Phú Yên thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Phú Yên đến năm 2030”

Thứ ba - 16/03/2021 03:37 423 0

Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động tỉnh Phú Yên với thị trường lao động các tỉnh, thành phố trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Phú Yên đến năm 2030”.

3
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, phấn đấu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030.

Phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 40% và đến năm 2030 dưới 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm.

Phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.

Đồng thời, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 21,6% vào năm 2025 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra) và đạt 31,5% năm 2030, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,3% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm khoảng 10% lực lượng lao động vào năm 2030.

Đối với đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, cụ thể: Năm 2025 có 80% và năm 2030 có trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp; Năm 2025 có 40% và năm 2030 có 45% lao động được hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm; Đến năm 2025, sử dụng các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của tỉnh về lao động.

Từ năm 2026, đưa cơ sở dữ liệu của tỉnh về lao động vào quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các tỉnh, thành phố khác. Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt tại một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam vào năm 2030.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình. Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội theo Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; phối hợp với các ngành liên quan, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm dịch vụ việc làm Phú Yên sử dụng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm, thu nhập và dự báo thông tin thị trường lao động, kết nối cung- cầu lao động; tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp.

Bên cạnh đó, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, chủ động phối hợp, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mới cho người lao động; hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề và tổ chức đánh giá kỹ năng của người lao động phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương. Bố trí ngân sách, nhân lực phù hợp để thực hiện hiệu quả Chương trình.

UBND tỉnh cũng đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành, đơn vị liên quan để phát triển các dịch vụ thiết yếu cho người lao động, đặc biệt người lao động làm trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuyên truyền, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp, tham gia với người sử dụng lao động, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng thương lượng, đối thoại cho cán bộ công đoàn cơ sở góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh,  Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động và thị trường lao động đến các thành viên của tổ chức. Theo dõi, quản lý và hỗ trợ kịp thời thành viên của tổ chức khi tham gia thị trường lao động, tham gia đào tạo và nâng cao trình độ, tay nghề…

Vĩnh Ái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 71

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 384,068

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,094,385

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây