Đủ điều kiện chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B
Chủ nhật - 04/06/2023 22:232660
Chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc; tỉ lệ khỏi bệnh chiếm 92,1% (hơn 10,6 triệu ca). Số ca mắc trung bình hàng tháng trong năm 2021 là 144.000 ca, trong năm 2022 là 816.000 ca; tỉ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.
Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5, cả nước ghi nhận 85.493 ca COVID-19, trung bình mỗi tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với năm 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong, tỉ lệ tử vong giảm còn 0,02%. Các ca tử vong đều có bệnh nền nặng, đã điều trị từ trước, phần lớn chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19.
Hiện nay, tỉ lệ người mắc COVID-19 nhập viện thấp hơn bệnh nhân mắc một số bệnh truyền nhiễm nhóm B; tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Cả nước đã tiêm hơn 266 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt khoảng 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%; tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,3%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,6%.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế và ý kiến của các đại biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá COVID-19 đã đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; thẩm quyền quyết định chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm được phân loại thành 3 nhóm. Nhóm A gồmcác bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểmcó khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt, bệnh cúm A-H5N1, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg, bệnh sốt Tây sông Nile, bệnh sốt vàng, bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh bạch hầu, bệnh cúm, bệnh dại, bệnh ho gà, bệnh lao phổi, bệnh do liên cầu lợn ở người, bệnh lỵ Amibe, bệnh lỵ trực trùng, bệnh quai bị, bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, bệnh sốt rét, bệnh sốt phát ban, bệnh sởi, bệnh tay - chân - miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, bệnh thương hàn, bệnh uốn ván, bệnh Rubeon, bệnh viêm gan virus, bệnh viêm màng não do não mô cầu, bệnh viêm não virus, bệnh xoắn khuẩn vàng da và bệnh tiêu chảy do virus Rota.
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.