Sau đại hội đảng bộ các cấp, có người trúng cử, có người không trúng cử vào cấp ủy nhiệm kỳ mới. Đó cũng là việc rất bình thường.
Phần lớn các đảng viên trúng cử đều cảm thấy vinh dự và xác định rõ trọng trách cùng cấp ủy khóa mới lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Thế nhưng trong thực tế, vẫn có trường hợp đảng viên trúng cử nảy sinh tâm lý tự mãn, coi thường người không trúng cử và “người phe khác” không bỏ phiếu cho mình. Trái lại, có những đảng viên không trúng cử lại cho rằng mình chỉ là “quân xanh”, được đưa vào danh sách bầu cấp ủy cho đủ số lượng, hay suy nghĩ "chỉ có mình mới xứng đáng còn người khác thì không"; từ đó thối chí, chán nản, dần dần có tư tưởng bất mãn. Hai trường hợp nêu trên, tuy trái ngược nhau về tâm lý, suy nghĩ nhưng ở họ có điểm chung là nếu người đứng đầu cấp ủy các cấp không kịp thời nắm bắt tư tưởng, có biện pháp nhắc nhở, động viên thì họ sẽ lười tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương; thậm chí, đánh mất mình, trở thành “hạt giống lép” hay cơ hội cho các đối tượng chống phá lôi kéo, kích động.
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ: Đại hội đảng bộ các cấp là đợt, dịp sinh hoạt chính trị lớn của mọi cấp ủy, tổ chức đảng và toàn xã hội. Mọi việc lựa chọn nhân sự, bầu cử trong Đảng được tiến hành chặt chẽ, dân chủ, đúng nguyên tắc đảng, theo đúng quy trình, quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tổ chức đảng cấp trên. Về tổng thể, những người nằm trong danh sách bầu cấp ủy đều là những người tiêu biểu.
Mặt khác, kết quả bầu cử tại đại hội cũng là cơ hội để đảng viên trong danh sách bầu cấp ủy soi chiếu, đánh giá, nhìn nhận lại bản thân. Người trúng cử cần lấy đó làm động lực tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân và cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của đảng viên trong tổ chức đảng. Còn với người không trúng cử thì đừng vì thế mà buồn chán, tự ti, nghĩ rằng mình yếu kém, hết cơ hội mà phải bình tĩnh xem lại mình còn mặt nào hạn chế để khắc phục, sửa chữa, phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, hai trường hợp nêu trên là những cán bộ, đảng viên đã phần nào bị giảm sút ý chí. Bởi thế, trong công tác nhân sự của Đảng, cần phải được tiến hành chặt chẽ, công tâm, khách quan, phải rất tỉnh táo, tinh tường "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong" như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đề cập trong bài viết: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Từ đó cho thấy, đảng viên và tổ chức đảng các cấp cần phải quan tâm, thường xuyên tôi rèn bản lĩnh, ý chí, quyết tâm trước mọi tình huống, khó khăn, thử thách. Có như thế mới vững vàng trước mọi diễn biến, cam go và xứng đáng là “bộ óc” của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, người đứng đầu các tổ chức đảng cần thường xuyên nắm bắt tư tưởng đảng viên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý và có biện pháp giúp đỡ, động viên họ; tránh để xảy ra mất đoàn kết hay những tình huống khó lường khác.