Không chỉ cảnh giác với COVID-19

Chủ nhật - 11/07/2021 21:05 251 0

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương ở Phú Yên, công tác phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các bác sĩ lưu ý người dân về một số bệnh không lây nhiễm nhưng rất nguy hiểm. Ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo, bà con cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2
Bên cạnh chủ động phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần lưu ý đến một số bệnh không lây nhiễm nhưng rất nguy hiểm. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trường hợp ở huyện Tây Hòa. Ảnh: ĐỖ QUYÊN

Không chủ quan trước những dấu hiệu bất thường

Theo các chuyên gia y tế, hai căn bệnh nguy hiểm mà người dân không được phép chủ quan là tai biến mạch máu não (đột quỵ) và nhồi máu cơ tim. Người bị tai biến mạch máu não có những dấu hiệu rất đặc trưng, như: chóng mặt, đau đầu, tê - yếu tay chân, méo miệng, nói đớt, hôn mê, co giật... Đây là những dấu hiệu không khó để nhận biết, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bởi tế bào não sẽ chết nếu thiếu oxy chỉ trong vòng vài phút. Vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng có thể gây tử vong cho bệnh nhân hoặc để lại di chứng nặng nề.

Nhồi máu cơ tim có triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ngực (có thể đau kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện), ngoài ra bệnh nhân còn cảm thấy khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, chóng mặt, tim đập nhanh…

Tuy nhiên, không phải lúc nào bệnh nhồi máu cơ tim cũng báo hiệu bằng cơn đau thắt ngực dữ dội. BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Có những trường hợp bị nhồi máu cơ tim nhưng triệu chứng không rõ ràng, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau ran ran ở ngực, thường gặp ở những người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường. Có người bị đau ở vùng thượng vị, dễ nhầm với đau dạ dày. Triệu chứng không rõ ràng nên bà con dễ chủ quan. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, bà con ngại đến bệnh viện, khi nặng quá gia đình mới đưa vào viện cấp cứu thì đã muộn”.

Nhồi máu cơ tim nếu không được kịp thời điều trị tái tưới máu nuôi cơ tim thì tế bào cơ tim sẽ chết. Đây là tình trạng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Nếu qua khỏi, bệnh để lại biến chứng suy tim.

Nhiều người cho rằng trong thời điểm này, các cơ sở y tế là nơi có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Nghĩ vậy nên cho dù có bệnh, bà con vẫn cố gắng chịu đựng hoặc tự làm… bác sĩ, mua thuốc uống. Nếu mắc phải căn bệnh nguy hiểm, lại không có triệu chứng rõ ràng, sự chủ quan, tự điều trị sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Thắt chặt “hàng rào” chống COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh, các cơ sở y tế ở Phú Yên càng thắt chặt “hàng rào” chống COVID-19, đặc biệt là sau khi bệnh nhân 13960 “lọt” vào Bệnh viện Đa khoa Phú Yên mà không hề có các triệu chứng của COVID-19, cũng chưa có thông tin dịch tễ nên không được phát hiện kịp thời (bệnh nhân này có tiền sử đái tháo đường - tăng huyết áp, vào viện lúc 23 giờ 55 ngày 21/6 do mệt, chóng mặt, nôn mửa, xét nghiệm đường máu cao, được chẩn đoán thiểu năng tuần hoàn não - tăng huyết áp - đái tháo đường, chuyển lên Khoa Nội Thần kinh - Nội tiết điều trị cho đến sáng hôm sau thì xuất viện). Không chỉ đánh giá lại các tiêu chí theo “Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp” của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm hướng dẫn đón tiếp, sàng lọc, khám bệnh, phân loại, cách ly người bệnh COVID-19 của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19…, các cơ sở y tế còn tăng cường rà soát, sàng lọc kỹ tất cả trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có dấu hiệu ho, sốt, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp... đến khám bệnh theo công điện của Bộ Y tế và công văn của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên.

ThS.BS Trần Anh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: Bệnh viện đã ban hành quy trình cụ thể, chặt chẽ ở từng vị trí, từng bộ phận theo quy định của Bộ Y tế để rà soát, sàng lọc kỹ; loại trừ các yếu tố nguy cơ lây nhiễm thì bệnh nhân được đưa vào khoa, phòng điều trị. Chốt sàng lọc được tăng cường nhân lực, trực 24/24, thực hiện test nhanh tại chỗ và hướng dẫn, phân luồng bệnh nhân. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo và người nhà cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của bệnh viện để phòng chống dịch.

Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên - nơi được chuyển chức năng thành khám bệnh chữa bệnh đa khoa để tiếp tục phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa và các địa phương khác - đang cảnh giác cao độ với COVID-19. BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc bệnh viện, cho biết: Đơn vị đã truyền thông cho cán bộ - viên chức làm việc tại bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện đúng, chặt chẽ những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, của UBND tỉnh, Sở Y tế… Nhân viên y tế thực hiện đúng 5K, liên tục cập nhật thông tin dịch tễ và sàng lọc kỹ, yêu cầu bệnh nhân đến khám phải khai báo y tế cụ thể, cam kết khai đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo y tế. Những ca nghi ngờ thì đưa vào khu vực riêng để khám, tránh nguy cơ lây nhiễm.

Sự cẩn trọng không bao giờ thừa, bởi hầu hết người nhiễm SARS-CoV-2 chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi… Đáng chú ý, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Tại Phú Yên, trong tổng số 483 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (tính đến sáng 11/7), có đến 447 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

YÊN LAN/PYO

 Từ khóa: COVID-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 77

Máy chủ tìm kiếm: 3

Khách viếng thăm: 74

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 388,684

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,099,001

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây