Đoàn khảo sát liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với tỉnh Phú Yên

Thứ ba - 14/05/2019 22:38 408 0
Sáng ngày 14/5/2019, Đoàn khảo sát liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
2
Quang cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Phú Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Phan Đình Phùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, tỉnh Phú Yên đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đến nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho một bộ phận lao động ở nông thôn, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa chú trọng công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đội ngũ giáo viên dạy nghề có lúc còn thiếu. Một số địa phương cơ sở vật chất, nhà xưởng thực hành giáo dục nghề nghiệp còn thiếu thốn; một số nơi chưa sử dụng hết hiệu quả các thiết bị dạy nghề vì không tuyển sinh được. Nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, chưa đầu tư nhiều cho đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Số lượng tuyển sinh đào tạo hằng năm còn thấp; người lao động ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo còn nhiều khó khăn về kinh tế, nơi ở cách xa cơ sở dạy nghề nên chưa tích cực học nghề. Chất lượng công tác đào tạo nghề của nhiều cơ sở dạy nghề chưa cao. Công tác xã hội hóa đào tạo nhân lực tay nghề cao còn hạn chế.

Nguyên nhân của hạn chế là do nhận thức về học nghề của một bộ phận người lao động chưa cao, chưa thấy được tầm quan trọng việc học nghề để có cơ hội việc làm ổn định, có tư tưởng chỉ muốn vào đại học, chạy theo bằng cấp. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa tốt, chưa thu hút học sinh vào các trường dạy nghề; các em học sinh THPT chưa chú trọng việc học nghề, công tác tuyển sinh học nghề khó khăn; nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế. Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn để tạo nhiều việc làm cho người lao động có tay nghề cao; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông; một số doanh nghiệp khác thu hẹp sản xuất, khó tuyển dụng người lao động qua đào tạo. Ngân sách dành cho công tác đào tạo nghề hằng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Các đại biểu tham dự tại buổi làm việc đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách dạy nghề và quy định trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc đào tạo nghề và sử dụng lao động sau đào tạo nghề.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn khảo sát nắm tình hình tại địa phương; mặc dù tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực, chi ngân sách, điều kiện phát triển kinh tế, thị trường lao động, đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào địa phương còn hạn chế, nhưng tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là công tác triển khai phổ biến, quán triệt cũng như xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, đáp ứng được yêu cầu của Trung ương; tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức xã hội về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được tăng cường; mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh phát triển tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh…

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 37-CT/TW, đồng chí Nguyễn Hồng Minh yêu cầu thời gian đến, tỉnh Phú Yên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của đào tạo nhân lực có tay nghề cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Võ Lum






 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây