Xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Thứ năm - 22/12/2022 21:37 390 0

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu; là truyền thống của dân tộc ta qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời là quy luật của mọi cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay. Tuân thủ quy luật và kế thừa bài học truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Xây dựng nền quốc phòng Việt Nam – xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Tổ quốc “từ xa, từ sớm”.

2
Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” cho các cá nhân có thành tích xuất sắc sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 toàn thắng. (Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM phát hành)
Tư tưởng Quân sự Hồ Chí Minh là một vấn đề quan trọng trong hệ thống các quan điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là hệ thống các quan điểm về chỉ đạo hoạt động quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Quân sự Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo, kế thừa truyền thống nghệ thuật quân sự của dân tộc và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật quân sự của nhân loại thông qua bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh có cội nguồn từ tư tưởng chính trị, vì mục tiêu chính trị. Điều đó được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh tiếp thu truyền thống hòa hiếu và nhân nghĩa của ông cha. Cho nên trong quan điểm về sử dụng bạo lực cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ tinh thần tự vệ dân tộc: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”; “đánh giặc phải có quân đội”[1]. Quan điểm về bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo và hòa bình, khác xa với tư tưởng hiếu chiến, tàn bạo của quân xâm lược. Người luôn nhắc nhở: Nhân dân ta buộc phải cầm súng để tự vệ, nhưng chúng ta không coi đánh tiêu diệt là con đường duy nhất để kết thúc chiến tranh, mà dùng “mưu phạt, tâm công”, coi trọng binh vận, địch vận, tranh thủ đàm phán hòa bình, đánh bại ý chí xâm lược.

Ghi nhớ công ơn của tiền nhân, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM phát hành)
Ghi nhớ công ơn của tiền nhân, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM phát hành)

Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt, từng bước chính quy hiện đại. Trong đó, Người chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị - tinh thần vì đó là nền tảng để xây dựng quân đội; quan tâm xây dựng tinh thần dân chủ, kỷ luật, đoàn kết cho bộ đội; xây dựng quân đội thực sự là quân đội của dân, do dân, vì dân.

Sức mạnh “bách chiến bách thắng” của quân đội Việt Nam có cội nguồn và được tăng lên gấp nhiều lần là từ Nhân dân: “Lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”; thế hệ này tiếp tới thế hệ khác lần lượt lên đường tòng quân. Biết bao thế hệ những người mẹ, người vợ, người chị, người em đã tiễn những người con, người chồng, người anh, em yêu quý nhất của mình cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử đã khắc sâu dấu ấn về sức mạnh vĩ đại của những người dân luôn quyết tâm cao nhất để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…

Tất cả là nhờ có tư tưởng của Người luôn soi sáng: “dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân”; “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ bộ đội”[2]. Đồng thời, sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối sáng suốt của Đảng đối với quân đội là một nhân tố quan trọng để tạo nên sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Bác nói: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.[3]

Trong xây dựng lực lượng vũ trang, “Người trước, súng sau” là quan điểm đặc biệt quan trọng của Hồ Chí Minh, cần luôn nhận thức sâu sắc và thực hiện.

Lẽ đương nhiên ai cũng biết rằng: con người và vũ khí tạo nên sức chiến đấu của lực lượng vũ trang. Nhưng với Hồ Chí Minh thì: “vũ khí là cần nhưng con người vác vũ khí, sử dụng vũ khí là quan trọng hơn”[4] - con người là nhân tố quyết định.

Lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính yếu, Người luôn nhắc cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu để có phẩm chất và năng lực toàn diện: “một quân đội văn hay, võ giỏi là một quân đội vô địch”[5]; “tư tưởng vững, chính trị vững, kỷ luật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tướng lĩnh có đủ “Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung”[7]. Bác nói: “tướng giỏi thì nước mạnh; tướng xoàng thì nước hèn”. Bác luôn xem đó là một trong các khâu then chốt của việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ đối với chiến sĩ, với nhân dân và kẻ địch.

Trí là phải có óc sáng suốt để suy xét địch cho đúng”. Trong chiến đấu, các nhà chỉ huy quân đội không chỉ đấu sức mà còn đấu trí; nếu chỉ có dũng mà không có trí thì hy sinh cũng là vô ích; người làm chỉ huy phải biết mình, biết người, biết thời, biết thế; phải biết tổ chức huấn luyện để binh sĩ có sự đúng đắn trong nhận thức và hành động; biết linh hoạt, quyền biến.

Dũng là không nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh”. Biết bình tĩnh trước hiểm nguy, dám chịu trách nhiệm trước những điều đã quyết định.

"Nhân là biết thương yêu nhân dân, thương yêu chiến sĩ, biết thắng địch bằng nhân nghĩa. Đối với địch hàng thì phải biết khoan dung”. Bác đã từng nhấn mạnh: quân đội cần có “Mãnh tướng”. “Hổ tướng”, nhưng quân đội Việt Nam cần có nhiều “Nhân tướng” vì mục tiêu của nền quốc phòng Việt Nam là vì con người, do con người nhằm bảo vệ nền hòa bình và độc lập, tự do.

Tín là phải làm cho người ta tin mình”; Tín là tự tin vào sức mình nhưng không phải là tự cao. Muốn vậy phải biết giữ uy tín, phẩm hạnh.

Liêm là giữ kỷ luật nghiêm minh, có lối sống trong sạch, giản dị, không tham của, không tham sắc, không tham danh vọng”. “Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng và với Đảng”. Người làm chỉ huy phải thực sự gương mẫu về mọi mặt. Người chỉ huy về quân sự, cũng như về chính trị phải làm kiểu mẫu; phải giữ đạo đức của quân nhân; phải hết sức gần gũi, thương yêu, chăm sóc chiến sĩ.

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần chú trọng vận dụng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, với những nội dung, gồm:

- Tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong quân đội. Đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm nền tảng để nâng cao sức mạnh toàn quân. Bác nói: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[8]. Đấu tranh kiên quyết để làm thất bại âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình, “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch.

- Phải gìn giữ phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” theo tinh thần Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương ban hành về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

- Củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; đảm bảo giữ vững mối quan hệ hai chiều để xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận Quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; luôn ghi nhớ và thực hành lời của Bác thường nhắc nhở: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Quân dân đoàn kết, là đường thành công”[9].

- Quân đội phải phối hợp với Công an chặt chẽ, nhịp nhàng trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và giữ gìn trật tự an ninh của Tổ quốc: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng”[10].

__________________

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tập 5, tr.549

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.485

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 14, tr.435

[4] Trần Thị Minh Tuyết: Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận Chính trị, H.2015, tr.143

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.470

[6] Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang, Nxb Quân đội nhân dân, H.1975, tr.59

[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 5, tr.594-595

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 7, tr.217

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 7, tr.337

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tập 9, tr.903
 

TS Bùi Thị Ngọc Trang (Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM)
Theo https://www.hcmcpv.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 51

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 50

Hôm nay: 19,435

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 401,321

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,111,638

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây