Tiếp tục đổi mới công tác thông tin đối ngoại góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII
Chủ nhật - 18/04/2021 21:5221120
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác TTĐN đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc triển khai đường lối đối ngoại. Các thành tựu của công tác đối ngoại và TTĐN đã góp phần quan trọng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp. Đặc biệt, trong năm cuối nhiệm kỳ, cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những biến động của tình hình thế giới và khu vực đã tác động trực tiếp đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại (TTĐN) trong cả nhiệm kỳ Đại hội XII và nhất là trong năm 2020. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai tích cực, chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Quan hệ đối ngoại cả trên bình diện song phương và đa phương được mở rộng, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững hơn. Hoạt động hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, chủ động, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. “Vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao”(1).
Góp phần tích cực vào thành công của công tác đối ngoại, công tác TTĐN đã có những bước chuyển mạnh mẽ, nỗ lực đổi mới cả về nội dung, phương thức, lực lượng triển khai. Đáng chú ý, nhận thức sâu sắc về tác động của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 và những biến đổi của truyền thông quốc tế, công tác TTĐN đã ngày càng vận dụng hiệu quả các hình thức tuyên truyền mới trên nền tảng công nghệ số. Theo đó, công tác TTĐN nhiệm kỳ Đại hội XII đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tăng cường đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng; tích cực tuyên truyền các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các sự kiện trọng đại của đất nước, góp phần nêu bật chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; theo dõi sát dư luận về Việt Nam, kịp thời định hướng và cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, chú trọng công tác tuyên truyền thành quả phân giới cắm mốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chủ động, sáng tạo trong tranh thủ phóng viên nước ngoài, truyền thông quốc tế; chủ động đổi mới, sáng tạo triển khai các hình thức thông tin phong phú, đa dạng, tận dụng tối đa công nghệ truyền thông hiện đại trên nền tảng Internet, kỹ thuật số; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động triển khai hiệu quả công tác TTĐN tại các địa bàn trên toàn thế giới.
Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác TTĐN đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc triển khai đường lối đối ngoại. Các thành tựu của công tác đối ngoại và TTĐN đã góp phần quan trọng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Hòa bình, hợp tác, và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang gặp nhiều trở ngại, thách thức. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, các vấn đề an ninh phi truyền thống là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ngay từ những tháng đầu của năm 2021 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thế giới và khu vực tiếp tục có những biến động sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung có những căng thẳng mới. Các nước lớn cũng như nhiều quốc gia ở khu vực tiếp tục điều chỉnh chiến lược, triển khai tập hợp lực lượng ngày càng linh hoạt, phức tạp. Mặc dù vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của thế giới, là sự kỳ vọng phục hồi hậu đại dịch COVID-19, song châu Á - Thái Bình Dương cũng có những điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tại Đông Nam Á, bên cạnh những thách thức mà ASEAN phải đối mặt lâu nay, bất ổn ở Myanmar đang tạo ra những hệ lụy tác động đến hình ảnh, sự đoàn kết, mối quan hệ giữa Hiệp hội và các đối tác lớn. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, “sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới và nhiệm kỳ Đại hội XII đã tạo nền tảng quan trọng để định vị Việt Nam trong một thế giới đang có nhiều biến động to lớn. Đặc biệt, những thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam tạo cơ hội hiếm có cho công tác tuyên truyền, quảng bá đất nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam. Công cuộc phòng chống dịch trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới với nỗ lực nghiên cứu, triển khai tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công nghệ thông tin phát triển nhanh, đặc biệt truyền thông mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế với lợi thế về tốc độ, hàm lượng thông tin, khả năng tiếp cận và thu hút công chúng. Lợi dụng bối cảnh không gian mạng phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục gia tăng xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có công tác đối ngoại.
Nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực, căn cứ vào thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Về mục tiêu, Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định rõ “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(2). Theo đó, mọi hoạt động đối ngoại đều phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu tối cao. Tuy nhiên, trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc theo đuổi lợi ích quốc gia vị kỷ sẽ chỉ mang lại căng thẳng, đối đầu. Hơn thế nữa, với thế và lực của nước ta, việc coi trọng luật pháp quốc tế, xét đến cùng cũng là phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia - dân tộc.
Về nhiệm vụ đối ngoại, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(3). Theo đó, nhiệm vụ trọng yếu của đối ngoại là đi tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy; đồng thời, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, huy động mọi nguồn lực về vốn đầu tư, thị trường, khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó chú ý “giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”(4). Thực tiễn 10 năm triển khai hội nhập toàn diện (từ Đại hội XI của Đảng) đã chứng minh tầm quan trọng của hội nhập quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng cho thấy tính cấp thiết của việc “gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước”(5).
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho công việc chung của khu vực và thế giới. Các hoạt động quốc tế quan trọng như Năm APEC 2017, WEF- ASEAN 2018, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019, Năm ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA-41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… đã chứng minh năng lực của Việt Nam trong việc đảm đương các trọng trách quốc tế. Đồng thời, việc tham gia, phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam, qua đó củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hỗ trợ thu hút nguồn lực phát triển đất nước. Báo cáo chính trị Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh, làm rõ hơn vai trò của đối ngoại đa phương, theo hướng “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết”(6).
Về lực lượng đối ngoại, Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(7). Cụ thể hơn, về con người, phải “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”(8). Căn cứ thế và lực của đất nước, nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới, Đại hội XIII đã có chủ trương nâng tầm lực lượng, cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các ngành, các cấp theo hướng hiện đại, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để phục vụ hiệu quả việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII với nhiều điểm mới nêu trên, công tác TTĐN cũng cần được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, đổi mới theo hướng hiện đại. Đặc biệt, lực lượng làm công tác TTĐN cần nhanh chóng thích ứng với các xu hướng truyền thông, thông tin trên thế giới trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang có những tác động mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Trước mắt và trong thời gian tới, công tác TTĐN cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có nội dung về đối ngoại. Các ngành, các cấp cần nhận thức sâu sắc, sáng tỏ các điểm mới của đường lối đối ngoại Đại hội XIII cả về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, lực lượng. Trong đó, đáng chú ý là tính toàn diện, hiện đại của đối ngoại trong tình hình mới. Đồng thời, cần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII thành chính sách đối với các đối tác, vấn đề đối ngoại cụ thể, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để củng cố đồng thuận xã hội, tăng cường sự ủng hộ và niềm tin của nhân dân trong triển khai chính sách đối ngoại cụ thể.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam trong hội nhập quốc tế; những sáng kiến, đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương; các hoạt động đối ngoại cấp cao của Việt Nam như các chuyến thăm cấp cao song phương, tham dự các Hội nghị đa phương của Lãnh đạo cấp cao; thành tựu đạt được với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; vai trò và các đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN và Liên Hợp quốc nói riêng và trong các vấn đề khu vực cũng như quốc tế nói chung.
Qua đó, khẳng định uy tín quốc gia, vị thế đất nước trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu kịp thời trong chỉ đạo định hướng tuyên truyền. Trên cơ sở đó, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong các vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quan hệ với các đối tác lớn.
Thứ tư, phát huy tính chủ động, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, đặc biệt là phương thức truyền thông mới trên nền tảng Internet, mạng xã hội, không gian mạng. Tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài và hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, văn hóa, thông tin, báo chí Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh vận động và tranh thủ lực lượng phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam cũng như báo chí quốc tế đưa tin về Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiều chủ trương quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó đường lối đối ngoại được xác định với nhiều điểm mới, phù hợp với thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều biến động. Việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, phục vụ công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ mới, công tác TTĐN cần tiếp tục phát huy các thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII, tận dụng các cơ hội truyền thông, vượt qua thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo cả về nội dung, phương thức và lực lượng. Qua đó, lan tỏa sâu rộng các chủ trương đối ngoại của Đảng ta cả ở trong nước và trong cộng đồng quốc tế, khẳng định đường lối, quan điểm đối ngoại của Việt Nam về các vấn đề quốc tế là phù hợp với xu thế và các giá trị chung của nhân loại tiến bộ. Từ đó, huy động hiệu quả sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn phát triển mới./.
TS. Lê Hải Bình (*) - ThS Nguyễn Hoàng Duy (**)
* Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại
** Bộ Ngoại giao
(TG)
__________________________________________
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr. 70; 161-162; 162; 165; 164; 164; 162; 165.