Đang truy cập: 71
Hôm nay: 18,478
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 398,408
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,108,725
- Đang truy cập71
- Hôm nay18,478
- Tháng hiện tại398,408
- Tổng lượt truy cập10,108,725
QUY ĐỊNH
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp,
trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
-----
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương;
- Căn cứ Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên;
- Căn cứ Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp;
- Căn cứ Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Căn cứ Kết luận số 08-KL/TU, ngày 08/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng chương trình, kế hoạch, nghị quyết, đề án… cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh như sau:
Điều 1. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phải nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư về “công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị công tác, nghĩa vụ công dân nơi cư trú…
Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động.
Điều 2. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm nêu gương
1. Về tư tưởng chính trị
- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
- Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
- Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin xấu, độc; quan điểm xuyên tạc, sai trái của các phần tử xấu và các thế lực thù địch.
2. Về đạo đức, lối sống, tác phong
- Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, khiêm tốn, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện nghiêm quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm.
- Bản thân và gia đình không vướng vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
- Tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
- Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân. Đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; có tư duy độc lập, gắn lý luận với thực tiễn; sâu sát, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết là trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ của từng cá nhân và tập thể.
- Không sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.
3. Về tự phê bình, phê bình
- Gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, khách quan; phải có tình đồng chí, yêu thương lẫn nhau; kiên quyết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.
- Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, có dư luận không tốt, làm việc kém hiệu quả.
4. Về trách nhiệm trong công tác
- Nêu cao ý thức trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc; sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tránh tư tưởng thấy dễ thì xung phong, thấy khó thì né tránh, đùn đẩy. Tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và triển khai tốt nhiệm vụ chuyên môn.
- Chủ động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao. Tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
- Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, thận trọng trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có năng lực nổi trội và triển vọng; trọng dụng những người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Đấu tranh bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
- Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Tích cực, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực mình phụ trách.
- Chịu trách nhiệm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra vi phạm, sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tập trung xử lý, sửa chữa, khắc phục.
5. Về ý thức tổ chức kỷ luật
- Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
- Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
- Kê khai tài sản, thu nhập đúng theo quy định pháp luật; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng và dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
6. Về đoàn kết nội bộ
- Chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; công tâm với cán bộ thuộc quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ.
- Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác.
- Tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nơi công tác; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
7. Về quan hệ với Nhân dân
- Nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân; giữ mối quan hệ và gắn bó với Nhân dân; làm việc với thái độ nghiêm túc, công tâm, khách quan; tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đơn vị, địa phương nào để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà nghiêm trọng, kéo dài mà không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý thì cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương đó phải được xem xét xử lý theo quy định. Chủ động tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
- Thực hiện nghiêm Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú. Cán bộ, đảng viên và gia đình gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ công dân và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Điều 3. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống
1. Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm; lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân; lợi dụng dân chủ để kéo bè, kéo cánh. Lạm dụng chức vụ trù dập người khác; ép cấp dưới làm những việc không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.
2. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác dưới mọi hình thức.
3. Chủ trì tham mưu, tham gia ban hành chỉ thị, nghị quyết, quy định… thuộc thẩm quyền nhưng trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, địa phương, đơn vị, tập thể và nhân dân. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết, đề án… gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, tài nguyên…; mua sắm tài sản công sai quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, lãng phí; sử dụng lãng phí tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc.
4. Thao túng hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ. Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển… Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.
5. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; đấu giá đất đai, tài sản Nhà nước. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với nhau hoặc với các đối tượng khác để trục lợi.
6. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định. Lợi dụng chức vụ, thực thi nhiệm vụ để bao che, tiếp tay hoặc tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
7. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc bố, mẹ, anh, chị, em vợ (hoặc chồng) lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí hoặc để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí, sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Tổ chức việc cưới, việc tang và việc riêng của gia đình xa hoa, tốn kém hơn so với mặt bằng chung của đời sống, phong tục, tập quán địa phương nơi cư trú và nơi công tác.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các tổ chức đảng, người đứng đầu các ngành, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy định này; gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy định này; đồng thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy).
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện và kiến nghị những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Quy định này.
3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các quy định của Trung ương, Quy định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
5. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xử lý hoặc tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm theo quy định.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; được phổ biến đến chi bộ và thay thế Quy định số 4511-QĐ/TU, ngày 19/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Liên kết website
Đang truy cập: 71
Hôm nay: 18,478
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 398,408
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,108,725