Tỉnh Phú Yên đã gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa nội dung, tiêu chí XDNTM vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép nhiều chương trình liên quan đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Sau 10 năm thực hiện, chương trình XDNTM đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn của tỉnh.
Đột phá trong phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn
Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua 10 năm tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp làm thay đổi cơ bản cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tiêu chí xây dựng NTM từ đạt thấp sau đó nâng lên rồi hoàn thiện. Theo đó, đối với tiêu chí giao thông (số 2), giai đoạn 2010-2012, khi chưa triển khai đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, khối lượng đường nông thôn đã được xây dựng mới và nâng cấp chỉ được 180km.
Thế nhưng, từ khi triển khai đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2013-2015 và bê tông hóa giao thông nông thôn miền núi trong XDNTM giai đoạn 2016-2020 đã tăng thêm 1.912km đường so với giai đoạn trước đây, nâng tổng khối lượng đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 2.464,9/2.675km đường (đạt 92,1%).
“Phú Yên gắn Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, công tác tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Phú Yên chung sức, chung lòng XDNTM” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua này. Qua 10 năm XDNTM, đến nay diện mạo nông thôn mới ở Phú Yên cơ bản được hình thành rõ nét, cơ sở hạ tầng, nhà cửa vùng nông thôn trở nên khang trang, xanh, sạch, đẹp... Chất lượng xã về đích những năm gần đây toàn diện, đồng đều hơn.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh”
Theo Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, tổng nguồn lực thực hiện đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và miền núi là 1.373,3 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 690,4 tỉ đồng; ngân sách huyện là 198,3 tỉ đồng; ngân sách xã là 29,5 tỉ đồng và nhân dân đóng góp 454,8 tỉ đồng.
Đối với tiêu chí thủy lợi (số 3), toàn tỉnh hiện có 304 công trình, trong đó 43 công trình hồ chứa thủy lợi, 115 công trình đập dâng, 146 trạm bơm tưới. Thời gian qua, hệ thống thủy lợi, đê kè được đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu. Theo đó, kênh mương nội đồng được kiên cố từ 773km (năm 2015) thì nay tăng lên 2.123,6/2.167km, đạt 98%, kiên cố hóa kênh mương tăng thêm 1.350,6km so với giai đoạn 2011-2015. Đến nay, có 86/88 xã đạt tiêu chí thủy lợi, chiếm 98% tổng số xã toàn tỉnh, tăng thêm 80 xã so với năm 2011, tăng 27 xã so với năm 2015.
Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (số 6), hiện nay đã có 427/478 thôn, buôn có nhà văn hóa, tăng thêm 298 nhà văn hóa thôn, buôn so với năm 2010; năm 2010 có 18 nhà văn hóa xã thì nay tăng lên 72/88 xã có nhà văn hóa; có 70/88 xã đạt tiêu chí số 6, tăng 69 xã so với năm 2011. Còn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (số 7), trong 10 năm qua, thông qua các nguồn vốn lồng ghép từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, các địa phương đã tiến hành cải tạo, nâng cấp 83 chợ nông thôn với số vốn 96 tỉ đồng. Đến nay có 81/88 xã đạt tiêu chí số 7, tăng 68 xã so với năm 2011.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, qua tổng hợp từ các địa phương, nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư đóng góp vào lĩnh vực thủy lợi 17,3 tỉ đồng, cơ sở vật chất văn hóa 12 tỉ đồng, trường học 13,5 tỉ đồng, nhà ở dân cư 257,7 tỉ đồng và các nội dung khác 502,2 tỉ đồng… Hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển đưa đời sống nhân dân nâng cao, theo kết quả điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 36 triệu đồng/người, tăng 3,2 lần so với năm 2011 và tăng 1,5 lần so với năm 2015. Dự tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 39 triệu đồng/người/năm.
Lan tỏa phong trào XDNTM
Hiện phong trào thi đua XDNTM được các cấp, các ngành, người dân từ đồng bằng đến miền núi hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức bật lớn cho địa phương đẩy nhanh tiến độ xã hoàn thành NTM và nâng cao chất lượng tiêu chí giai đoạn tiếp theo.
Tây Hòa là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Đạt được thành công đó, thời gian qua, huyện Tây Hòa huy động cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, nhân dân các xã tự nguyện trồng hoa trên các tuyến đường nông thôn, tạo thành phong trào rộng khắp. Phát động phong trào thi đua: “Đường tranh”, tổ chức cuộc thi vẽ tranh trên tường rào trường học, huy động giáo viên mỹ thuật và học sinh các trường cùng tham gia cuộc thi. Từ đó đã vẽ 49 bức tranh trên tường với chiều dài trên 150m, đồng thời chọn 7 giáo viên đạt giải cao vẽ tranh tuyên truyền cổ động về NTM.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa, cho biết: Tây Hòa đưa tiêu chí XDNTM vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đã lồng ghép nhiều chương trình liên quan đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tây Hòa còn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tiêu chí, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân và các nguồn lực xã hội hóa lắp bóng đèn, xây dựng khuôn viên, tiểu cảnh. Các hộ dân đã tích cực cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh nơi công cộng, qua đó tạo sự thông thoáng, sạch đẹp cho các tuyến đường.
Phong trào xây dựng NTM lan tỏa sâu rộng từ đồng bằng đến miền núi. Năm 2019, huyện miền núi Sơn Hòa có 2 xã Sơn Định, Sơn Xuân được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn MTM (trước đó, Sơn Hòa cũng đã có hai xã là Sơn Hà, Sơn Nguyên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM). Đối với xã Sơn Định, năm 2017, đạt 13/19 tiêu chí, thời gian qua, xã phấn đấu thực hiện các tiêu chí còn lại, trong đó có tiêu chí khó đối với vùng miền núi là tiêu chí số 11 (hộ nghèo) và tiêu chí số 12 (lao động có việc làm).
Ông Nguyễn Minh Hòa, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, cho hay: Xây dựng NTM trên địa bàn xã Sơn Định được thực hiện đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Phong trào chung sức chung lòng XDNTM đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao đời sống nhân dân.
Xã An Xuân, An Thọ (huyện Tuy An) vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Trong thời gian XDNTM, đến cuối tháng 8/2019, xã An Xuân, An Thọ hoàn thành 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM. Bà Bùi Thị Hiền, nông dân ở xã An Thọ cho hay: Xã đạt chuẩn NTM, đường nông thôn từ thôn Phú Cần qua Phú Ân (xã An Thọ) được bê tông, nhân dân đi lại thuận lợi. Nông dân trong xã được hỗ trợ bò lai nuôi vỗ béo, cây giống các loại trồng vườn, trồng rừng kinh tế, tạo điều kiện cho bà con nhân dân có việc làm ổn định và thu nhập đáng kể.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đến nay, 100% đường liên xã, liên thôn tại 2 xã khu vực vùng núi An Xuân, An Thọ đã được bê tông hóa và đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. 100% hộ dân được sử dụng điện từ điện lưới quốc gia… Qua đó, 2 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019.