Ý thức người dân - Yếu tố quyết định chiến thắng đại dịch Covid-19

Thứ tư - 14/07/2021 22:42 4242 0
Căn bệnh nguy hiểm của thế kỷ - đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp cả địa cầu và hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, lây lan nhanh và rộng ở nước ta, trong khi nguồn vắc xin khan hiếm và chưa có thuốc đặc trị, đặt ra những thách thức mới, vô cùng khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình như vậy, để chiến thắng đại dịch, bên cạnh những nỗ lực triển khai các biện pháp, phương án phòng, chống dịch của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đòi hỏi cần phải có sự hợp tác, đồng lòng, chung sức của người dân mới hy vọng chiến thắng được đại dịch. Trong đó, ý thức người dân có tính quyết định để chiến thắng đại dịch Covid-19. Ý thức người dân trong phòng chống đại dịch Covid-19 được thể hiện qua các phương diện sau:
1
Ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp, quy định phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng

Đây là điều đầu tiên người dân cần phải thực hiện nghiêm. Vì các biện pháp, quy định của các cơ quan chức năng, Nhà nước đề ra đều dựa trên cơ sở khoa học chuyên ngành và thực tiễn tình hình, điều kiện của từng quốc gia, địa phương. Trong điều kiện nguồn lực đất nước và năng lực y tế hạn chế, trong thời gian qua, Việt Nam triển khai các biện pháp như khoanh vùng cách ly rộng để kiểm soát, khống chế dịch; khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) đã phát huy hiệu quả tích cực, đạt được những thành công bước đầu, được thế giới đánh giá cao.

Trong đợt bùng phát dịch lần này (lần 4), tất nhiên sức khỏe và tính mạng người dân vẫn được đặt lên hàng đầu, nhưng yếu tố phát triển kinh tế - xã hội cũng rất cần được chú trọng, nên chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ đã có sự điều chỉnh, đó là: Khoanh vùng cách ly hẹp, 5K + vắc xin. Đây được coi là chủ trương, biện pháp đúng đắn và phù hợp với tình hình, điều kiện hiện tại của đất nước, nhưng vì sao không đạt được kết quả như những lần trước?

Ở đây có nhiều nguyên nhân, trong đó ý thức của người dân là nguyên nhân quyết định cho sự thành công hay thất bại của chủ trương này. Bên cạnh phần lớn người dân có ý thức chấp hành tốt, thì vẫn còn có một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch. Qua thực tế chúng ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều hành động của người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định, khuyến cáo của Nhà nước như: Trốn khỏi khu cách ly, không chịu đi cách ly, khai báo y tế thiếu trung thực, chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đeo nửa vời, chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách, tụ tập đông người... Những hành động này càng gây thêm nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta.

Ý thức trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt cho phù hợp với tình hình dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm, chưa biết lúc nào kết thúc, ai cũng có thể mắc. Nếu mắc phải thì hậu quả không lường trước được, có khi phải mất cả tính mạng. Vì vậy, mọi người hãy tự bảo vệ mình, bằng cách thay đổi cách sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày để thích ứng với tình hình dịch bệnh như: Ra đường hoặc tiếp xúc với người lạ, nơi đông người luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn; hạn chế hoặc bỏ hẳn tình trạng tụm 5, tụm 7 tán chuyện, giao lưu, ăn nhậu; khi cầm, nắm, tiếp xúc với vật dụng có khả năng truyền bệnh cần phải vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn; ở nhà cần giữ gìn, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ; đi đâu phải ghi lại lịch trình; khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, đau mỏi cơ thể... cần đến bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế khám chứ không tự tiện ra tiệm thuốc tây mua thuốc tự uống như trước đây; đặc biệt tự thay đổi cách sống, cách làm việc, học tập sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh mà vẫn mang lại hiệu quả cao...

Nâng cao ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng

Trong tình hình dịch bệnh, không chỉ biết lo cho bản thân mình mà cần phải có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ý thức cộng đồng là không vì lợi ích của bản thân mà đẩy khó khăn, nguy hiểm cho người khác, xã hội hoặc Nhà nước. Ý thức cộng đồng là cùng chung tay, đồng hành với Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch như chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, cùng giám sát, hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các trường hợp không tuân thủ công tác phòng, chống dịch; chung tay đóng góp quỹ phòng chống Covid, quỹ vắc xin phòng Covid theo khả năng... Ý thức cộng đồng còn thể hiện ở tình yêu thương, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ những trường hợp yếu thế, thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh...

Bác Hồ kính yêu đã từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Câu nói này càng ý nghĩa sâu sắc trong lúc này, trong cuộc chiến này. Mọi người dân cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng lòng, hợp sức thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Hồng Thái
 Từ khóa: Covid-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 113

Hôm nay: 18,209

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 398,139

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,108,456

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây