Truyền thông phải vì cộng đồng

Thứ năm - 24/06/2021 21:41 151 0

Chúng ta đã và đang được chứng kiến khả năng lan tỏa của truyền thông hiện đại, nhất là khi khả năng đó kết hợp với "sức thu hút" từ người nổi tiếng khiến thông tin đưa ra được lan truyền nhanh chóng, tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng.

3
Tuyên truyền về tuổi trẻ Thủ đô tham gia hiến máu nhân đạo. (Ảnh: MỸ HÀ)

Song thực tế cũng cho thấy, có tình trạng một số địa chỉ truyền thông sử dụng sự phối hợp trên còn dễ dãi, thậm chí tùy tiện đăng tải nội dung chưa kiểm chứng, thiếu chính xác, cổ súy những hành vi, phát ngôn "lệch chuẩn". Hiện tượng này đang có nguy cơ đẩy tới một số hệ lụy xã hội rất khó lường, cần được điều chỉnh kịp thời.

Gần đây, bên cạnh hiệu ứng tích cực của truyền thông trong cộng đồng xuất phát từ sự khởi xướng của người nổi tiếng, đã xuất hiện không ít sự việc, biểu hiện tiêu cực liên quan giới showbiz (nhóm người hoạt động trong lĩnh vực giải trí) được sự "tiếp sức" của truyền thông gây bức xúc dư luận. Trong số đó có thể kể đến việc một số nghệ sĩ có phát ngôn phản cảm; quảng cáo cho nhiều sản phẩm kém chất lượng, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ; không minh bạch, trục lợi từ các hoạt động từ thiện, lợi dụng từ thiện để PR tên tuổi...

Thông thường, nghệ sĩ tích cực làm từ thiện sẽ được nhiều địa chỉ truyền thông đưa tin rầm rộ. Nhưng phần nhiều trong số đó dường như chỉ tập trung đưa tin bề nổi, có tính chất quảng bá cho các cá nhân mà thiếu nội dung làm nổi bật ý nghĩa thật sự của hoạt động, và hiệu quả của công tác từ thiện... Trong khi truyền thông tích cực cổ súy một nhóm người có nhiều hoạt động thiện nguyện, đã xuất hiện cả những cá nhân coi thiện nguyện như một cơ hội nhằm đánh bóng tên tuổi hoặc vì các mục đích không trong sáng khác. Một số sự việc bị phát giác thời gian qua cho thấy, hậu quả của việc trục lợi từ thiện là hết sức nặng nề, làm suy giảm niềm tin của cộng đồng vào một số hoạt động thiện nguyện, địa chỉ truyền thông mất uy tín...

Vậy nguyên nhân nào khiến các hiện tượng đáng buồn như vậy ngày càng trở nên phổ biến? Có thể thấy trước hết xuất phát từ sự mến mộ, cả tin, "thần tượng hóa" thái quá của một bộ phận công chúng đối với một số người nổi tiếng. Cùng với đó là sự nâng đỡ, ủng hộ dễ dãi của không ít địa chỉ truyền thông đã khiến cho một vài nghệ sĩ tự thấy bản thân có quyền được ưu ái, có quyền được tự do thể hiện "quyền lực cá nhân", từ đó ngày càng tùy tiện trong phát ngôn, hành động. Chưa kể, còn có tình trạng một số địa chỉ truyền thông cố tình đi quá giới hạn cho phép, thậm chí còn làm méo mó, biến dạng bản chất sự việc liên quan người nổi tiếng, tác động tiêu cực đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của cộng đồng.

Lâu nay, showbiz với các cá nhân được gọi là "ngôi sao" đã trở thành một bộ phận có khả năng mang lại lợi nhuận cao trong ngành công nghiệp giải trí. Một số người coi đó là môi trường tạo danh tiếng, thương hiệu, giá trị vật chất,... cho bản thân. Từ đây xuất hiện mối quan hệ cộng sinh giữa showbiz và một bộ phận người làm truyền thông. Trong khá nhiều trường hợp sự dung túng, quan tâm đến vô lý của một bộ phận truyền thông đã dựng lên những "hào quang" giả tạo, cho ra đời những "chiếc áo" bóng bẩy, mầu mè, khiến người xem dễ ngộ nhận, nhầm lẫn. Không ít nhân vật bình thường, tài năng có hạn nhưng đột nhiên nổi tiếng đến mức phi lý. Hẳn chúng ta chưa quên một thanh niên trồng ổi sau vài clip ca hát tự phát lên internet bỗng trở nên nổi tiếng, và thành "hiện tượng truyền thông".

Với mục đích câu like, câu view, hàng loạt địa chỉ truyền thông đã đua nhau lăng-xê, tung hô người này là "ca sĩ", "người của công chúng". Tài năng của anh đến đâu thì đã rõ, và chắc chắn truyền thông còn biết rõ hơn, nhưng một số báo chí vẫn nhiệt tình săn đón, đưa các tít bài giật gân, "lố". Thực tế khác là đã có ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC,... được truyền thông ưu ái nhào nặn, xưng tụng thành "nam thần", "nữ thần", "nàng hậu", thậm chí là "ông hoàng" hay "thần tiên tỉ tỉ",... mà không hề căn cứ vào tài năng, hoặc không dựa trên chuẩn mực nào. Ðiều đó khiến cho showbiz càng lộn xộn với các danh xưng vô tội vạ, dẫn tới tình trạng nhiều giá trị đích thực bị coi nhẹ trong khi các giá trị "ảo" hoặc hời hợt lại được tung hô, cổ vũ, khuếch trương!

Công chúng dễ dàng bắt gặp hình ảnh "người nổi tiếng" trang phục theo lối "thiếu trên, hở dưới" xuất hiện tại một số chương trình giải trí, trang tin điện tử hay báo mạng chạy theo tiêu chí câu view, câu like. Thay vì đưa tin về hoạt động nghệ thuật đích thực của họ, chuyện đời tư của số nghệ sĩ này với những mối tình tay ba tay tư, ly hôn, kết hôn, đi xe "xịn", ở nhà triệu "đô", đeo nhẫn kim cương,... đã thành chủ đề được quan tâm của một số địa chỉ truyền thông, nhất là báo mạng và trang tin điện tử. Một số trang báo điện tử chỉ chuyên đăng tải những tin tức giật gân, gay cấn của nghệ sĩ. Ðây là lý do khiến dư luận đã và đang hồ nghi một số đơn vị, cá nhân làm truyền thông được trả tiền để giúp ca sĩ, diễn viên, người mẫu,... ít tên tuổi trở nên được biết đến nhiều hơn qua các vụ việc tai tiếng, phát ngôn gây tranh cãi? Hay vì lợi nhuận, một số người nổi tiếng đã tham gia quảng bá sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm chứng.

Thực trạng trên cho thấy, bằng nhiều cách thức khác nhau, một số địa chỉ truyền thông đã và đang tiếp tay để không ít giá trị "lệch chuẩn" hiện diện, lây lan trong đời sống. Ðiều này tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của cộng đồng, trực tiếp nhất là người hâm mộ, nhất là giới trẻ với tâm lý muốn thích học đòi, bắt chước "thần tượng". Thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta thấy lẽ ra bên việc đăng tải tin tức liên quan người nổi tiếng, truyền thông cũng đồng thời phải thực hiện chức năng giám sát, điều chỉnh hành vi tiêu cực, phản văn hóa.

Do đó khi phê phán một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo vô tội vạ, phát ngôn phản cảm, thiếu trách nhiệm,... cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của truyền thông. Bởi, các nội dung quảng cáo, phát ngôn,… đó không thể xuất hiện, lây lan rộng rãi nếu không có sự hỗ trợ của truyền thông.

Tuy nhiên, nếu trên các phương tiện truyền thông chính thống như: truyền hình, phát thanh, báo chí,… việc biên tập, quyết định đăng tải được thực hiện chặt chẽ, ít xảy ra sai sót, thì trên mạng xã hội vấn đề đang còn để ngỏ. Các nền tảng truyền thông này có cơ chế đăng tải dễ dàng, không kiểm soát chặt chẽ về nội dung nên tạo điều kiện để nội dung sai phạm, thiếu lành mạnh xuất hiện tràn lan. Thực tế đó đòi hỏi tính chịu trách nhiệm của truyền thông đối với nội dung được đăng tải luôn phải được đặt lên hàng đầu và nghiêm ngặt tuân thủ, nhằm ngăn chặn các hệ lụy có thể gây ra cho cộng đồng.

Bên cạnh vai trò chuyển tải thông tin, truyền thông còn có vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, góp phần tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Do đó, quan hệ giữa truyền thông với người nổi tiếng luôn cần đáp ứng yêu cầu hợp tác trên cơ sở tạo dựng và lan tỏa những giá trị đích thực, những việc làm đúng đắn. Ðiều này đòi hỏi, khi xuất hiện trên truyền thông, mỗi người cần thận trọng, cân nhắc trước khi phát ngôn, hành động để việc làm của mình có tác động tích cực đến cộng đồng, cùng hướng tới điều tốt đẹp hơn.

Ðồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông cần nâng cao nhận thức về vai trò đối với xã hội, từ đó lựa chọn chủ đề, cân nhắc nội dung và hình thức để cho ra đời sản phẩm không chỉ chính xác, khách quan, trung thực về thông tin, mà còn chứa đựng giá trị chân - thiện - mỹ, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu lành mạnh của công chúng.

GIANG ANH, THI PHONG/NHÂN DÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 77

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 74

Hôm nay: 13,809

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 393,739

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,104,056

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây