Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu toàn văn Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy

Thứ sáu - 10/09/2021 04:51 521 0
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA TỈNH ỦY
về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng
tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp,
thân thiện với môi trường
-----

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường như sau:
 
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

- Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch công tác bảo vệ môi trường đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều công trình, đề án, dự án cải thiện môi trường đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề về môi trường như không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải... đã cơ bản được quản lý, kiểm soát tốt; các khu công nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải; gần 100% chất thải rắn y tế và 78% chất thải rắn đô thị được thu gom xử lý đúng quy định. Đã đầu tư 83 công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn, góp phần đưa tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt khoảng 39,3%; nâng cấp các nhà máy nước tỉnh đảm bảo công suất cấp nước đạt 47.000m3/ngày đêm. Cảnh quan môi trường đô thị và diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; nhiều tuyến đường, khu dân cư, nơi công cộng được trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần tăng đáng kể diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên trên địa bàn tỉnh. Có 61/88 xã đạt tiêu chí về môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng được quan tâm thực hiện, tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 45%. Việc quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, thủy điện ngày càng hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất, công tác phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm thực hiện với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, qua đó đã tác động tích cực, góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của các tầng lớp Nhân dân. Việc chấp hành, tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của tổ chức, doanh nghiệp và người dân ngày càng cao hơn; hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều cơ bản chấp hành tốt các thủ tục, quy trình công nghệ về hệ thống xử lý chất thải được phê duyệt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường được tăng cường; kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

II- HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Hạn chế, yếu kém

- Ý thức về bảo vệ môi trường của một số đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn hạn chế. Một số địa phương còn để xảy tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nuôi trồng thủy sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên lồng bè ở vùng ven biển và đô thị.

- Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán tại các trung tâm, đô thị; tình trạng hát nhạc sống, nuôi chim yến tự phát chưa được kiểm soát tốt, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường xảy ra ở hầu hết các địa phương.

- Hạ tầng cơ bản về bảo vệ môi trường như hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị, cụm dân cư nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu; công trình xử lý chất thải rắn tập trung cho các làng nghề, khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư.

- Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai, khoáng sản, quản lý và bảo vệ rừng… còn nhiều hạn chế, bất cập; tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép, phá rừng, cháy rừng còn diễn ra. Công tác dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa theo kịp diễn biến tình hình.
         
- Năng lực quản lý nhà nước về môi trường còn bộc lộ nhiều hạn chế; vẫn còn xảy ra tình trạng xả chất thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường; nhiều dự án chưa thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường; nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng. Đội ngũ cán bộ và lực lượng phối hợp tham gia công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2- Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự được chú trọng. Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường chưa thể hiện rõ nét.

- Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng của tỉnh với địa phương; giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương về công tác bảo vệ môi trường chưa được tiến hành thường xuyên, chưa chặt chẽ; có lúc, có việc chưa thống nhất.

- Ngân sách dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, trong khi chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa đầu tư các dự án về môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ môi trường chưa nhiều.

- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thiếu đồng bộ; một số quy định còn thiếu tính gắn kết, nhiều nội dung còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường chưa được tiến hành thường xuyên. Việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường có lúc, có nơi chưa nghiêm.

 
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I- MỤC TIÊU

1- Mục tiêu tổng quát: Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từng bước tăng tỷ lệ tái sử dụng và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, hạn chế thấp nhất việc tạo ra chất thải; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.

2- Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện hoàn thành, vượt các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, cụ thể:

- Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%; tỷ lệ dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn quốc gia trên 60%.

- 100% khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có đầu tư cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát.

- 100% chất thải rắn y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn.

- Chất thải rắn được thu gom, xử lý đúng quy định, cụ thể:

+ 98% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đúng quy định, trong đó ít nhất 40% được xử lý bằng công nghệ hiện đại.
+ Ít nhất 40% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đạt chuẩn.

- Trồng 12 triệu cây xanh phân tán, 3 triệu cây rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 48%.

- Phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn tại các khu vực ven đầm, vịnh (đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài), trong đó ở đầm Ô Loan khoảng 50 ha.

- 100% hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức bảo vệ môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu.

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường
         
- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tiếp tục duy trì thực hiện tốt Kế hoạch số 56-KH/TU, ngày 26/9/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 26/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 18/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý công trình và đảm bảo vệ sinh môi trường các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; Công văn số 481-CV/TU ngày 23/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ di tích, thắng cảnh Đầm Ô Loan…

- Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh và Nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào nội dung sinh hoạt, giao ban thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; vào nội quy của cơ quan, đơn vị, trường học; hương ước, quy ước khu dân cư; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Yêu cầu các cơ quan, công sở, trường học xây dựng quy định về bảo vệ môi trường; hộ gia đình có bản cam kết giữ vệ sinh môi trường.

- Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thường xuyên phát động, vận động và tổ chức phong trào hành động thiết thực, sâu rộng trong cộng đồng dân cư, vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: Giữ sạch môi trường sống, đường phố, khu dân cư, bãi biển, ven sông, kênh, hồ; trồng, chăm sóc cây xanh; xây dựng và duy trì các mô hình đường hoa, cây xanh ở khu vực nông thôn; hình thành các khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường và chăm sóc cây xanh, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu và tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông... Duy trì và phát triển các phong trào “Ngày thứ Bảy xanh, sạch, đẹp”, “Ngày Chủ nhật nông thôn mới, đô thị văn minh”…; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sống xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

- Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền trực quan và xây dựng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, việc tốt, đồng thời phê phán những hành vi gây hại đến môi trường.

2- Xây dựng và thực hiện Đề án “Phú Yên xanh”, tập trung giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt, giảm thiểu rác thải nhựa và tăng không gian xanh

- Lập kế hoạch truyền thông xây dựng hình ảnh Phú Yên xanh; phát huy tính tự giác, chủ động, trách nhiệm bảo vệ môi trường đến người dân và du khách. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Phấn đấu đưa TP Tuy Hòa trở thành một trong mười đô thị có tỷ lệ giảm nhựa cao của cả nước.

- Xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường, trước hết là nghiên cứu xây dựng các mô hình thu gom, phân loại rác, tái chế rác thải. Phấn đấu đến năm 2023, tất cả các địa phương có mô hình điểm về phân loại rác; đến năm 2025, đảm bảo 20% chất thải sinh hoạt tại các đô thị được phân loại tại nguồn. Các cơ quan, đơn vị tiên phong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

- Ngăn chặn và giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm đầm, vịnh do hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo đúng quy hoạch được duyệt. Có giải pháp xử lý hiệu quả tình trạng xả thải rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, chất thải chưa qua xử lý ra đầm, vịnh, biển.

- Thực hiện tốt Đề án trồng mới 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Phú Yên, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 48%, xây dựng hình ảnh Phú Yên xanh; chú trọng tăng tỷ lệ bao phủ cây xanh trên địa bàn các đô thị, nhất là thành phố Tuy Hòa. Chú ý nghiên cứu, lựa chọn các loại cây trồng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với đặc điểm của địa phương; xác định rõ các chủ thể quản lý. Huy động mọi nguồn lực, nhất là trong doanh nghiệp, nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng, đảm bảo mỗi năm trồng mới 2,4 triệu cây phân tán và 0,6 triệu cây rừng tập trung. Rà soát quy hoạch sử dụng đất, xác định cụ thể quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn, đất trồng cây xanh (đô thị, nông thôn, khu dân cư, công sở…). Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn theo hướng trồng ở khu vực đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ…

3-Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường

- Sớm triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý tập trung đối với nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị, cụm dân cư nông thôn. Đầu tư hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Tuy Hoà, khu vực trung tâm TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và huyện Tuy An trước năm 2025. Việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới phải tính đến việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Quan tâm đầu tư các dự án cung cấp nước sạch tập trung tại các đô thị, khu dân cư tập trung, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Tuy Hòa và khu vực lân cận vào đầu năm 2023. Rà soát, xây dựng lộ trình, chỉ đạo xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định, các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, ngăn chặn việc hình thành mới các bãi chôn lấp tự phát. Đến cuối năm 2023, xử lý dứt điểm ô nhiễm tại Bãi rác Thọ Vức và khu xử lý tạm thời chất thải hầm cầu của TP Tuy Hoà. Đánh giá hiệu quả hoạt động các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó có biện pháp củng cố, nâng cao năng lực hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư lò đốt chất thải y tế nguy hại tập trung. Triển khai đầu tư cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Tuy Hòa trước năm 2025. Nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch và trung tâm đô thị lớn của tỉnh.

- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ phân loại rác thải tại nguồn theo lộ trình xác định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
         
4- Chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường

- Thực hiện chặt chẽ quy trình đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các công trình, dự án theo quy định. Chú trọng khâu khảo sát, lựa chọn địa điểm, công nghệ thực hiện dự án; không thu hút đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cảnh báo sớm, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Đến năm 2025, đầu tư cơ bản mạng lưới trạm quan trắc môi trường nền tự động ở các lưu vực sông lớn, các đầm, vịnh, điểm có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường trên toàn tỉnh.

-
Nâng cao hiệu lực công tác quản lý, kiểm soát tác động môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định về ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

- Chú trọng bảo vệ môi trường tại lưu vực các sông, suối, đầm, vịnh, khu vực ven biển. Cập nhật khả năng chịu tải của các sông, làm cơ sở cho việc bố trí dự án và cấp phép xả nước thải đảm bảo quy chuẩn vào nguồn nước.

- Triển khai đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải rắn xây dựng, khu xử lý bùn từ bể tự hoại theo quy hoạch được duyệt, từng bước giải quyết tình trạng đổ chất thải không đúng nơi quy định, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

- Đổi mới cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp. Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

- Quản lý chặt chẽ việc nuôi chim yến theo quy hoạch; giải quyết tốt các vấn đề về môi trường trong việc nuôi chim yến, nhất là tiếng ồn khu dân cư.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp và cơ sở thương mại, dịch vụ, y tế... Qua đó, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện công khai danh sách các đơn vị chấp hành tốt, cũng như các đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; cân nhắc kỹ việc chấp thuận triển khai các công trình, dự án mới đối với các đơn vị thường xuyên vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
         
5- Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

- Khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác; tăng cường sử dụng công nghệ, nguyên vật liệu mới. Tăng tỷ lệ tái sử dụng chất thải trong sản xuất; hỗ trợ phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế.

- Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ trong khai thác, sử dụng.

- Tập trung hoàn thiện Đề án thành lập khu bảo tồn biển Hòn Yến trong năm 2022. Tăng cường công tác bảo tồn hệ sinh thái và các loài động, thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai. Điều tra, đánh giá mức độ đa dạng sinh học khu vực Đèo Cả để đề xuất hình thức bảo vệ phù hợp. Rà soát các khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao như: Khu đất ngập nước Hồ Thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh), Đầm Ô Loan (huyện Tuy An), Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông (TX Sông Cầu)... Nghiên cứu thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh mới cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt quý hiếm tại khu vực Suối Lạnh (huyện Tây Hòa), khu Biển Hồ (TX Đông Hòa).

- Sớm hoàn thành việc xây dựng và triển khai Đề án Trồng rừng ngập mặn tại các khu vực ven đầm, vịnh (như Đầm Cù Mông, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài), trước hết ưu tiên thực hiện ở Đầm Ô Loan khoảng 50 ha, góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

- Nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và khả năng kiểm soát cháy rừng; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám nhằm phát hiện sớm và thông báo kịp thời, chính xác điểm cháy rừng. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.

- Triển khai đầu tư hệ thống Trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề có nguy cơ gây mất an toàn đê đập, hồ chứa nước, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai.
         
6- Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; đảm bảo việc xây dựng quy hoạch, lập dự án đầu tư phải tiến hành đồng thời với đánh giá tác động môi trường và phải được thực hiện từ khi nghiên cứu chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Lồng ghép các vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

- Rà soát, có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, các nghĩa trang… ra khỏi các trung tâm đô thị, khu dân cư tập trung, tạo mỹ quan đô thị, khu dân cư và tăng hiệu quả sử dụng đất.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, cấp phép, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.

- Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách; đồng thời, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các quy định về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh (Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk) trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
         
7- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, huy động các nguồn lực trong quản lý chất thải

- Tăng chi ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động đầu tư xử lý chất thải rắn (sinh hoạt, y tế, công nghiệp nguy hại…), nước thải sinh hoạt, bảo tồn đa dạng sinh học…

- Rà soát, đánh giá thực hiện các khoản thu dịch vụ đối với nước thải, chất thải hiện hành để có điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tiễn địa phương; có lộ trình giảm dần nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối thu, chi đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

- Tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải; ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác quản lý môi trường, quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ việc quản lý, kiểm tra, giám sát, cảnh báo về môi trường, gắn với thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ.

 
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 
1- Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình hành động này của Tỉnh ủy; theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với cấp, ngành mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả.

2- Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh nghiên cứu có kế hoạch phân bổ ngân sách, tạo điều kiện thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong Chương trình này và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

3- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật bảo vệ môi trường, Chương trình hành động của Tỉnh ủy trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện đảm bảo hiệu quả; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của cấp ủy cấp mình.

4- Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng đời sống văn minh và thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, cơ sở.

5- Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường.

6- UBKT Tỉnh ủy tham mưu kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy.

7- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, trọng tâm là nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc học tập, quán triệt triển khai thực hiện Chương trình hành động ở các cấp.

8- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đã đề ra; tạo chuyển biến rõ rệt ngay trong giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh về công tác bảo vệ môi trường; định kỳ tham mưu Tỉnh ủy sơ, tổng kết và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.


PHỤ LỤC: CHỈ TIÊU BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỪ NĂM 2021 ĐẾN 2025 (Xem chi tiết tại đây)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 95

Hôm nay: 18,378

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 398,308

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,108,625

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây