Nếu ví Đảng là thân thể con người, các tổ chức Đảng là các bộ phận thì đảng viên là những tế bào tạo nên con người ấy. Nói cách khác, đảng viên là thành tố cơ bản cấu thành các tổ chức Đảng và toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”.
Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng đội ngũ đảng viên quyết định chất lượng các tổ chức Đảng, cũng như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng. Vai trò lãnh đạo, uy tín, danh dự của tổ chức Đảng, của toàn Đảng đối với xã hội cũng do phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành.
Những thành quả vĩ đại mà Đảng đạt được cùng với nhân dân ta trong hơn 91 năm lịch sử chính là nhờ không ngừng chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” nhận định, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn... Tại Đảng bộ Hà Nội, chỉ trong nhiệm kỳ khóa XVI, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thi hành kỷ luật 59 tổ chức Đảng, 4.143 đảng viên, cho thấy phần nào thực trạng đó.
Theo nhận định của Trung ương Đảng, những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Ở góc độ hẹp hơn, đối với mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên rơi vào một hay một số trong 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì tổ chức Đảng ấy không chỉ mất sức chiến đấu, tê liệt vai trò lãnh đạo mà cả uy tín cũng không còn...
Xét về nguyên nhân, cán bộ, đảng viên suy thoái làm tổn hại tới uy tín, danh dự của tổ chức Đảng chủ yếu do phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Sâu xa và chủ yếu của tình trạng này trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; nói trái, làm sai các nguyên tắc của Đảng và quy định của tổ chức; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân.
Để khắc phục, Trung ương Đảng và cấp ủy Đảng các cấp đã đề ra nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế. Trong đó, giải pháp căn cơ, quan trọng nhất là phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, điều quan trọng là phải coi trọng đúng mức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng; khắc phục tình trạng sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ còn hình thức, đơn điệu. Cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp phải có quyết tâm chính trị cao; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nêu cao trách nhiệm tiên phong, gương mẫu.
Cùng với đó, cán bộ, đảng viên vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc. Cấp ủy Đảng phải nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Trong sinh hoạt Đảng, thực hành nghiêm các nguyên tắc Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đối với cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên, cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm tu dưỡng của bản thân đối với giữ gìn uy tín của Đảng, mà trước hết là tổ chức Đảng nơi mình sinh hoạt, gắn bó. Khoảnh khắc thiêng liêng khi đứng dưới cờ đỏ búa liềm và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại giơ nắm tay thề cần phải trở thành nguồn động lực để mỗi người được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng phải tự soi, tự sửa hằng ngày; tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Mỗi đảng viên phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc của tổ chức Đảng, của cơ quan, đơn vị; luôn nêu gương tiên phong, mẫu mực trước công việc và cuộc sống, đặt lợi ích của tập thể, của cơ quan đơn vị và Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân... như Điều lệ Đảng đã ghi rõ.
Sâu xa hơn, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần...”. Đó cũng là điều mà mỗi đảng viên cần tâm niệm để không ngừng nỗ lực sống, làm việc vì uy tín của tổ chức Đảng cũng chính là danh dự của bản thân và gia đình.