Trong công cuộc đổi mới ở nước ta, báo chí nói chung, báo chí điện tử nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, từng bước đổi mới nội dung và phương thức, thích ứng với xu thế phát triển của nền báo chí hiện đại. Báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống, xã hội, nhất là trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
1. Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, tính đến tháng 11-2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó, có 116 báo có hoạt động báo điện tử, 52 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập, bao gồm 16 báo điện tử và 7 tạp chí điện tử. Báo cáo đưa ra tại Hội nghị đã nhận định, các cơ quan báo chí điện tử đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Đặc biệt, hệ thống báo chí điện tử đã từng bước trở thành lực lượng nòng cốt, chủ lực của hệ thống báo chí, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước.
Báo chí điện tử đã phát huy ưu thế, lãnh sứ mạng đấu tranh trực tiếp và gián tiếp với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Báo chí điện tử trở thành công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén hơn hẳn các loại hình báo chí khác, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, đáp trả nhanh nhạy, kịp thời; đồng thời, là diễn đàn huy động được đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều rõ rệt với bạn đọc. Có thể nói, trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, báo chí điện tử đã phát huy thế mạnh nổi trội, và ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.
Tuy nhiên, trên phương diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí nói chung và trên mặt trận chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch nói riêng, báo chí điện tử vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là trong những sự kiện “nóng” hoặc những vấn đề “nhạy cảm”. Vẫn còn không ít các cơ quan báo chí điện tử còn chưa thực sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Một số sự việc bị kẻ xấu lợi dụng, lan truyền trên mạng xã hội và một số tờ báo phản động đặt ở nước ngoài, nhưng chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Chưa có nhiều tác phẩm báo chí có chiều sâu về lý luận và thực tiễn để đấu tranh trực diện với những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch. Vì thế, ở một số sự kiện, tính định hướng và sức lan tỏa từ các báo và tạp chí điện tử chưa cao.
Bên cạnh đó, một số nhà báo và cơ quan báo chí điện tử có biểu hiện thờ ơ chính trị, thiếu quan tâm đến mảng đề tài này, cho rằng đây là mảng đề tài khó và đã có nhiều tờ báo của các cơ quan Đảng lo liệu, nên để “trống” chuyên trang, chuyên mục, hoặc nếu có cũng chỉ là cầm chừng.
Trong tình hình hiện nay, nhất là giai đoạn trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch và những phần tử xấu sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng những tiện ích trên không gian mạng để đẩy mạnh âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chống phá cách mạng nước ta. Điều này đòi hỏi báo chí nói chung và báo chí điện tử nói riêng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên củng cố, xây dựng lực lượng đủ phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh chính trị, tận dụng những ưu thế vượt trội để có những tác phẩm báo chí sắc bén, kịp thời vạch trần những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích dân tộc và sự phát triển của cách mạng.
2. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết 35 nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Để báo chí nói chung, báo chí điện tử nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, ban biên tập đối với công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trên báo chí điện tử.
Thực tiễn chỉ ra, khi nào, ở đâu cán bộ lãnh đạo, ban, bộ biên tập nhận thức toàn diện, đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch thì mảng đề tài này mới được quan tâm đúng mức và mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả từ các sản phẩm báo chí. Do vậy, cấp ủy, ban biên tập, tổng biên tập các báo cần tiếp tục tăng cường tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đấu tranh, phòng, chống “diễn biễn hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm các quy định về siết chặt kỷ luật, kỷ cương báo chí; quản lý và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, phóng viên nhằm phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ cán bộ, phóng viên trong công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quan tâm tạo điều kiện phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức có kinh nghiệm, kết hợp có hiệu quả tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ, ứng phó kịp thời với các thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, để mỗi cán bộ, phóng viên, nhất là các cán bộ, phóng viên trẻ có điều kiện, cơ hội nhận thức đầy đủ hơn về âm mưu “diễn biến hòa bình”; tích lũy thêm tri thức, trau dồi bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phát hiện sớm hoạt động chống phá, tung thông tin sai trái của các thế lực thù địch để đấu tranh ngăn chặn kịp thời.
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí điện tử, xây dựng khả năng đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch
Đội ngũ cán bộ, phóng viên là những nhân tố quyết định đến hiệu quả trong các sản phẩm báo chí, góp phần quan trọng trong phát huy vai trò đấu tranh, phản bác của báo chí chống lại các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Do vậy, báo chí điện tử cần thành lập các bộ phận thường trực phản ứng nhanh, kịp thời đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch; tổ chức phân công nhiệm vụ rõ ràng, chuyên sâu theo các lĩnh vực, chuyên đề.
Tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên chuyên nghiệp mảng đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch đảm bảo theo hướng tinh gọn, chất lượng, đủ mạnh để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, phát huy cao nhất vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các báo, tạp chí sẵn sàng “xông pha” nơi trận địa khó khăn nhất. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế việc phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, phóng viên trong mặt trận này, chính là sự thiếu hụt những cây viết có đủ bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất trong đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhất là đội ngũ trong ban biên tập. Đó là những vấn đề không dễ nhưng cần sớm được khắc phục.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trước sự phát triển đa dạng, đầy biến động của “cư dân mạng”
Theo đó, một mặt, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, cần chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; vận dụng các hình thức tuyên truyền để định hướng, lôi kéo “cư dân mạng” đấu tranh, phản bác có hiệu quả. Đa dạng hóa các thể loại báo chí từ bình luận, chuyên luận tới phỏng vấn, ghi nhanh, phiếm chỉ... Tận dụng ưu thế không gian mạng để tăng tính tương tác, góp phần lan tỏa các bài viết hay, có giá trị định hướng dư luận xã hội. Các tạp chí điện tử cần tăng cường các bài viết chuyên sâu, phân tích, tổng hợp.
Tăng cường liên kết, phối hợp thông tin, làm sâu sắc các chủ đề, vấn đề theo từng lĩnh vực, “mảng miếng”… giữa các cơ quan báo chí điện tử trong phê phán, phản bác, các quan điểm, sai trái, thù địch tạo thành sức mạnh tổng hợp, hiệu quả.
Bốn là, quan tâm hỗ trợ chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý cho lực lượng tham gia đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí điện tử
Trên thực tế, đây là mảng đề tài khó. Để tăng cường động viên, “giữ chân” người viết và kể cả những người tham gia tương tác trên “trận địa” này, các báo, tạp chí điện tử nhất thiết cần phải có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ngoài ra, các báo cần chủ động có các hình thức khen thưởng đối với cán bộ, phóng viên có các bài viết chất lượng trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để động viên, khích lệ họ tích cực tham gia viết bài trên lĩnh vực này./.
TG