Phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ ba - 25/02/2020 19:42 979 0

Dưới góc độ thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, Hồ Chí Minh đã phân tích, luận giải khá đầy đủ về suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó là trong mỗi con người xuất hiện và tồn tại các mặt đối lập - mặt tích cực và mặt tiêu cực. Trong những điều kiện nhất định mặt tiêu cực phát triển và chiếm ưu thế và trở nên thắng thế so với mặt tích cực. Quá trình đấu tranh giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực diễn ra từ từ, chậm chạp bên trong mỗi con người qua những giai đoạn từ thấp đến cao, từ tư tưởng đến hành động. Quá trình đó cũng giống như quá trình xuất hiện của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

3

1. Quan niệm Hồ Chí Minh về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (TDB, TCH) chỉ thực sự xuất hiện gần đây sau chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống các nước XHCN và các nước có khuynh hướng tiến bộ không theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Lần đầu tiên được Đảng ta khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI đó là: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”(1). Đại hội lần thứ XII tiếp tục chỉ rõ hơn nguyên nhân và đối tượng chịu ảnh hưởng của TDB, TCH, đó là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”(2). Tuy nhiên, TDB, TCH đã được Hồ Chí Minh đề phòng ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhưng dưới hình thức thể hiện là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Với cách nhìn biện chứng duy vật, trên bình diện của sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, Hồ Chí Minh đã phân tích, luận giải khá đầy đủ về suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Theo Hồ Chí Minh, sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là một hiện tượng trong đời sống xã hội, nó xảy ra trong mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên, khi trong họ còn tồn tại những mầm mống làm nảy sinh những mặt tiêu cực, mà mặt tiêu cực dần dần lấn át, chiếm ưu thế so với mặt tích cực; khi mặt tiêu cực chiến thắng thì người cán bộ, đảng viên bước vào giai đoạn suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Đối với cán bộ, đảng viên, mặt tích cực là lý tưởng, là các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống XHCN, là các giá trị tốt đẹp về phẩm chất, nhân cách của người cán bộ cách mạng hay nói cách khác đây chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ. Mặt tiêu cực là tư tưởng, lối sống và văn hóa phong kiến, tiểu tư sản và tư sản, những phản giá trị về đạo đức, lối sống trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Khi có sự tác động bởi những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi thì những mặt tiêu cực phát triển lấn át những mặt tích cực.

Theo Hồ Chí Minh, chúng ta xây dựng CNXH từ trong lòng của xã hội cũ nên chưa “gột sạch” hết những dấu vết của xã hội đó để lại. Dấu vết chủ yếu và trực tiếp nhất chính là chủ nghĩa cá nhân: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen... Vết tích xấu xa và chủ yếu nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”(3). Ngay từ đầu chủ nghĩa cá nhân đã là kẻ địch hung ác của CNXH. Vì khi gặp những điều kiện thuận lợi cả về khách quan lẫn chủ quan thì nó “ngóc đầu dậy” sinh sôi, nảy nở và phát triển thành các mặt tiêu cực, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân... Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy”(4).

Điều kiện khách quan và chủ quan là do công tác xây dựng đảng chưa hiệu quả, chưa tạo được cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, nên chưa tạo ra môi trường chính trị thuần khiết và cơ chế hoạt động chặt chẽ. Do đó, để cho những người thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu “cúc cung tận tụy”, thiếu trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với nhân dân... nắm giữ các vị trí lãnh đạo của chính quyền; để cho những người cơ hội, thực dụng có điều kiện để xa hoa, lãng phí, đục khoét tài sản công, biến tài sản công thành tài sản tư, lợi dụng chức quyền để tham ô, hủ hóa. Khi đã có chính quyền trong tay, tức là khi đã có quyền lực, quyền lợi, tuy còn hạn chế, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bắt đầu có những biểu hiện lợi dụng chức quyền để tư lợi từ việc nhỏ đến việc lớn cho cá nhân mình và cho gia đình mình. Chính vì vậy, từ những ngày đầu khi vừa giành được độc lập, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cần đề phòng cán bộ “hủ hóa”, “lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”(5). Sau đó, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 lỗi lầm chính của cán bộ là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những biểu hiện xa lạ của một số cán bộ có chức, trong khi nước nhà còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đó là: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu? ”(6).

Như vậy, quá trình phát triển của chủ nghĩa cá nhân làm cho đạo đức cách mạng của người cán bộ bị lấn át, đảng viên bị phai mờ. Đây cũng chính là quá trình xuất hiện các dấu hiệu suy thoái - là căn nguyên của các biểu hiện TDB và TCH bên trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó các dấu hiệu của TCH là sự nối tiếp của quá trình TDB, nhưng ở cấp độ cao hơn. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra quá trình chủ nghĩa cá nhân phát triển và “đẻ ra” những mặt tiêu cực dẫn tới xuất hiện các biểu hiện sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa... tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành... tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền... mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng của nhân dân”(7).

Chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân đẻ ra các mặt tiêu cực; là nguồn gốc sâu xa của sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đấu tranh phòng, chống những sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, theo Hồ Chí Minh chính là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Phải tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa cá nhân mới hết nguy cơ bị suy thoái. Vì theo Người: “Nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(8). Cho nên, “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(9). Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vô cùng khó khăn và phức tạp. Vì: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, mà xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”(10). Nên cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đồng nghĩa với đấu tranh chống sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên phải triệt để, đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng cũng lâu dài phức tạp. Trong cuộc đấu tranh đó đòi hỏi phải bảo vệ lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, không phủ nhận vai trò của cá nhân trong lao động sáng tạo, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải chống lại cái lỗi thời, lạc hậu của chủ nghĩa cá nhân gây hại cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là nhằm kết hợp hài hoà giữa lợi ích chính đáng của cá nhân với lợi ích của tập thể; chăm lo đến lợi ích của cá nhân, chú trọng xây dựng tính tập thể, tính cộng đồng; tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát triển đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm cho họ được thụ hưởng kết quả của công cuộc đổi mới.

Trong mỗi con người đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vì vậy, phương châm đấu tranh chống sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên của Hồ Chí Minh là: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(11). Theo đó, để sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên không xảy ra, phải khống chế sự phát triển của mặt tiêu cực, phải làm cho mặt tích cực chiếm ưu thế. Phải làm cho mặt tích cực tăng dần lên, nhiều lên về số lượng và chất lượng và mặt tiêu cực mất dần đi; phải làm cho những mặt tích cực có đủ thế, lực và sức mạnh để có thể thắng lợi trong cuộc đấu tranh với mặt tiêu cực; phải tạo ra chất kháng thể bên trong mỗi con người để có thể tự ngăn chặn sự phát triển của các mặt tiêu cực... Tức là, phải nâng cao đạo đức cách mạng, vì đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(12). Người có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước; khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, mới “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; có đạo đức cách mạnh thì họ sẽ lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Như vậy, phải “nâng cao đạo đức cách mạng” mới có thể “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên xảy ra không phải chỉ do nguyên nhân chủ quan từ phía mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn do công tác quản lý, giáo dục đảng viên của các tổ chức đảng chưa hiệu quả kịp thời và có chất lượng. Nên phòng, chống các sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên theo Hồ Chí Minh: không những đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân mà “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”(13). Mục đích là tạo ra môi trường chính trị thuần khiết, tạo địa bàn và điều kiện thuận lợi, từ đó tạo ra thế và lực có lợi, bảo đảm cho sự thắng lợi của mặt tích cực trong cuộc đấu tranh với mặt tiêu cực bên trong mỗi con người, mỗi tập thể. Vì vậy, trước hết là xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Thực hiện phương châm “chống và xây”, “xây và chống”, “nói đi đôi với làm”. Trong công tác xây dựng Đảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản về tổ chức và sinh hoạt Đảng. Thực hiện dân chủ rộng rãi đi đôi với coi trọng kỷ cương, kỷ luật, đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bản vị, “địa phương chủ nghĩa” trong công tác cán bộ.

Song song với đó, phải tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Nhưng vấn đề cốt lõi nhất là giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, theo Người phải: “giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(14). Có như thế mới tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng khác. Nhờ có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng sẽ nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên trước sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài và bên trong. Trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi nguy cơ xuất hiện sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Ngoài ra, theo Hồ Chí Minh, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình cũng là cách để đấu tranh chống sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là cách tạo ra cơ chế bảo đảm cho sự thắng lợi của mặt tích cực với mặt tiêu cực. Người cho rằng, nếu biết cách tự phê bình và phê bình sẽ làm cho những khuyết điểm “lòi ra” và mất dần đi, người cán bộ đảng viên sẽ tẩy sạch khuyết điểm cũng như “tẩy giun sán trong người”, qua đó làm cho các mặt tiêu cực mất đi và mặt tích cực nhiều lên. Theo đó, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên và có hiệu quả như “rửa mặt hàng ngày” của mỗi cán bộ, đảng viên; biết khéo léo đưa các khuyết điểm ra trước tập thể, biết khuyến khích và bảo vệ mọi người phê bình những khuyết điểm đó; khéo léo nhưng phải kiên quyết trong phê bình mới làm cho mặt tiêu cực mất dần đi và mặt tích cực tăng dần lên.

2. Giải pháp chủ yếu phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh sẽ tạo môi trường chính trị thuần khiết, để tu dưỡng rèn luyện đảng viên, chống lại các tác động tiêu cực từ bên ngoài, ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện TDB, TCH trong nội bộ đảng và trong từng cán bộ đảng viên. Theo đó, Văn kiện Đại hội XII xác định: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị”(15), tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền trong Đảng, xây dựng văn hóa lãnh đạo, cầm quyền và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng và thực hiện văn hóa tự phê bình và phê bình trong tình hình mới.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ nội bộ. Làm tốt công tác này chính là xây dựng được thể chế để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề cập việc đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, góp phần thiết thực phòng, chống những biểu hiện TDB, TCH trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, quản lý, đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ chiến lược. Vì đây là đội ngũ cán bộ đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.  Họ có vai trò quan trọng đặc biệt. Bởi lẽ, người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất trong lãnh đạo, quản lý đơn vị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho; là người chịu trách nhiệm cao nhất trước cấp trên việc lãnh đạo, quản lý, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, giáo dục và rèn luyện cán bộ, nhân viên thuộc quyền. Theo đó, cần “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(16). Đối với công tác bảo vệ nội bộ phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện cục bộ, bè phái,  “lợi ích nhóm”, xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Ba là, đổi mới công tác tư tưởng, lý luận. Công tác tư tưởng, lý luận có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch; đấu tranh vạch trần các hành vi tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên, định hướng tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Theo đó, Đảng ta xác định vai trò của công tác tư tưởng lý luận đối với việc phòng, chống TDB, TCH: “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(17).

Bốn là, đẩy mạnh việc tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Việc tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến việc ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện TDB, TCH ngay chính trong bản thân họ. Thực hiện việc tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, Đại hội XII chú trọng đến việc: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng”(18). Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Biết tự đánh giá bản thân để lựa chọn con đường, biện pháp rèn luyện phù hợp; có thái độ nghiêm khắc trong tự phê bình, lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, cấp trên, cấp dưới và đồng cấp về bản thân mình. Tích cực chủ động phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để không ngừng tự hoàn thiện bản thân... Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tổ chức các cấp cần xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên.

Năm là, quan tâm đến đời sống và lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên. Hiện nay, trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên là cán bộ, công chức nhà nước có điều kiện chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình. Do đó, đời sống được bảo đảm, quyền lợi vật chất chính đáng được bảo vệ, chính là điều kiện để mỗi người gắn bó với công việc; yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Bảo đảm thu nhập, tiền lương tương xứng với sự đóng góp, phù hợp với công sức, trí tuệ của mỗi người đã cống hiến; thực hiện “đẩy mạnh cải cách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng”(19); công bằng giữa các khu vực, nhất là khu vực hành chính sự nghiệp, với khu vực doanh nghiệp nhà nước là nguyện vọng chính đáng của đảng viên, công chức, viên chức. Bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa khu vực công và khu vực tư, thực hiện chính sách công bằng và tiến bộ đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

(LLCT)

____________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.185.

(2), (15), (16), (17), (18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.51, 199, 51, 200-201, 202, 213.

(3), (4), (8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 601-602, 602, 606, 611, 602.

(5), (6) Sđd, t.4, tr.20, 65.

(7), (11), (13), (14)  Sđd, t.15, tr.547, 672, 616, 622.

(12)  Sđd, t.14, tr.400.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 56

Hôm nay: 19,435

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 405,392

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,115,709

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây