Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu toàn văn Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 19/11/2021 của Tỉnh ủy

Thứ tư - 09/02/2022 04:40 924 0
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA TỈNH ỦY
về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện
giai đoạn 2021-2025
-----
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, như sau:
 
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI PHÚ YÊN

I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Qua 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 17/10/2014 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu, quan điểm, tầm quan trọng của phát triển văn hóa, xây dựng con người từng bước được nâng lên; nhiều phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội… thực sự mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực và đã trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tác động tích cực đến việc xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện.

Các cấp ủy, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành công việc thường xuyên, đi vào nền nếp trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, tạo sự đồng thuận, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

II- HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Hạn chế, yếu kém

Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác xây dựng con người chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao. Công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng đạo đức lối sống, bồi dưỡng tri thức, kỹ năng xã hội… có mặt hạn chế. Nền tảng phát triển tầm vóc con người Phú Yên còn ở mức thấp; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn khá cao so với trung bình chung cả nước, đặc biệt ở các huyện miền núi. Một bộ phận người dân ở khu vực miền núi, vùng khó khăn về kinh tế còn hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, trợ giúp xã hội, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, thụ hưởng sản phẩm vật chất và tinh thần, các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, chăm sóc y tế, sức khỏe và dinh dưỡng, các sản phẩm khoa học công nghệ, lao động việc làm… dẫn đến hạn chế trong việc phát triển các kỹ năng xã hội.

2- Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, ngoài các nguyên nhân khách quan (tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự biến đổi khí hậu; mặt bằng dân trí chưa đồng đều giữa các khu vực; điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn…) chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, như: Tỉnh chưa có những cơ chế chính sách mạnh mẽ liên quan nội dung này để thực hiện; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện chưa theo kịp yêu cầu của xã hội hiện nay; nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cũng như huy động nguồn xã hội hóa chưa tương xứng với yêu cầu… Một bộ phận người dân chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng và phát triển con người Phú Yên.

 
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I- MỤC TIÊU

1- Mục tiêu tổng quát: Xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện gắn với phát triển tri thức, phát triển thể chất, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức về kỹ năng xã hội.


2- Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Về phát triển tri thức con người Phú Yên: Phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật cho toàn dân, như: 100% học sinh phổ thông, sinh viên được phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật; 100% học sinh cấp trung học phổ thông, sinh viên được tuyên truyền nghị quyết của các cấp ủy Đảng; 85% thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông hoặc tương đương; 100% học sinh phổ thông được học chương trình giáo dục địa phương; 100% nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; duy trì và phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
         
- Về phát triển thể chất con người Phú Yên: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (thể thấp còi) dưới 20%; cải thiện tầm vóc, thể chất của thanh niên, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ đạt 156cm. Tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35% dân số của tỉnh.

- Về xây dựng đạo đức con người Phú Yên: Có 90% gia đình văn hóa; 90% thôn, buôn, khu phố văn hóa; 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 70% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Ít nhất 90% hộ gia đình được phổ biến, hướng dẫn và cam kết thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hướng dẫn học tập cho con em trong gia đình. Phấn đấu 100% thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo.

- Về xây dựng con người Phú Yên có kiến thức về kỹ năng xã hội: Tập trung công tác bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng xã hội cho toàn dân, nhất là bồi dưỡng đối với thế hệ trẻ; phấn đấu có 100% thanh thiếu nhi được bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng xã hội.

II- NHIỆM VỤ

1- Xây dựng, phát triển tri thức con người Phú Yên

- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Chú trọng đào tạo, hình thành trong mỗi con người về nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật và ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

- Kịp thời thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương thành các chương trình giáo dục có nội dung phù hợp cho từng đối tượng học sinh, sinh viên. Biên soạn nội dung Chương trình giáo dục địa phương về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị, xã hội, môi trường… đưa vào giảng dạy phù hợp với từng loại hình và từng cấp học.

- Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.

 
- Nhân rộng các phong trào khuyến học, khuyến tài; các mô hình dòng họ học tập trong cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục hướng đến xây dựng Phú Yên trở thành một xã hội học tập với phương châm “một nền giáo dục cho mọi người và do mọi người”.

- Ưu tiên đầu tư các trang thiết bị giảng dạy, học tập cho các cơ sở giáo dục đảm bảo phù hợp với yêu cầu; đổi mới phương thức giảng dạy; bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, tiếp cận chuẩn đào tạo tiên tiến của quốc tế phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương; trọng dụng nhân tài, sử dụng bố trí hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.

2- Xây dựng, phát triển thể chất con người Phú Yên

- Nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần; tăng cường công tác giáo dục giới tính cho học sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng để cải thiện các chỉ số cơ bản về sức khỏe của trẻ em dưới 5 tuổi và đảm bảo các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên lứa tuổi trưởng thành trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

- Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030; tập trung đầu tư cải thiện môi trường sống, thể trạng, tầm vóc, chất lượng giống nòi và tuổi thọ cho người Phú Yên.

- Duy trì và phát triển Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng; đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; xây dựng Khu liên hợp thể thao của tỉnh, nâng cấp các trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện.

3- Xây dựng con người Phú Yên có phẩm chất đạo đức

- Xây dựng con người Phú Yên có nhân cách tốt, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, ý thức trách nhiệm công dân từ trong gia đình, nhà trường và xã hội, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”, có tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển quê hương.

- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng và chấp hành tốt hương ước, quy ước tại cộng đồng các khu dân cư; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát huy vai trò của các già làng, trưởng tộc, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong tình hình mới.                                                                                                        
 - Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động “Thân thiện, nghĩa tình, trung thực, cần cù, đoàn kết, sáng tạo”, hướng đến giá trị nhân văn chân - thiện - mỹ.

- Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật, lồng ghép chương trình giáo dục nghệ thuật vào giảng dạy trong trường học, ưu tiên các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được thế giới và Nhà nước vinh danh để bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân văn, tạo bản lĩnh, sức đề kháng cho Nhân dân để chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

- Kịp thời cụ thể hóa Bộ tiêu chí về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và các quy định về chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế với hệ giá trị gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh khi Trung ương ban hành.

4- Xây dựng con người Phú Yên có kiến thức về kỹ năng xã hội

- Nghiên cứu biên soạn chương trình bồi dưỡng kỹ năng xã hội phù hợp theo từng đối tượng, độ tuổi, cấp học, lĩnh vực, loại hình và thực tiễn. Có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng xã hội cho học sinh, thanh thiếu niên.

- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức chuyên sâu về giáo dục kỹ năng xã hội, gắn với triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 02/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Nghiên cứu ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng các cơ sở giáo dục về kỹ năng sống rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh.

III- GIẢI PHÁP

1- Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan đến xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện

- Tăng cường phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng con người phát triển toàn diện đối với việc phát triển bền vững của đất nước, địa phương; gắn nội dung này vào trong chương trình, kế hoạch hằng năm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Đưa nội dung đầu tư phát triển con người toàn diện vào nội dung sinh hoạt, giao ban định kỳ thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; vào nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, trường học, các doanh nghiệp; hương ước, quy ước khu dân cư phù hợp theo tiêu chí, chuẩn mực riêng đối với từng loại hình, đối tượng... và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm của từng tổ chức, cá nhân.

- Tiếp tục phát huy và nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nghiêm Quy định số 397-QĐ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện; nghiên cứu cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng phù hợp với thực tiễn đơn vị, địa phương; bảo đảm và phát huy quyền cá nhân trong phát triển tri thức, đạo đức, thể chất và kỹ năng xã hội.

2- Đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và đồng thuận trong xã hội

- Xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, sát với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Kết hợp đa dạng nhiều hình thức, nhiều kỹ năng trong công tác tuyên truyền; đổi mới phương thức tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền theo hướng tương tác đa chiều; xây dựng các kênh thông tin tuyên truyền trực diện, thường xuyên, liên tục trên môi trường mạng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

- Tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại; chủ động, thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời định hướng tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động đối với các vấn đề mới phát sinh.

- Đổi mới cách thức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, việc làm tốt, đồng thời lên án phê phán, chấn chỉnh và uốn nắn những hành vi tiêu cực trên các lĩnh vực, tác động không tốt đến việc xây dựng nét đẹp văn hóa, phát triển con người toàn diện.
- Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để thực hiện công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao nhất.
                                                    
3- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện

- Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo và khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng phát triển quê hương của mỗi cá nhân; tăng cường nêu gương người tốt việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến. Hằng năm tổ chức vinh danh và trao danh hiệu công dân tiêu biểu tỉnh Phú Yên.

- Chú trọng tuyên truyền, giáo dục về nét đẹp của gia đình truyền thống đối với việc hình thành và phát triển nhân cách con người Phú Yên; xây dựng lối sống tình nghĩa, kính trên nhường dưới, tinh thần tương trợ, đùm bọc lẫn nhau; thái độ chăm chỉ trong sản xuất và đời sống; lòng kính trọng và biết ơn tổ tiên, ông bà; trách nhiệm của cá nhân với gia đình, với quê hương, với đất nước…

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Lồng ghép việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Yên.

4- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể trong xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện; tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đồng thời phát động, xây dựng các phong trào, cuộc vận động vì cái tốt, cái đẹp, cái đúng để hướng con người đến chân, thiện, mỹ.                                

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hưởng ứng tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện trong thời đại mới.

- Tăng cường tư vấn, hỗ trợ và phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của cấp ủy cấp mình liên quan đến các nội dung về phát triển con người trên địa bàn tỉnh.

5- Tăng cường nguồn lực xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện

- Tăng chi ngân sách nhà nước và huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển tri thức, đạo đức, tầm vóc, kỹ năng con người Phú Yên trong tình hình mới.

- Rà soát, bổ sung, nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư phát triển con người; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tối đa nguồn lực đầu tư cho con người, đảm bảo phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

 
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 
1- Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Chương trình hành động này của Tỉnh ủy, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao từ trong nhận thức đến tổ chức, triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, trong đó tập trung xây dựng các nhóm giải pháp mang tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

2- Đảng đoàn HĐND tỉnh căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong Chương trình hành động này để lãnh đạo, chỉ đạo cho ý kiến đối với các chính sách về xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện khi các cấp, các ngành trình; đồng thời chỉ đạo giám sát việc thực hiện các nội dung có liên quan.
         
3- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng Chương trình hành động của Tỉnh ủy; hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt triển khai Chương trình hành động ở các cấp.                          

4- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đã đề ra; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ tham mưu sơ, tổng kết và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 60

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 383,079

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,093,396

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây