũng một cách tự nhiên, không thể không đối diện và góp phần giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội và môi trường, trong quá trình phát triển của mình, đi tiên phong công phá những âm mưu và hành động nhân danh dân chủ, tự do báo chí phá hoại lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc và nhân dân.
Đảng ta mang bản chất quốc tế. Một cách tự nhiên, dưới ngọn cờ của Đảng, nền báo chí Việt Nam tự mình mang tính quốc tế, ngay trong mỗi bước phát triển và hội nhập quốc tế. Đó là sự phát triển tất yếu thống nhất trong đa dạng từ trong nội tại và của nền báo chí chúng ta trong đời sống báo chí thế giới.
Báo chí Việt Nam không thể không tham gia, thậm chí can dự đời sống quốc tế, nhưng kiên quyết tẩy trừ mọi biểu hiện dùng báo chí chống báo chí, dùng báo chí xâm hại chính trị quốc tế, nhất là kỳ thị và chống lại các quốc gia dân tộc khác bằng báo chí, thông qua báo chí.
Tính Đảng là nhân tố căn bản làm nên sứ mệnh, tôn vinh vị trí và vai trò lịch sử của báo chí; là nguyên tắc bất biến quán xuyến diện mạo, khí chất, sức mạnh và uy tín của nền báo chí nước nhà trong công cuộc kiến thiết quốc gia dân tộc xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế, dưới ngọn cờ của Đảng.
|
Tính Đảng chính là cương lĩnh hành động, là phương hướng căn bản của sự tự do và sáng tạo của nền báo chí chúng ta. Đó là mục tiêu hoạt động, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, là sự nghiệp trọng đại thử thách bản lĩnh, là môi trường phát triển, là thước đo phẩm giá và hiệu quả của nền báo chí nước nhà.
2. Phải thẩm xét tính Đảng trong tiến trình lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, mới có thể nhận diện và giải quyết được mối quan hệ căn bản, biện chứng và thống nhất giữa những nhân tố tạo nên dung mạo, sức sống, vị thế, sức mạnh và uy tín của nền báo chí nước nhà: Nhà báo - Tờ báo - Nền báo chí - Công chúng báo chí trong nước và quốc tế - và Mạng xã hội toàn cầu. Sứ mệnh và sức mạnh của nền báo chí nước nhà phụ thuộc vào tầm nhìn và phương lược giải quyết mối quan hệ cốt tử này.
Về nhà báo và đội ngũ nhà báo. Không có nhà báo sẽ không có báo chí và cố nhiên không có nền báo chí. Đây là tế bào của nền báo chí. Nếu báo chí là bộ biên niên của lịch sử thì nhà báo là sử gia. Chúng ta đang có một đội ngũ hùng hậu với trên hai vạn nhà báo. Báo chí vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng, góp phần tạc nên gương mặt và hồn phách đất nước ta, nhân dân ta; đồng thời góp phần làm trọn vai trò là người dẫn dắt và cổ vũ dư luận sáng suốt, người phản biện và kiến tạo xã hội một cách hăng hái.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, có 505 nhà báo hy sinh khắp các chiến trường. Đó là những cây bút ưu tú, những nhà báo dũng cảm của các cơ quan:Thông tấn xã Việt Nam, ĐàiTiếng nói Việt Nam, BáoQuân đội nhân dân,Điện ảnh Quân đội nhân dân... Còn gì thuyết phục và vinh quang hơn, hiện thân tính Đảng từ các nhà báo - liệt sỹ, của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
|
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công không nhỏ, là những câu hỏi lớn như: trước đòi hỏi của dân tộc, đội ngũ nhà báo đã đáp lại một cách xứng đáng và ngang tầm với vị thế và sứ mệnh mà Đảng và nhân dân trao truyền? Cùng với đông đảo những nhà báo tiền phong và xứng đáng, dư luận đang đòi hỏi rõ trong đội ngũ còn bao nhiêu những người cầm bút chưa xứng đáng - còn là những “con kỳ nhông” lạm quyền tự do thông tin, thậm chí là những “bút nô”, những “con kền kền”…? Còn bao nhiêu nhóm cơ hội, những “liên danh” manh tâm bẻ cong ngòi bút một cách vụ lợi và táng tận lương tâm?...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “… Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính đảng”. Như vậy, mỗi nhà báo, với tư cách là người biên niên lịch sử, người dẫn dắt dư luận, trước hết và sau cùng xứng đáng là một nhà chính trị, một công dân trọn vẹn, phải biết đặt danh dự cá nhân và uy tín ngòi bút vì Tổ quốc. Đó cũng chính là thước đo tính Đảng. Nhất định chúng ta phải kiến tạo một đội ngũ nhà báo bảo đảm chuyên nghiệp hóa - hiện đại hóa - văn hóa hóa.
Về cơ quan báo chí và tổ chức hệ thống báo chí. Chúng ta đã và đang nỗ lực xây dựng một nền báo chí tự do và bảo đảm tự do phát triển một cách sáng tạo cho tất cả các cơ quan báo chí. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 362-QĐ/TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là định hướng, là khung pháp lý rất quan trọng. Đã và đang có những ý kiến khác nhau trong báo giới về Quyết định trên, nhưng hãy đặt câu hỏi: liệu chúng ta có cần tới 982 cơ quan báo chí, với gần 1.500 ấn phẩm báo chí, rất đông đúc, chồng lấn như hiện nay không?
Theo đó, tổng rà soát, có bao nhiêu tờ báo, tạp chí xa rời mục đích, chức năng và nhiệm vụ của mình, thậm chí làm trái các điều cơ bản đó, vì nhiều lý do và mục đích khác? Nghĩa là tình trạng đây đó, lúc này hay khác xa rời cương lĩnh của báo chí: Là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, là diễn đàn và tiếng nói của nhân dân. Vì vậy, phải được chỉnh đốn kiên quyết, không có con đường nào khác, nếu muốn phát triển.
Sắp xếp, quy hoạch lại cũng là nhằm khắc phục tình trạng đa dạng “thị trường hóa” báo chí, nhưng sự thực không ít tờ bị “buông trôi”, “mang con bỏ chợ”, “đánh tráo loại hình”, “báo hóa tạp chí”, “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”, thậm chí là tệ mượn báo chí “đánh bóng mình” một cách dân túy, “tiền tệ hóa” báo chí và đẻ ra những ấn phẩm vô bổ, giật gân, câu khách...
Kiến tạo một hệ thống báo chí phù hợp với nhiệm vụ cách mạng chính là đòi hỏi một cách nghiêm ngặt và biểu hiện tập trung về tính Đảng. Phải vượt qua tất cả rào cản tâm lý, những chướng ngại thậm chí cả những “cục nghẽn mạch” về lợi ích riêng, lợi ích nhóm, để thực thi dứt khoát.
Phát triển kinh tế báo chí nhưng dứt khoát không thể chấp nhận các tờ báo làm kinh tế bằng mọi giá, thậm chí bị “dắt mũi”, bị “nuôi và bị sai khiến”(!). Như thế là đánh mất chính trị, phá vỡ sự thống nhất của báo chí và nền báo chí thống nhất. Sức mạnh báo chí nằm ở sự tập trung có tổ chức nghiêm ngặt và phù hợp một cách dân chủ và thống nhất. Trái với điều này, báo chí tự làm suy yếu mình, tự hạ thấp mình, rốt cuộc tự đánh mất lòng tin của xã hội.
Vì thế, sự trở lại nghiêm khắc tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí, từ đó tổ chức lại hệ thống cơ quan báo chí thống nhất trong đa dạng thật sự phù hợp, gọn nhẹ và tinh nhuệ của nền báo chí; tôn trọng tính độc lập trong hệ thống và hiệu quả của mỗi cơ quan báo chí; bảo đảm các điều kiện cần và đủ, trước hết về vật chất, kỹ thuật để các cơ quan báo chí chủ động hoạt động và nâng cao tính chuyên nghiệp, sự thành thạo chính trị và sửa sang đạo đức của các nhà báo; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những biến tướng phi chính trị hóa, xâm hại thể chế, làm băng hoại đạo đức xã hội… phải là nhóm biện pháp cần kíp và nhân văn, để tính kế lâu dài và bền vững.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan Triển lãm "95 năm báo chí cách mạng Việt Nam từ tư liệu, tài liệu lưu trữ nhà nước". (Ảnh: Thu Hằng)
Về công chúng báo chí trong nước và quốc tế. Không có công chúng báo chí sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào, dù nhỏ, của báo chí. Phục vụ bạn đọc là mục tiêu cao nhất của báo chí. Vì, báo chí của chúng ta không tự thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Đó không chỉ là nơi nhân dân nói mà còn phải là nơi nói tiếng nói phụng sự nhân dân, phục vụ cách mạng. Vì mục đích cách mạng, nền báo chí do Đảng lãnh đạo cũng là “vì Dân”.
Hơn nữa, bạn đọc là một trong những chủ thể của báo chí, vì báo chí đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Được nhân dân giao cho trọng trách là người tổ chức diễn đàn, báo chí luôn xứng đáng là người giữ lửa dư luận, dẫn dắt và cổ vũ dư luận, phụng sự và bảo vệ nhân dân, phục vụ bạn đọc dù trong nước hay quốc tế. Nhân dân và bạn đọc góp phần giám sát, bảo vệ báo chí và những người làm báo. Do đó, tôn trọng bạn đọc là tôn trọng chính mình, là tôn chỉ, là con đường phát triển tự nhiên và lành mạnh của chính báo chí chúng ta.
Về báo chí với mạng xã hội toàn cầu. Chưa bao giờ sự tương đồng và thách thức giữa báo chí của chúng ta và mạng xã hội lại sâu rộng không chỉ về quy mô mà còn về tính chất và mức độ như hiện nay. Nhiều lúc, nhiều tờ báo “lẽo đẽo” đi theo sau mạng xã hội, thậm chí ở không ít phương diện, tại không ít nơi, mượn sự đồn thổi và phúng dụ của mạng để làm báo. Không ít nhà báo, tờ báo bị mạng xã hội chi phối, dẫn dắt. Trong “thế giới phẳng” và không phẳng, thông tin là sức mạnh, là lực lượng; báo chí có thể tạo nên thời cơ nhưng lại có thể tạo ra nguy cơ. Chúng ta tiên lượng và đi tiên phong nắm lấy, cổ vũ hoặc khắc chế chúng. Nếu báo chí chỉ đi sau mạng xã hội, chắc chắn sẽ rơi vào tụt hậu, khủng hoảng, đánh mất vai trò của mình.
Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á Phi, ngày 24-4-1965, Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng...”. Khi nói chuyện với các nhà báo nước nhà, Người dặn dò: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén...”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, “cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Làm trái những điều ấy, chúng ta sẽ tha hóa, làm thoái hóa báo chí, thậm chí là ngụy báo chí.
Hơn hết bao giờ, báo chí phải thực sự làm chủ thời cuộc và công nghệ, chủ động tiên phong cảnh giới và gìn giữ không chỉ không gian chính trị, không gian xã hội, đặc biệt quan trọng là không gian mạng, mà quan trọng bậc nhất là không gian tinh thần, chủ động dẫn dắt, chi phối dư luận xã hội, nhân lên giá trị và cổ vũ uy tín Việt Nam, hội nhập và góp phần phát triển đời sống báo chí quốc tế./.
Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng của chúng ta là người sáng lập, trực tiếp làm Chủ nhiệm hoặc Tổng Biên tập các tờ báo và tạp chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ bút các tờ Người cùng khổ, Thanh niên và Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản hiện nay. Tổng Bí thư Lê Hồng Phong làm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vich những năm 1934. Tổng Bí thư Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản năm 1935, trực tiếp chỉ đạo các báo L’Avant garde (Tiền phong, 1937), Dân chúng (1938) của Đảng dưới danh nghĩa “Cơ quan Lao động và Dân chúng” ở Nam Kỳ. Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ bút tờ Cờ giải phóng, Sự thật, Nhân Dân, rồi Chủ nhiệm Tạp chí Cộng sản qua nhiều thời kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1991-1996).
|
_________________________
(1) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr.12.
TS. Nhị Lê/TG
TS. Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản:
Tính Đảng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam chính là tính chiến đấu, chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, trong chính nền báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” của Bộ Chính trị, hầu hết các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, thuộc tất cả các loại hình báo chí là báo in, báo mạng điện tử, phát thanh và truyền hình đều đã mở chuyên mục, xây dựng chương trình có liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Thực tế qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35, báo chí đã có những đóng góp tích cực trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị ở trong và ngoài nước với những chương trình, chuyên trang, chuyên mục, những loạt bài đấu tranh trực tiếp, gián tiếp nhằm bác bỏ các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, thổi phồng, bóp méo… của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế rằng, đây là mảng đề tài khó, việc đấu tranh bảo vệ, phản bác này chỉ được một số ít cơ quan báo chí chú trọng, không ít cơ quan báo chí mở chuyên mục, chuyên trang, xây dựng chương trình nhưng không có sự đầu tư bài bản, chất lượng cả về đội ngũ cộng tác viên cũng như kinh phí, do vậy hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Không ít cơ quan báo chí thường thiếu sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm, thậm chí còn lơ là, xem nhẹ việc tuyên truyền về vấn đề này, nên chỉ thực hiện kiểu “đối phó”, cho có khi thường xuyên đăng tải, trích dẫn lại thông tin từ các cơ quan báo chí khác. Không ít cơ quan báo chí còn thiếu tính chủ động, nhạy bén, sắc sảo, quyết liệt trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những tác phẩm báo chí có chiều sâu về lý luận và thực tiễn, đấu tranh phản bác một cách chặt chẽ, khoa học, xác đáng, thuyết phục… trước các luận điệu, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động còn chưa thật nhiều. Việc sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền về lĩnh vực này chưa thực sự được chú trọng, nhất là trên quy mô toàn quốc…
Để khắc phục những khoảng trống kể trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả về quản lý nhà nước nói chung, cũng như từng cơ quan báo chí nói riêng. Nhưng có lẽ, điều quan trọng là việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan báo chí còn chưa chú trọng vấn đề này, trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, xứng tầm cho việc thông tin về lĩnh vực hết sức quan trọng này, qua đó nâng cao tính Đảng trong cơ quan báo chí, cũng như cả nền báo chí cách mạng, góp phần tích cực, chủ động vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
|
Nhà báo Bắc Văn, Báo Nhân dân:
Không có tính Đảng, không thể là báo chí cách mạng
Để phục vụ nhân dân, trước hết, báo chí cách mạng là cầu nối, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; cổ vũ nhân dân làm nên sức mạnh vô biên, biến ý chí của Đảng thành hiện thực, vì cuộc sống, vì lợi ích của chính bản thân mình. Đồng thời, báo chí cũng là tấm gương phản chiếu xã hội, nắm bắt, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để qua đó, Đảng nắm chắc hơn thực tiễn, nhất là những vấn đề đang đặt ra, những bức xúc trong nhân dân, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của mình một cách tốt hơn. Báo chí cách mạng còn là “đội cận vệ” của Đảng, là lực lượng nòng cốt đấu tranh vạch trần mọi âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chính trị, đối tượng xấu, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, chế độ ta, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí còn là người “giám sát” quá trình triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện nhân rộng các nhân tố mới, cách làm hay; đồng thời kiên quyết lên ánh những hành vi vi phạm pháp luật, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tính Đảng của báo chí cách mạng là như thế.
Tính Đảng giúp cho báo chí cách mạng hoạt động đúng hướng, đúng tôn chỉ, mục đích của mỗi báo, nhưng hoàn toàn không phải là cái “vòng kim cô” trói buộc báo chí mà trái lại, luôn tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt hơn, tôn trọng tính độc lập trong tác nghiệp của nhà báo, khuyến khích báo tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều năm qua, cuộc thi viết của báo chí về đề tài này là một minh chứng; nhiều bài báo “chỉ mặt, vạch tên” những đối tượng, việc làm vi phạm pháp luật là tài liệu tham khảo quý cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy tố tội phạm. Rõ ràng, vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận luôn được Đảng ta coi trọng; tính đảng đối với báo chí cách mạng không hề cản trở tự do báo chí như các thế lực thù địch trơ trẽn, cố tình “chụp mũ” cho nền báo chí nước nhà.
Tính Đảng là bản chất, là thuộc tính của báo chí cách mạng và cũng là đòi hỏi đối với mỗi người cầm bút, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin như hiện nay. Người làm báo phải “có lập trường chính trị vững chắc”, lấy “chính trị phải làm chủ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Người làm báo đảng cần hiểu rõ và thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Đảng về báo chí cách mạng; xác định rõ mình là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, không để kẻ xấu lợi dụng, tuyệt nhiên không được bẻ cong ngòi bút, phục vụ mưu lợi cá nhân bất chính, hay vì quyền lợi của một nhóm người nào đó. Viết cái gì có lợi cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Không những thế, người cầm bút cần có trình độ chuyên môn, có ý thức xã hội, am hiểu các lĩnh vực của đời sống, nhất là những vấn đề liên quan đến đề tài, nội dung mình theo dõi hoặc tìm hiểu, phản ánh trên báo chí. Trước khi tìm đề tài và tác nghiệp, cần suy nghĩ viết cho ai, viết để làm gì, rồi mới đến viết như thế nào cho có tính quần chúng và tính chiến đấu; không bôi hồng, không tô đen, làm méo mó sự thật. Có những vụ việc cụ thể xảy ra đâu đó nhưng nó không phản ánh bản chất của cuộc sống, thì không nên viết; có những cái viết lên chỉ tạo sự tò mò vì hiếu kỳ của số ít người, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục thì không nên viết,… Với người viết là như vậy, người biên tập, xử lý cho đăng lại càng phải thận trọng hơn, không để lọt những “vi rút truyền nhiễm” lên trang báo.
Tính Đảng của báo chí cách mạng là vấn đề rất lớn, cần quá trình đào tạo rèn luyện tu dưỡng của nhà báo cả về trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, cả về ý thức và bản lĩnh, văn hóa và thẩm mỹ mới có được. Nó không chỉ thể hiện trong những bài viết điều tra, phóng sự, phản ánh dài kỳ công phu mà ngay cả trong một tin vắn mấy dòng.
|
Đồng chí Mai Đức Thông, Tổng Biên tập báo Tuyên Quang:
Giữ vững sự chuẩn mực, trung thực, khách quan của báo chí cách mạng
Tính Đảng là đặc trưng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tính Đảng thể hiện tính chiến đấu của báo chí để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đồng thời đấu tranh chống lại những tư tưởng, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch; chống lại những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong xã hội đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng. Tính Đảng yêu cầu mọi hoạt động báo chí phải thầm nhuần hệ tư tưởng của Đảng, tự giác đứng trên lập trường, quan điểm của Đảng khi tiếp cận, giải quyết các sự kiện và vấn đề thời sự, tự nguyện và kiên trì đấu tranh vì lợi ích chính trị của Đảng. Thực tiễn hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đang góp phần quan trọng vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Để kiên định tính Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam phải trung thành và thể hiện đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, phát triển đất nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Các cơ quan báo chí phải tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình, thực sự là cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân.
Những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo chí phải thường xuyên ý thức về tính Đảng của báo chí cách mạng, giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp và nhân cách trong sáng của người cầm bút - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Đó là, giữ vững sự chuẩn mực, trung thực, khách quan của báo chí cách mạng. Tuyệt đối tránh việc tuyên truyền, phản ánh một chiều, phiến diện. Bên cạnh việc phản ánh các mặt tích cực trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí cần tích cực đấu tranh với những tiêu cực trong xã hội, tham nhũng, lãng phí, lên án các hành vi coi thường kỷ cương phép nước.
Chủ động đấu tranh phản biện các quan điểm sai trái phản động của các thế lực phản động, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đội ngũ những người là báo phải nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng; dám dấn thân, dám đấu tranh, dám nói những điều cần nói, dám bảo vệ những điều cần bảo vệ.
|