Phát huy vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong việc tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ ba - 22/02/2022 02:56 1355 0
Qua 92 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta nhờ kết hợp được chủ nghĩa Mác - Lênin với tình hình thực tế nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng lợi trong công tác”. Theo Người: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình nước ta”[1]. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
11
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, cố tình tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như trong toàn xã hội, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để thực hiện ý đồ, các thế lực thù địch muốn dẫn dắt và đi đến mục tiêu nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự công kích này ngày càng quyết liệt hơn bởi sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mạng xã hội. Chính vì vậy, việc tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch từ đội ngũ giảng viên lý luận chính trị sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã đề ra.

Xuất phát điểm từ kiến thức về lý luận, giảng viên lý luận chính trị luôn được rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước,… từ đó vận dụng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp đến người học hiểu được bản chất cách mạng, khoa học và vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, hướng người học vận dụng những kiến thức này vào thực tiễn công tác, soi chiếu vào các hiện tượng xã hội, tình hình kinh tế - chính trị để đối chiếu và đúc kết. Đó chính là lý luận cơ bản, nền tảng để hình thành bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phương pháp tư duy khoa học trong nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp hình thành những kỹ năng, thái độ cần thiết cho người học trong quá trình nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Song, trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi lực lượng giảng viên lý luận chính trị bằng năng lực, phẩm chất, trí tuệ của mình, phát huy hơn nữa vai trò tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thông qua các giải pháp sau:

Thứ nhất, trong quá trình giảng dạy lý luận, cần tiếp tục khẳng định rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận và phương pháp luận chặt chẽ, là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, cung cấp cho con người công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới; chỉ ra bản chất những quy luật kinh tế chủ yếu hình thành, phát triển và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội không có áp bức, bất công, vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người; quy luật chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và phương thức xây dựng xã hội mới, lực lượng chuyển biến đó là giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân…”
[2].   

Đảng Cộng sản Việt Nam và thành quả cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo đất nước bằng cương lĩnh chính trị, bằng đường lối; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ hai, cần xác định đúng đối tượng đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đến người học.

Đối tượng đấu tranh, phản bác gồm: chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch trong các nước tư bản chủ nghĩa, giới nghiên cứu lý luận phục vụ chính giới của các nước này; các phần tử phản động chống đối Đảng, chống đối chế độ, người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài có hận thù với cách mạng Việt Nam; các phần tử cơ hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất; một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức sai lệch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình đất nước hiện nay cũng như lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng.

Thứ ba, vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại nhằm làm sáng tỏ tính lý luận với thực tiễn sinh động được đúc kết để đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc.

Giảng viên cần phát huy kỹ năng trong quá trình giảng dạy, nếu chỉ đơn thuần truyền đạt lý luận, lý thuyết một chiều, thiếu tính thực tiễn để lập luận, chắc chắn sẽ mang lại sự nhàm chán, không thuyết phục được người học và sẽ không đạt được mục tiêu. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, mỗi luận điểm cần đi từ hiện tượng đến bản chất, phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, chân thực, lịch sử cụ thể, gắn với điều kiện thực tiễn từ người học để làm sáng tỏ vấn đề. Kiến thức về lý luận gắn với thực tiễn thường nhật sẽ giúp cho người học hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học, nắm bắt được bản chất, nội dung, phân tích, lý giải được vấn đề,… và áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, khi gợi mở từ thực tiễn, giảng viên cần chọn lọc, bám sát hiện tượng, phân tích lý giải luận điểm theo mức độ nhất định, tránh bị lôi cuốn, lạm dụng và đi quá xa vấn đề, bởi giảng viên có vai trò là người tuyên truyền lý luận, định hướng mục tiêu để góp phần tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ tư, giảng viên lý luận luôn giữ lập trường kiên định, tư tưởng kiên quyết và tư duy sắc bén trong đấu tranh với các hoạt động chống phá Đảng.

Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và chính trị; cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp về ý thức hệ. Trong quá trình đấu tranh, phải luôn tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng; có quan điểm rõ ràng, thái độ dứt khoát, phân biệt rõ đúng sai; không dung hòa, thỏa hiệp hay nhượng bộ trong bất kỳ tình huống nào; sử dụng tư duy sắc bén, lập luận khoa học chặt chẽ để chứng minh, bác bỏ một cách thuyết phục đối với các luận điệu, tư tưởng chống phá của các thế lực phản động, thù địch; vạch trần bộ mặt của những kẻ phản động, cơ hội, bất mãn chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan diểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…. điều này luôn là bản chất của người giảng viên lý luận chính trị.

Thứ năm, trong bối cảnh kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc tham gia đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực thù địch không đơn thuần sử dụng các phương tiện truyền thống mà giảng viên lý luận cần phải biết tận dụng tối đa mạng xã hội như Facebook, Google, Youtube, các công cụ tiện ích như Chat, phản hồi thông tin (comment) trên mạng để góp phần định hướng dư luận. Sử dụng phương pháp tham gia ý kiến, bình luận các nội dung, viết bài trên mạng xã hội cần thể hiện rõ lập trường chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những giá trị nhân văn, văn hóa tích cực, sự yêu thương, chia sẻ; thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng thuận của xã hội, của khối đại đoàn kết dân tộc; giới thiệu những tấm gương điển hình, tiêu biểu của của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong từng nhiệm vụ và trong cuộc sống. Với tư cách là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những giảng viên lý luận chính trị có điều kiện tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đối tượng người học. Cũng quá trình ấy, giảng viên có điều kiện chia sẻ quan điểm, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch đến học viên và cả cộng đồng. Vì vậy, thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình, mỗi giảng viên lý luận chính trị sẽ đóng góp tích cực vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay.
                                      
          Nguyễn Thị Kim Thoa
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

[1]. Hồ Chí Minh, toàn tập (tập 11, trang 92), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
 
[2].  Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.        

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 73

Hôm nay: 12,794

Hôm qua: 16,892

Tháng hiện tại: 392,724

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,103,041

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây