Đang truy cập: 70
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 405,259
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,115,576
- Đang truy cập70
- Hôm nay19,435
- Tháng hiện tại405,259
- Tổng lượt truy cập10,115,576
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua của giới Công thương Việt Nam là bộ phận không tách rời trong tư tưởng thi đua ái quốc của Người; thể hiện tình cảm và sự ghi nhận đặc biệt của Bác đối với tầng lớp doanh nhân, thương nhân Việt Nam, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, vì sự phồn vinh và phát triển bền vững đất nước.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA CỦA GIỚI CÔNG THƯƠNG
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của giới Công thương Việt Nam trong hoạt động thi đua yêu nước.
Ngay trong Chánh cương vắn tắt của Đảng năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Đây là tư tưởng nền tảng để đánh giá, ghi nhận vai trò giới Công thương Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng sau này; định hướng cho việc tập hợp, đoàn kết giới Công thương Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc nước, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới Công thương, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Trong Tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp trang trọng tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới Công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới Công thương, ngày 13/10/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các giới Công thương Việt Nam, động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người được xem như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với giới Công thương. Trong bức thư, chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ gọi giới Công thương là “các Ngài”. Người đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: Cùng các Ngài trong giới Công thương. Người viết: “Được tin giới Công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”(2). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ: giới Công thương Việt Nam là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của Công thương cứu quốc đoàn - một thành viên của mặt trận Việt Minh, nằm trong của hệ thống chính trị của Việt Nam. Sự khẳng định này là cơ sở quan trọng cho việc kêu gọi, tập hợp, tổ chức giới Công thương Việt Nam tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, để “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”(3).
Thứ hai, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho giới Công thương Việt Nam trong phong trào thi đua ái quốc.
Về nhiệm vụ thi đua của giới Công thương, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của giới Công thương. Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”(4). Ở vị trí người đứng đầu Chính phủ, Người đã nhìn nhận, đánh giá đúng khả năng, tiềm lực và tinh thần yêu nước của giới Công thương Việt Nam. So với các ngành, các giới khác, công thương có sẵn tiềm lực về tài chính, luôn nhanh nhạy, đi đầu về làm ăn kinh tế; do đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế, tài chính vững vàng không ngành nào, giới nào có thể thực hiện tốt hơn giới Công thương. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, giới Công thương phải tập trung “thi đua mở mang doanh nghiệp”, phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề trong khả năng và được chính phủ cho phép. Sau này, trong tác phẩm Mấy kinh nghiệm của Trung Quốc mà chúng ta nên học, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “So sánh số người và tiền bạc, thì giới Công thương Trung Quốc nhiều hơn giới Công thương Việt Nam ta. Nhưng so sánh sự hiểu biết và tinh thần yêu nước, thì giới Công thương ta chắc không chịu thua kém giới Công thương Trung Quốc”(5). Do đó, biết phát huy, giao nhiệm vụ cụ thể, chắc chắn giới Công thương Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong công cuộc thi đua, kiến thiết đất nước.
Về mối quan hệ giữa công việc của giới Công thương và sự nghiệp của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”(6). Xác định việc nước việc nhà phải đi đôi với nhau - đó là lời dạy, lời “giao nhiệm vụ” rất quan trọng của Bác đối với giới Công thương Việt Nam trong sự nghiệp làm giàu, trong phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Hoạt động kinh doanh của các nhà công thương nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với sự trường tồn của dân tộc. Kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng thì đất nước giàu mạnh. Ngược lại, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng thì kinh doanh công thương thịnh vượng. Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của giới Công thương là đem vốn vào làm những việc ích quốc lợi dân.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi giới Công thương đoàn kết lại để thi đua làm những công việc ích nước, lợi dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao. Bên cạnh việc đánh giá cao vị trí, vai trò và giao nhiệm vụ thi đua cho giới Công thương, Người còn kêu gọi giới Công thương Việt Nam phải luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau để thi đua làm những công việc ích nước, lợi dân. Người khẳng định, “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”(7). Cùng với sự tận tâm giúp đỡ bằng mọi cách khác nhau của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, điều quyết định chính là ở bản thân giới Công thương. Người luôn căn dặn giới Công thương phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới... Phải phát huy sáng kiến, tăng cường kỉ luật lao động, phải nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm, phải dân chủ, phải công khai. Người cũng thẳng thắn phê phán “bệnh” hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Đồng thời, Người căn dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu, phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất.
Tựu chung lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ thi đua của giới Công thương là một tư tưởng chiến lược cơ bản, lâu dài phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Với tư tưởng này của Người, “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(8).
|
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA ÁI QUỐC CỦA GIỚI CÔNG THƯƠNG
Hiện nay, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc của giới Công thương Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị; định hướng việc xây dựng, phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp ở nước ta.
Trước hết, ghi nhớ lới dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ mới, để phát triển và đứng vững, mỗi doanh nhân Việt Nam phải luôn đề cao đạo đức kinh doanh.
Đạo đức ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là làm những việc vừa mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của mình và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Để làm được điều đó, mỗi doanh nhân phải không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, bởi trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa, của cách mạng cộng nghiệp 4.0, nếu không có trí tuệ doanh nhân khó có thể cạnh tranh thành công và sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải giải quyết những vấn đề lớn. Doanh nhân phải có bản lĩnh chấp nhận những rủi ro và dám vượt qua khó khăn. Đi liền với “tài”, mỗi doanh nhân cần nêu cao chữ “đức” để làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước; dám chống lại những hiện tượng phản văn hóa, phản đạo đức trong kinh doanh.
|
Hai là, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, tuy nhiên, hiệu quả trong thực tế chưa cao. Theo đó, thời gian tới, để thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao”. Đồng thời, triển khai hiệu quả những định hướng tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở, các chính sách cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp… Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chung tay cải cách thủ tục hành chính; kiên quyết loại bỏ “lợi ích nhóm” vì lợi ích quốc gia để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải chú trọng đổi mới quản trị doanh nghiệp; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh; cạnh tranh lành mạnh và phát huy tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Tư tưởng Hồ Chủ tịch về thi đua ái quốc của giới Công thương Việt Nam như một lời hiệu triệu, đã tạo được lòng tin, sự đồng thuận cao; từ đó khích lệ phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của giới Công thương cả nước. Những tư tưởng của Người vẫn giữ nguyên giá trị, mãi là “kim chỉ nam” soi đường cho quá trình phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay. |
Ba là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 Đảng ta xác định phải tập trung: “Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”(9). Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là giải pháp chiến lược để thực hiện chủ trương đó. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Doanh nhân Việt Nam hội nhập và phát triển” nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; phát huy tính sáng tạo, tích cực của người lao động, tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người lao động, tăng tích tụ vốn, nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm nhập siêu, góp phần tăng thu ngân sách, từng bước khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đồng hành cùng hoạt động thi đua của doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững; tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.
TS. Nguyễn Quang Tạo
Học viện Chính trị
---------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 2, tr.2.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 4, tr.53.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 5, tr.556.
(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 4, tr.53.
(5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 11, tr.460.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 4, tr.53.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 4, tr.53.
(8) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 5, tr.557.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. I, tr.114.
Liên kết website
Đang truy cập: 70
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 405,259
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,115,576