Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của toàn dân

Chủ nhật - 29/08/2021 21:44 150 0

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn quyết liệt. Đảng, Nhà nước đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh tổng lực của toàn xã hội, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể.

2
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên mọi nỗ lực đó có thể bị cản trở, thậm chí một số thành tựu đã đạt được cũng đối diện nguy cơ "đổ xuống sông, xuống bể" nếu vẫn còn một số người chủ quan, thiếu ý thức, trách nhiệm vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, cản trở các lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ.

Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều địa phương đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề, không chỉ suy giảm, mất mát về kinh tế mà thiệt hại về con người cũng rất đáng lo ngại. Đáp ứng yêu cầu bức thiết của công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía nam đã triệt để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở mức nghiêm ngặt nhất. Các lực lượng quân đội, công an, nhân viên y tế,… tiếp tục được tăng cường vào vùng tâm dịch, hỗ trợ chính quyền, nhân dân trong giai đoạn có tính then chốt.

Tuy nhiên, nhìn từ tổng thể, phải khẳng định rằng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể,… thì sự thành bại của cuộc chiến khó khăn này còn phụ thuộc vào vai trò hết sức quan trọng của mọi người dân.

Ngay khi dịch bệnh mới bùng phát ở Việt Nam, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch, trong đó nhấn mạnh: "Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".

Thực tế cho thấy, tại thời điểm gay go nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay, tinh thần ấy cần phải được phát huy cao hơn nữa, với quyết tâm lớn hơn nữa. Bởi sự đồng lòng ủng hộ, tin tưởng và chung sức chống dịch cùng chính quyền của mỗi người dân chính là "chìa khóa để mở cánh cửa" thoát khỏi đại dịch. Vì thế, nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm cộng đồng siết chặt tinh thần đoàn kết nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở lại nhịp sống và phát triển bình thường cần được xác định là mệnh lệnh, là ý chí quyết tâm của trái tim mỗi người con nước Việt.

Đáng tiếc, trong khi phần lớn người dân có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, hợp tác với chính quyền, có rất nhiều việc làm thiết thực để tương trợ cộng đồng thì vẫn còn một số cá nhân tự cho mình "quyền đứng ngoài mọi quy định".

Đúng thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam, mặc dù Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các địa phương đã kêu gọi "ai ở đâu, ở yên đó" nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan vẫn xảy ra tình trạng một số người cố tình vi phạm, lợi dụng công việc, nhiệm vụ được giao để tìm mọi thủ đoạn qua mặt chốt kiểm dịch, đưa người trái phép từ vùng dịch về các địa phương.

Ngày 17/8, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trên địa bàn TP Đức Phổ (Quảng Ngãi) phát hiện một lái xe điều khiển ô-tô tải chở hàng thiết yếu đi từ TP Hồ Chí Minh về Đà Nẵng chở theo người từ vùng dịch. Tại Gia Lai, ngày 19/8, lực lượng chức năng phát hiện 8 xe ô-tô tải được cấp mã QR code "luồng xanh", trên xe đều chở người từ TP Hồ Chí Minh trốn khai báo về địa phương. Tại Hải Phòng cũng phát hiện trường hợp xe "luồng xanh" chở hàng thiết yếu từ TP Hồ Chí Minh ra nhưng cho người từ tâm dịch "đi nhờ".

Ở Thừa Thiên Huế, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài xế treo băng-rôn "chuyến xe 0 đồng" lên ô-tô để lợi dụng đưa người tại vùng dịch di chuyển tới các địa phương trái phép, thu lợi bất chính. Rất may các trường hợp trên đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhưng cho thấy nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất khó lường.

Nguy hiểm hơn là bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng và đề nghị ở lại nơi cư trú, một số người còn tìm mọi cách di chuyển ra khỏi vùng dịch với rất nhiều cách thức, từ đu bám tàu hàng, lẻn lên xe tải đường dài,… đến đi bộ xuyên rừng, đeo khăn tang giả gia đình có người mới mất,… bất chấp nguy cơ mình có thể đã nhiễm bệnh.

Dù nhiều người bị xử phạt nhưng tình trạng cố tình tự do di chuyển từ vùng dịch về quê vẫn tiếp diễn. Trên mạng xã hội đang phát tán hình ảnh, đối thoại của một số nhóm kín với nội dung: "Gom lại cho đông rồi mình về một lần mấy trăm người, sau đó nó sẽ cho mình thông chốt như lần 300 người vừa rồi", "Tầm 300-400 người, về ít mình không thông chốt được đâu", "Chỗ này tập trung là thông chốt, lách luật", "Càng đông, cơ hội thông chốt sẽ cao hơn"…

Cần thấy rằng việc kêu gọi nhiều người tụ tập để cùng về quê lúc này là vi phạm các quy định phòng, chống dịch của chính quyền, đồng nghĩa với việc khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Minh chứng rõ nhất cho điều này là mới đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, 4 người dân đi xe máy theo đoàn 42 người về quê gặp tai nạn tại khu vực xã Xuân Áng (Hạ Hòa - Phú Thọ), được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu thì có 3 người dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, nắm bắt được tâm lý nôn nóng của người dân muốn được về quê, một số đối tượng xấu đã lấy cớ hỗ trợ người dân nhưng thực chất là lợi dụng lôi kéo tham gia hoạt động phá hoại công tác phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Thực tế, khi virus SARS-CoV-2 có nhiều khả năng "biến hóa", nguồn vaccine còn khan hiếm, chưa có thuốc đặc trị thì sự thiếu ý thức trách nhiệm của dù chỉ một vài cá nhân cũng có thể làm cho cộng đồng phải trả giá đắt bằng sức khỏe, sinh mạng con người.

Còn gì buồn hơn hiện tượng một số người ở vùng tâm dịch được giúp đỡ bình oxy, nhưng khi khỏi bệnh thì không trả lại bình cho đơn vị cung cấp từ thiện, để có công cụ trung chuyển oxy giúp đỡ nhiều người khác đang cần. Nhẫn tâm hơn, có người còn bán bình oxy cho người bệnh để trục lợi, bất chấp lời yêu cầu của đơn vị cung cấp xin trả lại bình oxy vẫn liên tục được phát đi. Phải nói thẳng rằng hiện tượng này không chỉ liên quan ý thức cá nhân, trách nhiệm xã hội, mà cao hơn là đạo đức của con người.

Trong những ngày đại dịch căng thẳng, thay vì chung tay cùng cộng đồng qua các việc làm ý nghĩa, cùng chia sẻ khó khăn để vượt qua dịch bệnh, một số đối tượng còn có những việc làm vi phạm pháp luật, bất lương như: chống đối người thi hành công vụ, hung hãn lao xe vào chốt trực, gây thương vong; tổ chức tiêm vaccine cho người không đúng đối tượng để thu tiền bỏ túi; làm giả giấy tờ đi đường, làm giả giấy xét nghiệm Covid-19, làm giả thuốc chống Covid-19 trong nhà vệ sinh; hướng dẫn nhau các chiêu trò để qua mặt lực lượng chức năng; đưa tin giả trên mạng xã hội để câu view; phát ngôn gây hoang mang dư luận, chia rẽ để gây mất đoàn kết trong cộng đồng…

Bằng các hành động, việc làm như vậy, nhiều người đã cho thấy ý thức trách nhiệm kém cỏi, sự sa sút về đạo đức của bản thân gây ảnh hưởng đến sự an toàn của xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước. Chưa kể, với ý thức và trách nhiệm thấp kém đó, một số người đã bị các thế lực thù địch, thiếu thiện chí lợi dụng, kích động đứng ra xuyên tạc, phản bác công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chống người thi hành công vụ, phát ngôn bừa bãi, vô lối trên mạng xã hội... tự biến mình thành "điểm nóng" gây bất ổn tại nơi cư trú trong khi mọi người dân và chính quyền đang phải căng mình chống dịch.

Thí dụ cụ thể là ngày 23/8 vừa qua, tại Khu công nghiệp Tân Uyên (Bình Dương), lợi dụng quá trình xử lý y tế với một thai phụ, một số đối tượng quá khích đã đập phá, tấn công lực lượng chức năng, quay video xuyên tạc sự việc để kích động; và ngay lập tức, các thế lực thù địch đã chớp cơ hội để dựng chuyện, vu cáo Việt Nam mất kiểm soát trong phòng, chống dịch bệnh, vi phạm nhân quyền!

Chúng ta cần nhận thức rằng việc một số địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 hay 16+ là xuất phát từ yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống dịch. Đây không phải là "ngăn sông cấm chợ", cản trở quyền tự do của người dân, mà là biện pháp cần thiết để khống chế dịch bệnh, không cho dịch lây lan trong cộng đồng. Tụ tập đông người sẽ khiến virus lây lan nhanh hơn, rộng hơn. Nhiều ổ dịch phát hiện trong cộng đồng thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó.

Mong muốn được về quê, được tự do đi lại, trở về với cuộc sống bình thường là nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng trong tình hình dịch bệnh đang khó kiểm soát, ở thời điểm ngặt nghèo "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, mỗi người dân phải nhận thức rằng "ở đâu ở đó" là bảo vệ chính mình, bảo vệ mọi người, đồng thời giúp bóc tách các F0 và ngăn chặn, triệt tiêu sự lây lan của Covid-19.

Để chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường, chính quyền, các lực lượng chức năng cùng hàng vạn nhân viên y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên,… nơi tuyến đầu chống dịch đã chấp nhận gian khổ, hy sinh, làm việc vất vả không quản ngày đêm giúp người dân chữa bệnh, chống dịch. Đảng, Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ những người đang gặp khó khăn, lâm vào cảnh túng bấn do dịch bệnh kéo dài, bảo đảm không người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cả nước đang căng mình chống dịch, mỗi người dân cũng cần phải biết hy sinh một số lợi ích của chính mình vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Các biện pháp nghiêm ngặt và nghiêm ngặt hơn nữa trong giãn cách xã hội chính là cách thức để từng bước và nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Trong lúc này, mỗi người cần tin tưởng tuyệt đối vào các quyết sách của Đảng, Nhà nước, tự giác thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo từ Bộ Y tế. Cần thận trọng, tỉnh táo để không bị lôi kéo bởi tin giả, nghe theo các luận điệu sai trái, thù địch, kêu gọi kích động trên mạng xã hội. Cá nhân nào vi phạm cần bị xử lý nghiêm minh.

Không ai được phép chỉ vì nhu cầu ích kỷ của cá nhân mà coi thường đi sự an nguy của cộng đồng. vaccine hữu hiệu nhất hiện nay chính là "vaccine ý thức", "vaccine trách nhiệm". Chỉ khi ý thức, trách nhiệm của mỗi người được nâng cao đến mức tối đa thì "lá chắn" phòng, chống dịch bệnh mới thật sự hiệu quả. Bởi chiến thắng dịch bệnh cũng chính là chiến thắng của toàn dân.


QUỲNH VŨ/Nhân Dân
 Từ khóa: Covid-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 169

Máy chủ tìm kiếm: 2

Khách viếng thăm: 167

Hôm nay: 9,743

Hôm qua: 17,490

Tháng hiện tại: 141,301

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,851,618

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây