Chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955- 27/2/2020): Cả nước cùng chung tay chống dịch Covid-19

Thứ hai - 24/02/2020 19:47 276 0
Ngày 27-2 hàng năm là ngày kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trong những ngày tháng này, cả nước thường diễn ra nhiều hoạt động để tôn vinh và tri ân tới đội ngũ ngành Y đã hết lòng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, ngày 27-2 năm nay lại rất đặc biệt. Trong những  ngày tháng này, thay vì những hoạt động kỷ niệm lớn, đội ngũ ngành Y lại phải căng mình để chống lại dịch Covid-19.
4
Chiều ngày 27/1, chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "chống dịch như chống giặc". Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả Hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Đây là một dịch bệnh mới, trên thế giới vẫn chưa có thuốc chữa. Hiện tại, dịch bệnh đã lan rộng khắp thế giới, hiện diện tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 80 ngàn người nhiễm và hàng ngàn người tử vong. Con số này còn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Việt Nam, số ca nhiễm tính đến ngày 19/2/2020 là 16 người, nghi nhiễm là 34 người và hơn 1 ngàn rưỡi người buộc phải cách ly theo dõi. Rõ ràng, đây là trách nhiệm vô cùng nặng nề đối với ngành Y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành Y không đơn độc. Phát huy tinh thần đoàn kết, cả nước đã cùng chung tay để chiến thắng đại dịch. Trên tinh thần "chống dịch như chống giặc” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.

Cơ quan đi đầu là Bộ Y tế. Từ những ngày đầu tiên xác nhận thông tin về trường hợp mắc chứng viêm phổi cấp do chủng mới coronavirus gây ra tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc,  Bộ Y tế đã kích hoạt hệ thống giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm; chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu, đường bộ, đường thủy, sân bay quốc tế giám sát chặt các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch, quản lý các trường hợp bệnh, phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế,...

Thời điểm bùng phát dịch nCov là thời điểm hết sức nhạy cảm, bởi đây là thời điểm cận Tết nguyên đán, lượng người đi lại trong nước và quốc tế rất lớn. Nước ta lại có đường biên giới dài, giáp ranh với Trung Quốc nên công tác phòng chống dịch không thể lơ là. Quả thực, ngay ngày 14-1-2020, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa. Hai trường hợp này đã lập tức được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Các mẫu bệnh phẩm đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế đã khởi động các cơ sở y tế phòng, chống dịch tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến Trung ương; bệnh viện thuộc ngành Công an, Quân đội; bệnh viện dã chiến của quân đội để chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có yêu cầu, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khử trùng, tẩy độc tại các cửa khẩu (đường hàng không, đường bộ, đường thủy).

Công tác thông tin và tuyên truyền được Bộ Y tế đặc biệt chú ý. Thông tin về tình hình dịch được cập nhật hàng giờ, hàng ngày, công khai, minh bạch, quyết không giấu dịch. Công tác khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng liên tục được đưa ra, xuất hiện dày đặc trên báo đài, tạp chí, phương tiện truyền thông để người dân chủ động phòng chống dịch. Ước tính trong những ngày qua, mỗi ngày có tới hàng triệu tin nhắn đã được gửi, có cả những tin nhắn hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, có cả những tin nhắn cổ vũ, động viên cán bộ y tế và nhân dân. Tin nhắn được soạn bằng cả nội dung có dấu và không dấu để phù hợp với cả điện thoại thông minh hay điện thoại cơ bản. Slogan nổi bật trong những ngày qua, nhận được hàng trăm triệu lượt view và chia sẻ đó là "Việt Nam quyết thắng đại dịch".

Tại các bệnh viện tuyến đầu, nơi điều trị các bệnh nhân bị nhiễm virut mới, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế đã quên mình chăm sóc bệnh nhân, làm việc không có ngày nghỉ. Áp lực còn tăng hơn khi các bệnh viện phải theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục người đi từ vùng dịch nước ngoài về. Những bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang chuyên dụng in hằn trên khuôn mặt, song không ai nề hà, chấp nhận cả sự nguy hiểm đến tính mạng và cả sự kỳ thị của một số người xung quanh. Đối với đội ngũ nghiên cứu, đó là cuộc chạy đua với thời gian để tìm hiểu đặc tính của chủng viruts mới. Thật tự hào, ngày 7-2 Việt Nam là một trong 4 nước đầu tiên đã phân lập thành công mẫu virut covid-19 trong phòng thì nghiệm, tạo tiền đề để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tiến tới sản xuất vắc-xin ngừa bệnh.

4

Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy làm công tác chuẩn bị trước khi bước vào phòng cách ly đặc biệt

Phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới gây ra.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nCoV, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tua, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam. Những khách Trung Quốc hiện đang ở Việt Nam được quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe. Các lễ hội lớn chưa tổ chức được chỉ đạo ngừng tổ chức. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao được khuyến cáo hủy hoặc lùi lịch trình để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm chéo.

Bộ Công an đã phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu. Bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành Y tế. Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng. Trong thời gian qua, đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận về dịch bệnh Corona, trong đó có cả những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, đảm bảo công tác trấn an dư luận.

Bộ Quốc phòng trong thời gian qua đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành Y tế. Đã chỉ đạo sát sao việc cấm người qua lại tại các đường mòn, lối mở với Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ khách qua lại tại các cửa khẩu khác. Các bệnh viện dã chiến đều tích cực chuẩn bị, sẵn sàng cho những trường hợp xấu nhất.

Thời gian qua, để đón đồng bào từ vùng dịch về, nhiều đơn vị quân đội đã thực hiện rút vào rừng, hoặc bố trí lại nơi ăn chốn ở của đơn vị để nhường lại doanh trại đón đồng bào. Sáng ngày 19/2, tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương các đơn vị quân đội tích cực phát huy trách nhiệm, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây được coi như cuộc diễn tập trên phạm vi toàn quốc để tổ chức phòng, chống dịch bệnh nói chung và ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trong tương lai.

5

Công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc được cách ly tại doanh trại quân đội ở Lạng Sơn

Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện nghiêm túc và chủ động công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành Y tế phòng, chống dịch hiệu quả.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay trong những ngày đầu dịch chưa bùng phát, Bộ đã kịp thời thông tin tới các học sinh, sinh viên đang du học ở nước ngoài để chủ động không đến các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc và tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Đã phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống dịch tới học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Khi dịch lan rộng và có biểu hiện phức tạp, Bộ đã chỉ đạo cho các địa phương nghiên cứu cho học sinh, sinh viên nghỉ học, chủ động điều chỉnh lại chương trình giáo dục đào tạo của năm để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm ở học sinh, sinh viên. Trong những ngày học sinh, sinh viên được nghỉ, các thầy, cô giáo vẫn tích cực đến lớp, chủ động tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trường lớp. Nhiều trường đại học, trường dạy nghề, các thầy cô giáo bằng chính tài năng và sức lực của mình đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất nhiều dung dịch nước sát khuẩn, khẩu trang y tế để phân phát miễn phí cho giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn.

6

Giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) vệ sinh lớp học

Đúng là trong lúc khó khăn lại càng thấy được nhiều hình ảnh ấm áp

Đó là khi những ngày đầu khẩu trang được khuyến cáo sử dụng để phòng bệnh trở nên khan hiếm, trong lúc không ít nhà thuốc, cửa hàng nâng giá, thì nhiều cá nhân, tổ chức đã phát miễn phí cho người dân. Cảm động hơn, trong số đó có cả những em nhỏ dành số tiền mừng tuổi ít ỏi để góp vào chung sức cùng cộng đồng. Có doanh nghiệp sẵn sàng nhập nguyên liệu, gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp miễn phí. Người dân ở nhiều địa phương còn tích cực tham gia hiến máu nhân đạo để dự phòng nếu dịch lan rộng, ra quân dọn dẹp vệ sinh phòng dịch; nhiều tổ chức và cá nhân phát khẩu trang và dung dịch sát khuẩn miễn phí, hỗ trợ nông dân giải cứu hàng hóa, nông sản không xuất khẩu được do dịch bệnh…

Hình ảnh "chuyến bay HVN68" ngày 10-2 thực sự đã khiến lòng người phải lay động. Giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, công dân nhiều quốc gia phản đối chính phủ đưa kiều bào về nước, thì tại Việt Nam, được sự chỉ đạo của Chính phủ, 15 thành viên phi hành đoàn của hãng VNA được lựa chọn từ gần 100 người tình nguyện đã lên đường làm nhiệm vụ. Hướng đi của họ là tâm dịch Vũ Hán. Nhiệm vụ của họ là chở hàng hỗ trợ, trang thiết bị y tế trị giá 500.000 USD của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc và mục tiêu cao nhất đó là đón đồng bào về nước. Sau một chuyến hành trình dài đầy nguy hiểm, 30 công dân Việt Nam từ tỉnh Hồ Bắc- Trung Quốc đã được trở về nước an toàn. Đó chính là chuyến bay của tình người, tình đoàn kết dân tộc. Đó không phải là chuyến bay giải cứu đồng bào đầu tiên và chắc chắn sẽ không phải là chuyến bay giải cứu cuối cùng bởi nó đã trở thành truyền thống của cả một dân tộc. Và truyền thống ấy khi đã được nhân lên bởi một chế độ xã hội ưu việt thì chắc chắn sẽ "không có ai bị bỏ lại phía sau".

Tình cảm và sự gắn kết cộng đồng càng rõ hơn khi những ngày gần đây, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thành “trọng điểm” về dịch bệnh do Covid-19. Cùng với các biện pháp phòng ngừa, cách ly, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều những hình ảnh thể hiện sự chia sẻ, động viên người dân Sơn Lôi vững vàng vượt qua khó khăn. Người dân Sơn Lôi đang được cả nước hướng tới bằng cả sự chăm lo vật chất lẫn tinh thần.

7

Hội LHPN Việt Nam tiếp nhận hàng ủng hộ của các đơn vị để chuyển đến vùng tâm dịch Sơn Lôi

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đại đa số người dân đã nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh; đến nay công tác ứng phó với Covid-19 ở nước ta vẫn trong vòng kiểm soát. Tính tới hết ngày, 20/2/2020, Việt Nam đã có 16/16 trường hợp được chữa trị thành công bệnh nhân dương tính với virut corona. Tổ chức y tế thế giới giành nhiều lời khen ngợi Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bài học về đoàn kết, thống nhất trong chủ trương và hành động luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Ngành Y tế đã có thêm trợ lực và thực sự không đơn độc trong cuộc chiến chống giặc “Covid-19”.

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, với những chiến công bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng ta lại nhớ tới những lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”(1). “Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(2). Mỗi người dân Việt Nam càng tự hào về một lãnh tụ thiên tài đã hết lòng vì nước vì dân, tự hào về một dân tộc có truyền thống đoàn kết luôn chung tay góp sức để vượt qua khó khăn hoạn nạn. Đó chính là động lực để chúng ta vươn tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai./.

(TG)

___________________________

(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011 t. 9, tr.518, 343.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 7,177

Hôm qua: 8,702

Tháng hiện tại: 125,185

Tháng trước: 214,418

Tổng lượt truy cập: 6,174,954

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây