Đang truy cập: 85
Hôm nay: 24,484
Hôm qua: 24,142
Tháng hiện tại: 208,588
Tháng trước: 799,455
Tổng lượt truy cập: 8,586,984
- Đang truy cập85
- Hôm nay24,484
- Tháng hiện tại208,588
- Tổng lượt truy cập8,586,984
Các giá trị gia đình và hôn nhân trong bối cảnh hiện nay không chỉ bị ảnh hưởng bởi một số tập quán, phong tục và giá trị truyền thống, mà còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng toàn cầu hóa với vấn đề hội nhập văn hóa và lối sống hướng đến cá nhân. Những yếu tố đó chuyển thành các giá trị, chuẩn mực, tác động đến việc đưa ra các quyết định hoặc thực hiện các hành động trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa cộng đồng và gia đình. Gia đình là đơn vị cơ bản của cộng đồng, các lợi ích và nhu cầu của gia đình được ưu tiên và có giá trị đạo đức cao hơn lợi ích cá nhân đơn thuần. Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định: “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng”. Nền văn hóa Việt Nam tôn vinh các mối quan hệ và hỗ trợ chặt chẽ giữa các thế hệ trong gia đình, cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc con cái, con cháu chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, hướng tới gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.
Đảng và Nhà nước ta cũng luôn khẳng định sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng đất nước. Bởi xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Mới đây nhất, Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” khẳng định, công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.
Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, mà cả trong quản lý phát triển xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo nghiên cứu về “Xây dựng các định hướng giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030” của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi nhóm nhân khẩu xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Việcxây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, một số xu hướng đang nổi lên báo hiệu sự xuất hiện của những thách thức tiềm tàng đối với các giá trị lấy gia đình làm trung tâm.
TOÀN CẦU HÓA VÀ LỐI SỐNG HƯỚNG ĐẾN CÁ NHÂN
Trong xã hội hiện đại, toàn cầu hóa mở ra những cơ hội mới, nhưng cũng báo hiệu những mối nguy cơ mới. Một thách thức đáng chú ý do toàn cầu hóa tạo ra liên quan đến các giá trị gia đình là sự trỗi dậy và lan rộng của lối sống được đánh dấu bằng chủ nghĩa cá nhân, tiêu dùng và coi trọng vật chất. Lối sống cá nhân thúc đẩy nhu cầu phát triển cá nhân, ưu tiên thực hiện các nhu cầu và mong muốn của cá nhân hơn là gia đình và cộng đồng. Những nhu cầu của cá nhân không chỉ giới hạn ở giáo dục, giải trí, không gian làm việc, mà còn định hình lại cách các cá nhân nhìn nhận gia đình và hôn nhân(1). Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân coi gia đình (và sự kết hợp hôn nhân) đối lập với hạnh phúc và quyền tự do của cá nhân, thúc đẩy ý tưởng cho rằng việc hình thành gia đình cản trở và hạn chế sự phát triển và hạnh phúc của cá nhân. Nói cách khác, lối sống thiên về cá nhân có sự xung đột giữa cá nhân và gia đình, tạo ra niềm tin sai lầm là con người phải hy sinh bản thân để có gia đình, hoặc hy sinh mong muốn có gia đình để đạt được mục tiêu và nhu cầu cá nhân.
Sự quan tâm ngày càng tăng đối với bản thân qua lăng kính của chủ nghĩa cá nhân đã tác động trực tiếp đến việc hình thành gia đình và sự kết hợp trong hôn nhân. Sự chú trọng ngày càng nhiều vào bản thân làm tăng sự do dự khi bắt đầu một mối quan hệ lâu dài. Cùng với sự chú trọng vào vật chất, đã làm con người chệch hướng trong xây dựng gia đình hoặc mở rộng các mục tiêu, không chỉ dẫn đến các gia đình nhỏ hơn, mà còn ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái. Các giá trị được thúc đẩy bởi phong cách sống đô thị, toàn cầu hóa cạnh tranh mạnh mẽ với các giá trị và khuôn mẫu gia đình truyền thống, đặc biệt là về việc sinh con.
ĐỀ CAO TÌNH TRẠNG ĐỘC THÂN
Các nghiên cứu đã chỉ ra, thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông hơn là gia đình về sự phát triển hành vi, kiến thức và thái độ tình dục(2). Đặc biệt, phim truyền hình được phát sóng trên các kênh truyền hình vệ tinh, mạng xã hội và internet đã trở thành những cánh cổng chính dẫn vào lối sống đô thị, toàn cầu hóa và củng cố thêm chân dung gia đình và cá nhân như hai mặt đối lập. Tình trạng sống độc thân được đề cao như một cách để thể hiện tự do, tự hiện thực hóa bản thân và cung cấp cho nam giới và phụ nữ lối sống ưa thích, vui vẻ, giàu có và hướng tới sự năng động. Trong khi đó, gia đình được coi là nguồn gốc của xung đột, truyền thống áp bức và giới hạn những nghĩa vụ. Phương tiện truyền thông truyền tải những hình ảnh mang thông điệp văn hóa được nhiều bộ phim Hollywood hướng tới là: những người giàu có, sành điệu, tự do và tự tại, không để vai trò làm cha mẹ chi phối cuộc sống thú vị của họ”(3).
Sự trỗi dậy và lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa cá nhân đã và đang thách thức, cạnh tranh với các giá trị gia đình tạo ra sự tách biệt giả tạo giữa “gia đình với cá nhân”. Để giải quyết vấn đề này, các chính sách văn hóa cần tập trung vào việc thúc đẩy những câu chuyện và hình ảnh thay thế có thể chứng thực cuộc sống gia đình và sự kết hợp hôn nhân không mâu thuẫn với sự phát triển của cá nhân. Ngược lại, sẽ bổ sung và tạo điều kiện cho sự tiến bộ, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của cá nhân. Cùng với đó, cần có các chính sách an sinh xã hội và kinh tế nhằm khuyến khích sự kết hợp hôn nhân và hình thành gia đình thông qua nhiều kênh khác nhau như trợ cấp thuế, hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
NHẬN THỨC CỦA THẾ HỆ MỚI
Thế hệ mới là nhóm những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 - 2000 trong kỷ nguyên số hóa và toàn cầu hóa. Họ được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, tiếp cận với sự phát triển thần tốc của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; được khuyến khích hãy mạnh mẽ theo đuổi ước mơ, tự tin chinh phục những thử thách, thực hiện những điều bản thân yêu thích và sẵn sàng chinh phục những thử thách mới. Họ muốn đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, học hỏi và tôn trọng các giá trị khác biệt cũng như sẵn sàng thích ứng với sự đa dạng về lối sống, cách suy nghĩ và mong muốn thu hút sự chú ý bằng dấu ấn của cá nhân. Sự tự tin đặc trưng của thế hệ mới dựa trên nền tảng kiến thức tốt, tiếp cận sớm với công nghệ và các nền văn hóa, cùng với tư duy của công dân toàn cầu. Hiện nay, thế hệ mới là lực lượng lao động đáng kể và còn là một phần lớn dân số đủ điều kiện kết hôn, sẽ là cha mẹ của thế hệ tiếp theo. Như vậy, thế hệ mới sẽ định hình cấu trúc gia đình, nuôi dạy con cái và quan hệ vợ chồng trong tương lai. Tuy nhiên, thế hệ mới được xác định với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất, mong muốn thể hiện bản thân và độc lập, đặc biệt có định hướng và tham vọng nghề nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng gia đình. Dường như trong giới trẻ đang có sự mâu thuẫn giữa việc thực hiện cam kết và lợi ích bản thân với gia đình và cộng đồng. Mâu thuẫn này chứng tỏ sự thay đổi văn hóa đáng kể và sự chuyển đổi giá trị đang diễn ra trong giới trẻ. Thanh niên chưa hoàn toàn xa lạ với di sản văn hóa chung và các giá trị truyền thống; tuy nhiên, đang thay đổi theo hướng ít gắn kết xã hội hơn. Điều quyết định tương lai của gia đình là liệu thế hệ trẻ có thể cân bằng được những giá trị này hay không?
Để giúp giới trẻ coi trọng, gìn giữ các giá trị gia đình và cộng đồng, trong quá trình quản lý tác động của những khó khăn về kinh tế, cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu của thanh niên, xem xét việc xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.
Toàn cầu hóa và các quá trình liên quan như công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự phát triển công nghệ không chỉ tác động đến cấu trúc, mô hình hình thành và các giá trị của hôn nhân, gia đình, mà còn bắt đầu thách thức sức mạnh và hiệu quả hoạt động của gia đình. Đặc biệt, sự chuyển đổi giá trị của thế hệ mới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng toàn cầu hóa văn hóa và công nghệ truyền thông. Đây là nhóm dân số đủ điều kiện kết hôn chính, những người sẽ là cha mẹ và vợ/chồng trong tương lai. Do đó, thế hệ này sẽ định hình cuộc sống gia đình và quan hệ vợ chồng trong tương lai. Ngoài các xu hướng và giá trị văn hóa đang nổi lên, một số tập quán, tín ngưỡng và giá trị truyền thống cũng làm suy yếu sức mạnh và khả năng phục hồi của quan hệ hôn nhân và hôn nhân.
|
CÁC TẬP QUÁN TIÊU CỰC
Các giá trị gia đình và hôn nhân gia đình không chỉ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng văn hóa mới nổi gắn với các quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, mà còn bị ảnh hưởng bởi các tập quán truyền thống có tính chất tiêu cực, có sự phân biệt đối xử sâu sắc về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội như tảo hôn, mang thai sớm, hôn nhân không đăng ký kết hôn...
Hiện tượng tảo hôn (hôn nhân trước 18 tuổi) vẫn còn tồn tại. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5%, 18,1%. Những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là nghèo đói, bảo vệ trẻ em gái, danh dự gia đình… Mặc dù, các quốc gia đều có luật quy định về hôn nhân, về độ tuổi tối thiểu và sự đồng ý, không áp dụng cho hôn nhân truyền thống. Theo Báo cáo của UNICEF năm 2001 cho biết, nhiều trẻ em gái và một số ít hơn trẻ em trai bước vào hôn nhân mà không được thực hiện quyền lựa chọn đối tượng kết hôn, dẫn đến việc sinh con sớm, tạo ra nguy cơ sức khỏe cao hơn cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như hạnh phúc của gia đình và xã hội. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, phụ nữ chưa thành niên sinh con chiếm tỷ trọng 3,3‰, trong đó cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7‰), cao hơn 8,5 lần so với vùng đồng bằng Sông Hồng (1,1‰). Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con cao thứ hai (6,8‰). Tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con ở khu vực nông thôn là 4,2‰, cao hơn ba lần so với khu vực thành thị (1,3‰)(4). Việc mang thai sớm có thể gây ra những hậu quả có hại cho cả bà mẹ trẻ và thai nhi.
Hiện tượng hôn nhân không đăng ký kết hôn hiện đang có xu hướng phổ biến. Trên thực tế, hiện tượng này được coi là có hại cho hạnh phúc gia đình vì không được đăng ký chính thức và không ràng buộc về tài chính đối với người chồng. Hôn nhân khẩn cấp cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại cho người vợ, vì không có quyền hợp pháp để xin ly hôn. Phụ nữ phải đối mặt với sự miệt thị của xã hội; trẻ em có địa vị pháp lý trong xã hội không rõ ràng, hoặc không được thừa nhận; những gia đình phải chịu sự kỳ thị của xã hội về cuộc hôn nhân thất bại hoặc bị bỏ rơi.
Phạm Gia Cường/TG
__
(1) Cliquet, R: Major trends affecting families in the new millennium - Western Europe and North America”, A background document, UN programme on family, UNDESA, 2003.
(2) Yamazhan T. et al: Attitudes towards HIV/AIDS and other sexually transmitted diseases in secondary school students in Izmir, Turkey: changes in time, Tropical Doctor, 2007.
(3) Wilcox, B and Cavallé, C: The Sustainable Demographic Dividend: What Do Marriage and Fertility Have to Do with the Economy? Retrieved December 15, 2016, tr.12, from http://sustaindemographicdividend.org/.
(4) Tổng cục Thống kê: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Liên kết website
Đang truy cập: 85
Hôm nay: 24,484
Hôm qua: 24,142
Tháng hiện tại: 208,588
Tháng trước: 799,455
Tổng lượt truy cập: 8,586,984