Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng
Thứ tư - 25/11/2020 19:091820
Ngày 25-11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo, để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 (15-1-2020) đến nay và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thống nhất với đánh giá của Thường trực BCĐ: Từ sau phiên họp 17 của BCĐ đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thiên tai, bão lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản; các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của BCĐ, Thường trực BCĐ, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng kế hoạch của BCĐ.
Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực, khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm 18 vụ án, bốn vụ việc.
Riêng từ sau phiên họp thứ 18 (25-7-2020) của BCĐ đến nay đã xử lý dứt điểm 12 vụ án, bốn vụ việc; kết thúc điều tra 13 vụ án/53 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm sáu vụ án/33 bị cáo; xét xử phúc thẩm bốn vụ án/sáu bị cáo.
Trong đó, đã tích cực, khẩn trương kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố năm vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý và cán bộ liên quan nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Đặc biệt, đã hoàn thành xét xử sơ thẩm bốn vụ án trọng điểm: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan dự án 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh; (4) Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng”, xảy ra tại Ngân hàng BIDV và một số công ty liên quan.
Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật tám cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý có sai phạm liên quan các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.
Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, nhất là các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng,… tập trung chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.
Thanh tra Chính phủ hoàn thành việc thanh tra, công khai kết luận thanh tra dự án Nhà máy đạm Hà Bắc; kết luận thanh tra Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, từ năm 2013 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi hơn 22.659 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,7% tổng số tiền phải thi hành).
Trong năm 2020, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá 3.851,55 tỷ đồng, 16,858 triệu USD, 17.248.621 cổ phiếu, 51 bất động sản, năm ô-tô và nhiều tài sản khác; cơ quan thi hành án dân sự thu hồi 14.017 tỷ đồng, bằng 61%.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực BCĐ đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế theo kế hoạch.
Phấn đấu đến hết năm 2020, kết thúc điều tra năm vụ án; ban hành cáo trạng truy tố một vụ án; xét xử sơ thẩm sáu vụ án; xét xử phúc thẩm năm vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc theo đúng kế hoạch của BCĐ. Trong đó, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ án: (1) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); (4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; (5) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thường trực BCĐ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc xét xử sơ thẩm năm vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, gồm: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị có liên quan; (2) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng công ty Sabeco; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; (4) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác đề trục lợi” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị liên quan; (5) Vụ án “Vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những vụ án, vụ việc đã đề ra theo kế hoạch phải quyết tâm thực hiện cho bằng được, theo đúng tiến độ. Vụ nào cũng khó cả, cho nên làm ngày, làm đêm cũng phải làm. Khó như các khâu giám định, định giá tài sản, tội danh, thu hồi tài sản, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm, vướng chỗ nào, tập trung bàn tháo gỡ chỗ đó.
Các vụ án, vụ việc đã thống nhất quan điểm thì chỉ đạo xử lý sớm. Việc có ý kiến khác nhau là bình thường, cho nên phải tập trung bàn đi đến thống nhất để làm; cố gắng làm cho bằng được, cho thật tốt, rõ đến đâu làm đến đấy, tăng cường sự phối hợp hơn nữa giữa các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tòa án, công an…
Càng sát Đại hội XIII của Đảng càng phải làm mạnh, làm bài bản, chắc chắn, hiệu quả. Trong thời gian qua, cơ bản là chúng ta làm tốt, có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo từ việc nhỏ đến việc lớn.
Về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập BCĐ, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dự kiến tổ chức trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, đây là hội nghị rất quan trọng, phải tổng kết được những việc làm tốt, chỉ ra việc làm chưa tốt, tại sao, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời, tạo không khí phấn khởi trong Đảng và nhân dân.
Vừa qua, chính kết quả của công tác đấu tranh PCTN đã tạo niềm tin, khí thế trong toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Báo cáo tổng kết cần được đầu tư làm cho tốt nêu rõ từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến phương pháp cách làm, đặc biệt là phải rút ra được những kinh nghiệm thiết thực để làm tốt hơn cho cả nhiệm kỳ sau.
Nhìn lại quá trình chỉ đạo vừa qua, việc xử lý vi phạm, có tính giáo dục cao, góp phần cảnh tỉnh cảnh báo răn đe và đã làm đúng quy định, Điều lệ Đảng, đúng pháp luật, có tinh thần ý chí cao. Thời gian tới, phải mở rộng địa bàn, lĩnh vực như đối với dự án nước ngoài, văn hóa, giáo dục, y tế; không chỉ đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong kinh tế mà cả trong tiêu cực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan điểm sai trái,..
Tại cuộc họp này, Thường trực BCĐ đã thống nhất kết thúc theo dõi 12 vụ án, bốn vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc xử lý theo quy định của pháp luật; đồng ý đưa vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo; cho ý kiến về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay./.