Đang truy cập: 79
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 402,401
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,112,718
- Đang truy cập79
- Hôm nay19,435
- Tháng hiện tại402,401
- Tổng lượt truy cập10,112,718
Ngày 2/9/1969, từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc kết tinh những giá trị vô giá.
Di chúc là bản tổng kết cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và trong đó Người vạch ra những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Chuẩn bị cho chuyến đi xa vĩnh viễn của cuộc đời, ngày 10/5/1965, Bác đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu Tuyệt đối bí mật gửi lại cho mai sau.
Liền trong bốn năm 1966, 1967, 1968 và 1969, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc tài liệu Tuyệt đối bí mật, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời, qua đó, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc đã được công bố sau ngày Bác qua đời – ngày 2/9/1969.
Giờ đây, mỗi khi lật giở lại những trang bản thảo, những bút tích chỉnh sửa, bổ sung của Người trong bản Di chúc thiêng liêng, dường như chúng ta vẫn thấy Người đang cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại. Ðó là những vấn đề quan trọng, cần thiết đối với Ðảng ta, nhân dân ta, sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Đó là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách. “Mấy lời để lại” của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng… hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu.
Trong Di chúc, khát vọng và niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam được khẳng định ngay từ câu mở đầu: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.”
Khẳng định nguồn sức mạnh làm nên sức mạnh của Ðảng chính là sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, Người nhấn mạnh: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình;” đồng thời, yêu cầu “trong Ðảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.”
Theo Người, đó không chỉ là nhiệm vụ trọng yếu, là yêu cầu bức thiết của Ðảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của cách mạng, mà còn là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng,” để Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội…
Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, “là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp,” là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.” Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.”
Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng lại trở về với con người. Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Người đặc biệt quan tâm đến con người và những công việc đối với con người. Người chỉ rõ, khi đất nước đã trải qua những năm dài chiến tranh, việc hàn gắn những vết thương của thời hậu chiến là công việc rất nặng nề, phức tạp, nhưng cũng rất vẻ vang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.”
Người chỉ ra những công việc đối với con người sau chiến tranh phải bằng các chính sách kinh tế-xã hội cụ thể, thiết thực.
Người căn dặn tỉ mỉ công tác thương binh liệt sỹ, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa những người có công với cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Đối với cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong đã hy sinh một phần xương máu cho kháng chiến, Người nhắc nhở: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh.”
Đối với cha mẹ, vợ con liệt sỹ “phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.”
Đối với những nạn nhân của chế độ cũ, “phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến vấn đề “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau,” coi đó là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Người đề nghị: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”; cần chọn một số thanh niên ưu tú, những chiến sĩ trẻ tuổi đã tham gia các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong “cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong quá trình dựng nước và giữ nước cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Người yêu cầu, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, giúp đỡ phụ nữ ngày càng thêm nhiều người phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Đối với nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, đồng bào ta nhất là nông dân luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu mọi khó khăn, gian khổ. Người “đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nhiềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.”
Là người cả cuộc đời đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, nhưng trước lúc từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ viết về mình những dòng ít ỏi, giản dị nhưng đầy trách nhiệm với tương lai của dân tộc.
Người viết: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”
Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Người yêu cầu hỏa táng thi hài để “tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng.”
“Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.”
“Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão.”
Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chào thân ái đến đồng bào, đồng chí và bầu bạn quốc tế: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu nhi đồng quốc tế.”
Người nhắn nhủ đồng bào, đồng chí: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”
Di chúc là kết quả sự trăn trở, suy nghĩ của của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tương lai của dân tộc; là sự tổng kết và rút ra những luận điểm cô đọng, súc tích trong quá trình chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sự phát triển lý luận sáng tạo, là bản phác thảo cương lĩnh xây dựng đất nước, là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Di chúc thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Với nội dung cô đọng, sâu sắc, hàm chứa tinh thần nhân văn cao cả, Di chúc là văn kiện có sức lay động sâu xa trái tim của hàng triệu triệu con người, thôi thúc hành động không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với tất cả những ai đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tài sản văn hóa, tài sản tinh thần vô cùng quý giá của nhân dân Việt Nam./.
Theo TTXVN
Liên kết website
Đang truy cập: 79
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 402,401
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,112,718