Một số điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021

Thứ ba - 25/05/2021 20:58 926 0

Một điểm mới, đáng chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, trực tiếp thực hiện ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn; công tác đề thi; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính; công tác thanh tra, kiểm tra.

2
Ảnh minh họa
NHÌN LẠI CÁC KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT GIAI ĐOẠN 2015-2020

Thực hiện mục tiêu đổi mới thi tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, từ năm 2015 đến năm 2020, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia đã có nhiều kết quả nổi bật.

Đó là khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch… diễn ra trong nhiều năm do thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”. Cách thi đổi mới yêu cầu học sinh phải học toàn diện để có thể dự thi đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Công tác tổ chức thi đã gọn nhẹ hơn, thí sinh không phải dự thi nhiều đợt thi như trước đây; giảm áp lực, tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội. Kết quả Kỳ thi được phản ánh trung thực chất lượng giáo dục các địa phương và cả nước, làm cơ sở cho định hướng và giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng dạy, học. Kết quả tuyển sinh cũng được phân tích, đánh giá để cung cấp thêm thông tin hữu ích cho công tác đào tạo, cung ứng nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực, kinh nghiệm tổ chức kỳ thi của các địa phương ngày càng được nâng lên.

Từ năm 2014 trở về trước, hằng năm, nước ta có 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có quy mô lớn, được tổ chức đồng loạt, liên tiếp, riêng rẽ, cách nhau một tháng với cùng nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Số lượng thí sinh lớn, thời gian thi dài đã tạo ra áp lực thi cử lớn cho thí sinh, gia đình, địa phương. Điều này cũng dẫn tới việc học lệch, luyện thi, học tủ và nhiều rủi ro cho học sinh phải đăng ký thi ĐH trước khi thi vì không biết điểm của mình và điểm của trường.

Từ năm 2015, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ; với 2 cụm thi (cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh có nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ và cụm thi tại tỉnh dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp). Các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh có thể lấy kết quả thi THPT và học bạ hoặc tổ chức thi riêng để tuyển sinh. Số môn thi gồm 8 môn, trong đó, các môn tự luận là Toán, Ngữ văn, Địa lí, Lịch sử; các môn trắc nghiệm là Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Nội dung đề thi gồm 2 phần: phần cơ bản để xét tốt nghiệp, phần nâng cao để xét tuyển sinh. Tỷ lệ điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là 50/50.

Phương thức thi này có ưu điểm: tổ chức thi nhẹ nhàng hơn trước; giảm áp lực thi cử đối với học sinh, xã hội; giảm áp lực ở thành phố lớn; giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Thí sinh biết điểm trước mới đăng ký nguyện vọng nên tăng cơ hội học đúng nguyện vọng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thí sinh phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, gây khó khăn nhất định cho thí sinh và gia đình thí sinh. Thời gian thi còn diễn ra dài (thi 8 môn trong 4 ngày). Công tác chấm bài chưa thật đảm bảo khách quan, nhất là chấm thi tự luận. Việc Bộ Giáo dục và đào tạo “độc quyền” công bố kết quả thi gây hệ quả nghẽn mạng và sự không đồng tình trong dư luận xã hội.

Năm 2016, phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm tiếp tục có điều chỉnh về cách thức tổ chức thi tại tỉnh. Các trường ĐH và sở Giáo dục và đào tạo địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công chủ trì 2 loại cụm thi. Đó là cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh có nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ và cụm thi tại tỉnh dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp. Các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh có thể lấy kết quả thi THPT hoặc và học bạ hoặc tổ chức thi riêng để tuyển sinh. Số môn thi và nội dung đề thi giống như năm 2015. Tỷ lệ điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: 50/50.

Phương thức này có ưu điểm tổ chức kỳ thi tới tận các huyện, tạo thuận lợi cho học sinh và gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhược điểm như những năm trước. Việc duy trì 2 loại cụm thi còn gây tâm lý băn khoăn về sự công bằng trong tổ chức thi và kết quả thi. Thời gian thi vẫn kéo dài (vẫn giữ 8 môn trong thi trong 4 ngày). Việc chấm bài chưa thể đảm bảo tính khách quan. Quy chế và phần mềm xét tuyển ĐH gây tắc nghẽn, bức xúc ở một số trường ĐH vào ngày cuối thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Từ năm 2017, phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia có nhiều điểm khác hơn so với năm 2015 và năm 2016. Chỉ còn duy nhất 1 cụm thi tại mỗi tỉnh do sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, các trường ĐH, CĐ được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công phối hợp làm nhiệm vụ phối hợp. Số môn thi được đổi mới theo bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội); trừ bài thi Ngữ văn là hình thức tự luận, các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh trong một phòng thi có 1 mã đề thi riêng. Nội dung đề thi vẫn gồm phần cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp và phần nâng cao để phục vụ xét tuyển sinh. Tỷ lệ điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: 50/50. Các trường ĐH có nhu cầu sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh tự nguyện thành lập theo nhóm trường để sử dụng chung một phần mềm xét tuyển.

Phương thức này có ưu điểm hơn so với năm 2015 và năm 2016, thể hiện ở thời gian tổ chức ngắn, nhẹ nhàng hơn. Cơ bản giảm được áp lực xã hội. Hạn chế tối đa tiêu cực trong khâu coi thi, chấm thi và thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn trường vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, vẫn còn nhược điểm, thể hiện độ phân hóa của đề thi chưa cao, nhiều thí sinh đạt điểm cao mà vẫn không vào được trường ĐH mong muốn (chủ yếu nhóm trường thuộc ngành Công an, Quân đội và Y, Dược).

Từ năm 2918, phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia về cơ bản được tổ chức ổn định như năm 2017, được tổ chức nghiêm túc ở hầu hết các địa phương, đáp ứng về cơ bản mục đích, yêu cầu đổi mới thi và tuyển sinh. Đây là năm phát hiện về tiêu cực trong quá trình tổ chức thi gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội, nhất là ở các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới thi.

Năm 2019, phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia tiếp tục giữ ổn định cơ bản như năm 2018. Điể mới là, kỳ thi đã áp dụng một số giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thi như: quy định chặt chẽ hơn về kỹ thuật ở một số khâu trong quy trình tổ chức thi; sử dụng camera giám sát trong kỳ thi... Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao các trường ĐH chủ trì. Tỷ lệ điểm thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là 70/30.

Phương thức này có ưu điểm là giúp cho khâu tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, được dư luận xã hội đánh giá cao, bước đầu khôi phục lòng tin vào đổi mới thi và đổi mới giáo dục. Giảm tối đa tình trạng luyện thi, tiêu cực. Xây dựng được công nghệ chấm thi khá hoàn thiện và đẩy mạnh tự chủ đại học. Tuy nhiên, vẫn còn để xảy ra một số sai sót nhỏ về kỹ thuật trong khâu chấm thi trắc nghiệm.

Năm 2020, phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn giữ ổn định cơ bản như 2019; thời gian thi được rút ngắn xuống còn 2 ngày. Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để học lên bậc học cao hơn. Tăng cường vai trò của địa phương trong công tác tổ chức thi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác tổ chức thi tại địa phương mình, thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi (in sao đề thi, coi thi, chấm thi). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan để thanh tra thi tại địa phương). Bộ Giáo dục và Đào tạo cử các trường ĐH để thực hiện thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi.

Phương thức này có nhiều ưu điểm hơn so với năm 2018, 2019. Đó là, giảm tối đa tình trạng luyện thi, tiêu cực. Tăng cường tính tự chủ cho các địa phương. Tăng tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH trong công tác tuyển sinh. Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, được dư luận xã hội đánh giá cao, nhất là kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch, bệnh COVID ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy, thời gian chuẩn bị tổ chức kỳ thi bị rút ngắn, tạo áp lực lớn về mặt thời gian cho các đơn vị trong quá trình tổ chức chuẩn bị kỳ thi.

Nhìn chung, để thực hiện chủ trương đổi mới thi tuyển sinh, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia triển khai theo lộ trình 2015-2020 cơ bản đã đạt được mục tiêu đổi mới thi, tuyển sinh theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Việc thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau. Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện cho  thấy, việc thi cử đã trở nên gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, ngày càng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ.

Kế thừa những kết quả đạt được trong đổi mới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và thi tốt nghiệp THPT, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; ban hành theo thẩm quyền Quy chế thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; công bố đề thi tham khảo giúp giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập; xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi; rà soát, hoàn thiện Phần mềm quản lý thi, Phần mềm chấm thi trắc nghiệm; phối hợp với Bộ Công an tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi cho các địa phương; tổ chức hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021 với các cơ sở giáo dục đại học, các sở Giáo dục và đào tạo; chủ động dự kiến các phương án tổ chức kỳ thi trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp…. Tất cả nhằm chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ được an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh…

ĐIỂM MỚI CỦA KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2021

Một số điểm mới, đáng chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp thực hiện ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn; công tác đề thi; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính; công tác thanh tra, kiểm tra;

Thứ hai, tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương, theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi trên địa bàn.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.

Thứ tư, bổ sung môn tiếng Hàn vào danh mục các môn thi cho thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn tiếng Hàn xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trình độ CĐ, ĐH năm 2021.

Thứ năm, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 (đề thi tham khảo đã được công bố vào tháng 3/2021). Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 (năm học 2019-2020 và 2020-2021) sẽ không được đưa vào đề thi năm 2021.

Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra thi phù hợp với Luật Thanh tra và được tổ chức phù hợp nhưng hiệu quả.

Thứ bảy, đến nay, để đảm bảo tiến độ chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện xong các công việc như:

Tổ chức Hội nghị tập huấn quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thuộc Hệ thống phần mềm quản lý thi tốt nghiệp và tuyển sinh;

Chỉ đạo các sở giáo dục đào tạo tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sinh (từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 11/5/2021);

Công tác truyền thông, trực giải đáp các câu hỏi trong thời gian đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sinh được thực hiện qua điện thoại và email tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan với 63 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Hội nghị sẽ tiếp tục tinh chỉnh, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi trong tháng 5/2021 bảo đảm về số lượng, chất lượng để phục vụ công tác đề thi. Tiếp tục hoàn thiện nâng cấp phần mềm quản lý thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm trước khi đưa vào sử dụng;

Tổ chức các đoàn kiểm tra đến kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tại địa phương. Tổ chức tập huấn phần mềm chấm thi trắc nghiệm; đôn đốc, theo dõi việc triển khai các công việc chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tại địa phương. Hoàn thiện phương án thanh tra, kiểm tra và phương án trực tổ chức thi. Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để triển khai nhiệm vụ của Hội đồng ra đề thi. Tiếp tục triển khai truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức Kỳ thi. Chủ động xây dựng kịch bản, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT ứng phó với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. 

TS. Nguyễn Thanh Hà/TG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 45

Hôm nay: 12,890

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 375,928

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,086,245

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây