Di chúc của Bác nói gì về Đảng ta

Thứ tư - 14/08/2019 20:34 1271 0

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu vì độc lập của nước nhà, tự do và hạnh phúc cho dân tộc, điều mà Bác luôn quan tâm hơn hết là xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta là đạo đức, văn minh; đội ngũ cán bộ đảng viên đủ tài lẫn đức, thật sự là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Chính vì vậy, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã dành phần lớn để nói về Đảng ta.
bh2
Ảnh sưu tầm

Mở đầu phần nói về nội bộ Đảng, Bác viết “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Bác nhắc về tinh thần đoàn kết và nhấn mạnh cụm từ “một lòng một dạ”, tức là phải toàn tâm, toàn ý, toàn lực mà lo phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc để xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Bởi suy cho cùng, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhân dân có vai trò quyết định làm nên mọi thắng lợi. Nhân dân tin tưởng, giao phó cho Đảng lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng đó. Vì vậy, Đảng phải làm tốt nhiệm vụ của mình, phải vì hạnh phúc của nhân dân mà lo phục vụ cho nhân dân. Thực tiễn đã cho thấy, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân và thực hiện cách mạng chủ nghĩa xã hội mà qua hơn 30 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao.

Nhưng muốn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm mà Tổ quốc và nhân dân giao phó cho Đảng thì không có biện pháp nào tốt hơn là Đảng phải đoàn kết tốt. Bác viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Ngay từ đầu Bác đã rất chú trọng đến vấn đề đoàn kết. Đoàn kết tốt trong nội bộ Đảng, đoàn kết trong nhân dân và rộng hơn nữa là đoàn kết quốc tế. Đối với nhân dân, Người luôn giáo dục cán bộ, đảng viên giữ mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, gần gũi và sâu sát nhân dân “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Đối với quốc tế, Người nói: “Dù ở châu Á, châu Phi hay ở châu Mỹ Latinh, các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và nhân dân các nước chiến đấu để tự giải phóng đều chung trong một mặt trận”. Và Bác đã đúc kết thành một khẩu hiệu nổi tiếng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết tốt sẽ tạo nên một sức mạnh vô địch, vượt qua khó khăn, trở lực, là một yếu tố cốt lõi làm nên mọi thắng lợi của cách mạng.

Để thực hiện tốt đoàn kết, Bác chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là để tạo ra bầu không khí cởi mở, phát huy tính tự chủ, mạnh dạn, sáng kiến của mỗi cán bộ, đảng viên để xây dựng nội bộ Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Trong Đảng phải thực hiện thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình như “mỗi ngày phải rửa mặt”. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác đã nói rất kỹ “Mục đích phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. Thực hiện đúng mục đích và phương pháp phê bình như những lời Bác dặn, thì sẽ làm cho phần tốt ở trong mọi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng và nhân dân luôn được củng cố và phát triển.

Đến đoạn kết nói về nội bộ Đảng, Bác nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Tức Đảng ta là Đảng duy nhất đã được lịch sử chứng minh có đầy đủ bản lĩnh, uy tín trong quá trình lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi các cuộc cách mạng. Để Đảng làm tròn vai trò là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc giao phó thì Đảng phải luôn giữ vị trí cầm quyền. Khi Đảng cầm quyền, Đảng có quyền lãnh đạo cả hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng các chủ trương, đường lối, nghị quyết; bằng cách đào tạo và bố trí cán bộ cốt cán của Đảng vào các cơ quan của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để thực thi quyền lực của nhân dân một cách tốt nhất. Tuy nhiên, khi Đảng cầm quyền, Bác cũng rất lo Đảng mắc phải những chứng bệnh như: bao biện, làm thay; cán bộ, đảng viên lạm quyền, lộng quyền, quan liêu, tham nhũng, hách dịch… Bác coi “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, chúng ta phải ra sức đề phòng những căn bệnh đó, phải chữa hết những căn bệnh đó”. Để làm được điều này, Bác căn dặn “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”. Trong buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây vào năm 1947, Bác khẳng định: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân.”. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng vào tháng 10/1945, Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của nhân dân, nghĩa là gánh việc chung cho nhân dân, chứ không phải là để đè đầu dân như thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.”. Có như vậy, Đảng mới luôn được dân tin yêu, sức mạnh trong Đảng luôn được tăng cường, vững vàng trước mọi sóng gió, để đưa con thuyền cách mạng cập bến vinh quang.

Bác để lại Di chúc cách đây 50 năm (từ năm 1969), song mỗi khi đọc lại Di chúc chúng ta thấy những lời căn dặn của Bác về Đảng ta luôn mang tính thời đại và lý luận sâu sắc. Di chúc và những tác phẩm khác của Bác thật sự là cẩm nang, là hành trang vô cùng quý giá trong cuộc đời phấn đấu, rèn luyện và công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.

Năm nay, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, là dịp để các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên cùng nhau ôn lại những điều Bác dặn trong Di chúc, đánh giá về những việc chúng ta đã làm tốt và nghiêm túc kiểm điểm những việc làm chưa tốt, chưa được, từ đó suy ngẫm, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch sửa chữa những khuyết điểm và phát huy hơn nữa những ưu điểm. Có như vậy, sẽ giúp chúng ta tránh bớt những sai sót, trưởng thành hơn trong cuộc sống và công việc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân.
Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 62

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 61

Hôm nay: 18,641

Hôm qua: 18,859

Tháng hiện tại: 301,367

Tháng trước: 749,949

Tổng lượt truy cập: 9,429,712

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây