Phê phán các luận điệu xuyên tạc về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam

Thứ tư - 25/11/2020 19:18 215 0

Sự chống phá điên cuồng, xuyên tạc sự thật của các thế lực cơ hội, thù địch về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh ý thức hệ trong điều kiện mới nhằm phá hoại, làm mất ổn định, phát triển đất nước. Những luận điểm này tuy không có ý nghĩa gì về tri thức, lý luận, nhưng chúng ta không được coi nhẹ, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phê phán.

3
Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Giang

TỪ NHẬN DIỆN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Vấn đề đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam luôn bị các thế lực cơ hội, thù địch quan tâm, chống phá. Bởi đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển đất nước, đặc biệt là vào những thời điểm khó khăn. Mục tiêu sâu xa của chúng là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, thành quả cách mạng của đất nước, nhân dân ta dày công xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng; thông qua việc chống phá, gây mất ổn định, mất lòng tin, làm cho kinh tế không phát triển, xã hội tất yếu dẫn tới rối loạn, khủng hoảng và sụp đổ; hoặc làm cho chính trị rối loạn, đất nước không ổn định, kinh tế không phát triển, tất yếu cũng dẫn tới xoá bỏ chế độ chính trị.

Về đổi mới kinh tế, chúng tấn công thẳng vào những vấn đề mang tính ý thức hệ, như quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chúng phủ định  quy luật này, “lớn tiếng” rằng, các nước tư bản chủ nghĩa không thừa nhận quy luật này nhưng vẫn phát triển, hay quy luật này chỉ đúng thời của Mác-Lênin, khi khoa học và công nghệ chưa phát triển; ngày nay người lao động gắn bó với tư bản, có cổ phần trong các doanh nghiệp tư bản, không bị bóc lột như trước đây, được quan tâm nhiều đến lợi ích, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chỉnh, do đó không còn mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Từ đó, chúng cho rằng, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là lỗi thời.

Vấn đề sở hữu công cộng dưới hai hình thức toàn dân và tập thể vẫn là một trong những nội dung các thế lực xuyên tạc, chống phá. Lợi dụng một số yếu kém trong quản lý kinh tế ở một số nước đi lên chủ nghĩa xã hội; tình trạng tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình hình một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thất thoát tài sản, tình trạng khiếu kiện đông người vẫn diễn biến phức tạp liên quan đến đất đai; đất nơi thờ tự, đất tôn giáo, đất quốc phòng, an ninh sử dụng lãng phí, tiêu cực…, các thế lực thù địch đưa ra luận điệu rằng, còn duy trì sở hữu công cộng, nguồn lực đất nước còn lãng phí, sẽ không chống được tham nhũng, lãng phí, kinh tế tiếp tục chậm phát triển.

Về các thành phần kinh tế, chúng nhấn mạnh rằng, cho dù đến nay, chế độ cộng sản đã có những đổi mới về kinh tế, các thành phần kinh tế, nhưng không căn bản, không thực chất, do vẫn giữ kinh tế nhà nước có vị trí chủ đạo. Lập luận của chúng là các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, nhưng trên thực tế, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn bị phân biệt đối xử, không công bằng trong môi trường kinh doanh, trong tiếp cận nguồn lực. Cơ chế phân chia lợi ích chưa rõ ràng ngay trong doanh nghiệp nhà nước, trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp đối với xã hội của các thành phần kinh tế. Tuy coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất, nhưng kinh tế tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử, chưa minh bạch trong chính sách, vẫn còn tình trạng “vỗ béo để thịt”, bị sách nhiễu, kiểm tra, vòi vĩnh vô lý.

Về chính trị và đổi mới chính trị, đây là vấn đề các thế lực thù địch thường xuyên chống phá, “một mất, một còn”. Ở Việt Nam, sự chống phá của các thế lực thù địch bên trong, bên ngoài vẫn tập trung vào phê phán chế độ một đảng, coi đó là “đảng trị”, mất dân chủ, đòi phải đa nguyên, đa đảng. Hệ thống tổ chức, bộ máy cồng kềnh, chính phủ, quốc hội, các tổ chức chính trị- xã hội chỉ là hình thức, theo đuôi đảng. Đảng đứng trên luật pháp, quyền lực xã hội tập trung vào một số ít người. Rằng chỉ có tam quyền phân lập mới giám sát được quyền lực, hoạt động của Nhà nước mới hiệu quả, mới chống được tham nhũng. Nói là xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế, luật pháp không được tôn trọng, nhiều vụ việc thực hiện theo sự chỉ đạo của đảng, “ đảng cử dân bầu”, “quân xanh quân đỏ”, “án bỏ túi”, đã có sự chỉ đạo từ trước.

Cho rằng, chủ nghĩa xã hội là mất dân chủ, tình trạng khiếu kiện, điểm nóng xảy ra thường xuyên; các tôn giáo, người dân tộc bị đàn áp; các tổ chức chính trị do đảng thành lập ra, hoạt động kém hiệu quả, là “sân sau” của quan chức, không có vai trò đại diện cho quần chúng, làm cho bộ máy cồng kềnh, tốn tiền thuế của người dân. Chúng bóp méo sự thật khi cho rằng có tình trạng bưng bít thông tin tràn lan, báo chí bị kiểm duyệt, không có báo tư nhân; những người bất đồng chính kiến thì bị bắt, bị tra tấn, đánh đập; vẫn còn phân biệt đối xử theo lý lịch, miền Bắc, miền Nam, trong và ngoài nước. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đều do đảng chi phối, do vậy mất đi sự sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong quá trình phát triển đất nước cũng đặt ra nhiều vấn đề các thế lực thù địch, cơ hội chống phá. Quá trình nhận thức về sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam không phải đã có tiền lệ, nhiều vấn đề mới phải qua thực tiễn kiểm nghiệm; không ít những hạn chế, yếu kém do nhận thức và thực hiện của bộ máy hành chính trong quá trình chuyển đổi, dẫn đến sự trì trệ ở một số lĩnh vực, thiếu sáng tạo, khách quan, đôi khi có biểu hiện chính trị hoá một số vấn đề kinh tế cụ thể. Bởi vậy, các thế lực cơ hội, thù địch cho rằng, đó là sự nửa vời, đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị tương ứng, kinh tế nhiều thành phần nhưng chính trị lại độc đảng, đó là sự pha trộn giữa “nước với lửa”, chắc chắn sẽ kém hiệu quả. Rằng, phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, sử dụng các lý thuyết, trường phái kinh tế học mới tránh được sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào vận hành của nền kinh tế thị trường, tránh được sự can thiệp của chính trị vào kinh tế. Rằng, không có khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ là giống nhau, chỉ khác là cách thực hiện, vận dụng; dân chủ là phi chính trị, phi giai cấp, không đảng phái, là tự do tranh cử..

Chúng lập luận rằng, việc chấp nhận kinh tế thị trường đối với các nước đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn khiên cưỡng, nửa vời. Đã chấp nhận kinh tế thị trường, tuân thủ theo quy luật thị trường lại còn “ định hướng xã hội chủ nghĩa”, trên thực tế chưa rõ về mô hình, hoặc chỉ danh nghĩa, thực chất đã chuyển sang theo mô hình chủ nghĩa tư bản. Một số nước xã hội chủ nghĩa còn lại, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhìn chung đó là sự mâu thuẫn.

ĐẾN NHỮNG LUẬN CỨ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC

Cần phải thấy rõ rằng, sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch là cuộc đấu tranh ý thức hệ, diễn ra lâu dài, với nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc. Cho dù trong thực tiễn, chúng ta làm tốt, chúng vẫn điên cuồng chống phá và không ngừng xuyên tạc.

Biện pháp phản bác hữu hiệu nhất là nỗ lực góp phần xây dựng đất nước ổn định, kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường, vị thế quốc gia ngày càng tăng trên trường quốc tế. Nhìn lại thực tiễn lịch sử nước ta, những thành tựu đất nước đã đạt được trong những năm qua, càng khẳng định tính đúng đắn, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mô hình phát triển đất nước do Đảng, nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn.

Thứ nhất, nhìn lại 75 năm ra đời nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch, sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhưng đất nước Việt Nam thống nhất, phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong quá trình đó, xét về bản chất, phải giải quyết nhiều vấn đề to lớn, trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.

Khi thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhờ có giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, Việt Nam mới giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập trước các thế lực xâm lăng có sức mạnh hơn ta nhiều lần.

Khi đất nước đã thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước có điểm xuất phát thấp, bị tàn phá sau chiến tranh, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực chất là một cuộc cách mạng mới, sâu sắc, toàn diện trong đó có đổi mới kinh tế, đồng thời với đổi mới chính trị với bước đi, hình thức phù hợp. Những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam được thế giới ghi nhận, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”. Cho đến nay, ở Việt Nam, không có tổ chức chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thứ hai, trong việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, trên thế giới, không có quốc gia nào không bị trả giá, bị sai lầm trong quá trình phát triển.

Chủ nghĩa tư bản có lịch sử ra đời và phát triển hàng trăm năm nay, làm giàu trên máu và nước mắt của biết bao quốc gia, dân tộc, và ngay người lao động trên đất nước của họ, nhưng với hơn 200 quốc gia trên thế giới, số nước giầu có, G7, G8 mới chỉ được vài nước. Hơn nữa, ngay trong những nước đó, sự bất công, phân biệt chủng tộc, kẻ reo rắc chiến tranh, phân hoá giầu nghèo rất lớn, đã có nhiều công trình nghiên cứu, công bố quốc tế ở chính ngay các nước tư bản chủ nghĩa nói lên điều này. Bởi vậy, những hạn chế, khuyết điểm của Việt Nam trong quá trình phát triển nói chung, trong giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị nói riêng là điều có thể lý giải; những vướng mắc, sai lầm đó cũng không làm mất đi tính chính nghĩa, tính đúng đắn của sự lựa chọn mô hình phát triển, của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là xu thế phát triển của lịch sử loài người.

Thứ ba, quá trình giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam là quá trình thận trọng, chắc chắn, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lý, được tổng kết từ thực tiễn để khái quát thành lý luận, vừa tránh giáo điều cũ, đồng thời không nóng vội, chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan; nhìn thẳng vào những sai lầm, khuyết điểm, không né tránh. Điều này được thực tiễn kiểm nghiệm trong quá trình phát triển ở Việt Nam.

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm tiêu chí để xem xét; lấy mục tiêu vì lợi ích của nhân dân để điều chỉnh, giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc đặt ra trong quá trình phát triển.

Khi mắc sai lầm, trước hết xem xét từ trong nội bộ Đảng, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước để tìm biện pháp khắc phục, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa “xây và chống”, trong đó xây là cơ bản, lâu dài; chống là kiên quyết, triệt để.

Thứ tư, về phương pháp luận giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và  đổi mới chính trị, trước hết được xem xét trong tính chỉnh thể, hệ thống, đó là nền tảng tư tưởng- chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, thấy rõ đâu là những nguyên lý còn nguyên giá trị nhưng các thế lực thù địch, cơ hội vẫn chống phá; đâu là những vấn đề cần bổ sung, phát triển và vấn đề nào thực tiễn cuộc sống đã vượt qua trong lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin. Đây là điều hết sức quan trọng để đảm bảo tính khoa học, cách mạng, hơi thở cuộc sống, tiếp thu tinh hoa của nhân loại trong nền tảng tư tưởng của Đảng; nhận thức rõ hơn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giúp chúng ta không bị mất phương hướng. Bên cạnh đó, cần phân loại đâu là những vấn đề sai lầm trong tổ chức thực hiện, những sai lầm khuyết điểm mắc phải do tác động của các yếu tố từ bên ngoài.

Thứ năm, những kết quả đạt được, tuy chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, nhưng cần khẳng định, đổi mới chính trị ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trực tiếp là cơ sở để đất nước có được bước phát triển to lớn hiện nay.

Hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng rõ hơn, nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục được củng cố, bổ sung và phát triển, là cơ sở quan trọng để hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng một cách đúng đắn. Hệ thống tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện: “Tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh phù hợp hơn”(1), và “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới. Đã ban hành nhiều quy chế, quy định, quy trình công tác để thực hiện, bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị”(2); “Quốc hội có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện”(3); “ Chính phủ và các bộ tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô và năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và bước đầu đạt kết quả tích cực” (4). Những kết quả tích cực đó tạo ra nhiều thay đổi lớn trong đời sống xã hội, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, mở rộng hơn, người dân được thông tin, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị: “Quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và chính trị được phát huy tốt hơn”(5), hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách ngày càng thích ứng với thông lệ quốc tế, tính nghiêm minh trong thực hiện cao hơn. Nhờ đó, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, được thế giới ghi nhận, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ sáu, những hạn chế, yếu kém, sai lầm, khuyết điểm được Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ và tìm cách khắc phục, như Đại hội XII đề cập: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”(6).

Một số vấn đề trong đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị còn chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng, thậm chí là điểm nghẽn của sự phát triển, đó là: “Hoàn thiện thể chế kinh tế còn chậm, thiếu kiên quyết; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉ và đồng bộ, chất lượng không cao, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá”(7). Sự tác động trở lại của đổi mới chính trị đối với đổi mới kinh tế chưa tương xứng, nhiều khi còn chậm. Trong nhiều trường hợp, chủ trương, đường lối đúng nhưng vướng mắc trong tổ chức bộ máy, thể chế và tổ chức thực hiện dẫn đến hạn chế sự phát triển, như: “Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường đầu tư, kinh doanh không thật sự thông thoáng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.Giá cả một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự tuân theo nguyên tắc thị trường”(8). Một số hạn chế, vướng mắc chậm được giải quyết, thậm chí kéo dài trong một số nhiệm kỳ, làm cho vận hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong một số trường hợp thiếu thống nhất, thông suốt, như công tác xây dựng Đảng còn nhiều yếu kém chậm được khắc phục; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước; chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Từ đó, nhiều tiềm năng, thế mạnh của đất nước chưa được phát huy, lực lượng sản xuất, sức sản xuất của xã hội chưa được giải phóng đầy đủ, môi trường dân chủ, sáng tạo chưa phát huy tốt: “Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ” (9).

Từ thực tiễn thành tựu và những hạn chế trong đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị tác động đến sự phát triển của đất nước cho thấy, những kết quả đạt được trong phát triển của đất nước là cơ bản, to lớn và có ý nghĩa lịch sử, càng khẳng định con đường, mô hình phát triển và những đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị của Việt Nam là đúng hướng; những hạn chế, thiếu sót khuyết điểm không làm thay đổi bản chất, tính đúng đắn, ưu việt của chế độ chính trị, nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng./.

PGS.TS Phạm Văn Linh/TG

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

________________________________________

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, H, 2016, tr 187; 190; 172; 172; 167; 68; 98-99; 99

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr 179

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 67

Máy chủ tìm kiếm: 2

Khách viếng thăm: 65

Hôm nay: 19,435

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 402,589

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,112,906

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây