Rút bảo hiểm xã hội một lần: Người lao động tự làm mất đi chỗ dựa an sinh
Thứ hai - 10/05/2021 23:532960
Đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết, thời gian gần đây, tại BHXH tỉnh, số lượng người lao động đăng ký rút BHXH một lần tăng đột biến. Việc người lao động ồ ạt ra khỏi lưới an sinh xã hội khiến họ có nguy cơ mất chỗ dựa khi về già.
Gia tăng số người nhận BHXH một lần
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (BHXH tỉnh), thời gian gần đây, các cán bộ, nhân viên của đơn vị hầu như ngày nào cũng phải làm thêm giờ vì khối lượng công việc tăng lên, trong đó số người đăng ký rút BHXH một lần tăng 2-3 lần so với cùng thời điểm năm trước. Bà Nguyễn Thị Xuân Hoa, Phó Chánh Văn phòng BHXH tỉnh cho biết: Hiện tại, mỗi ngày đơn vị phải giải quyết từ 15-20 hồ sơ, trong khi trước kia, mỗi ngày chỉ khoảng 5 người lao động đăng ký rút BHXH một lần.
Cũng theo bà Hoa, phần lớn lao động trẻ rời làng quê đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhà máy ở các thành phố lớn và sau khi có vốn tích lũy thì trở về kiếm công việc ở quê nên họ đã rút BHXH một lần để lấy vốn đầu tư cho công việc mới. Mặt khác, thời điểm trước đây một năm là lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động mất việc, nguồn thu nhập bấp bênh nên nhiều người đã chọn rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Vợ chồng anh Đỗ Trọng Anh và chị Trần Thị Cẩm Giang (huyện Tuy An) có 3 năm 9 tháng làm việc tại một công ty sản xuất ghế sô pha xuất khẩu sang châu Âu tại Bình Dương. Tháng 3/2020, anh Anh nghỉ việc cùng vợ về nhà sinh con và do khó khăn vì dịch bệnh, đến nay họ vẫn ở lại quê chưa vào thành phố làm việc. Sau một năm nghỉ việc, anh Anh và vợ làm thủ tục để rút BHXH một lần.
“Tôi nghĩ sẽ không có nhiều người có thể làm công nhân đến 20 năm để được hưởng lương hưu. Bởi đây là công việc vất vả, cần nhiều sức khỏe. Vì lý do này nên hai vợ chồng tôi quyết định rút BHXH một lần để cùng với vốn tích lũy sẽ xây căn nhà, lấy vốn làm ăn và ổn định cuộc sống. Vợ chồng tôi vẫn còn trẻ, tiền BHXH cứ rút ra để lo công việc trước mắt, sau này làm ăn phát triển thì sẽ tích lũy cho tuổi già”, anh Anh chia sẻ.
Đừng để mất quyền lợi lâu dài
Việc rút BHXH một lần cho thấy, người lao động mới thấy được lợi ích trước mắt mà không tính đến việc sẽ mất đi nhiều quyền lợi lâu dài của chính sách BHXH. Ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định: BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước nhằm đảm bảo thay thế hoặc chia sẻ rủi ro từ các nguồn quỹ nhằm bảo vệ người lao động khi họ mất khả năng làm việc, giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.
Nếu rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được cấp miễn phí thẻ BHYT, gia đình không được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất theo quy định; bản thân người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cháu và xã hội.
Cũng theo ông Luận, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là của để dành của người lao động, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng để thực hiện chế độ an sinh khi người lao động không còn khả năng làm việc. Vì vậy, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập…), người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước.
Trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
Đề xuất “siết” điều kiện hưởng BHXH một lần vừa được nêu tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.