Đang truy cập: 81
Hôm nay: 13,823
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 376,861
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,087,178
- Đang truy cập81
- Hôm nay13,823
- Tháng hiện tại376,861
- Tổng lượt truy cập10,087,178
1. “Cách mạng” tinh gọn bộ máy
Năm 2018 đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy chính trị, tạo chuyển biến bước đầu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW được triển khai sâu rộng, tạo những bước đột phá quan trọng. Được ghi nhận là “ngọn cờ đầu” trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy năm 2018, Bộ Công an đã giảm được 6 tổng cục, hơn 60 cục nghiệp vụ, gần 300 đơn vị cấp phòng. 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành cũng đã được sáp nhập với công an tỉnh, thành phố. Ở địa phương, lực lượng giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Cùng với đó, tại các địa phương, nhiều sở, ngành cũng đã được sáp nhập, góp phần giảm tầng nấc trung gian trong điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy.
Có thể thấy, khí thế của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đã lan toả,sâu rộng, trở thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng và chắc chắn sẽ đem đến một luồng gió mới, tạo bước đột phá trong đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị.
2. Bước chuẩn bị nhân sự quan trọng cho Đại hội Đảng lần thứ XIII
Cũng trong năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ, trực tiếp hướng tới cán bộ cấp cao, chuẩn bị cho việc giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương khoá tới. Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên chọn người đủ đức, tài giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 9, Trung ương đã cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu gần 250 đồng chí để Trung ương lựa chọn, tiếp tục đào tạo, rèn luyện, kiểm tra, giám sát. Đây được xem là bước chuẩn bị rất quan trọng, là quy hoạch bước đầu cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII của Đảng. Việc hoàn thiện quy hoạch nhân sự sớm đã được triển khai với lộ trình rất cụ thể, với bước đi rất thiết thực để lựa chọn cho được những cán bộ xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương.
3. Quốc hội và những bước tiến dài vì lợi ích nhân dân
Kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục có những bước tiến đổi mới trên tất cả các mặt về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, ngày 23/10/2018, Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án, dự thảo luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học...
Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh; chất vấn việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng... Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không tiến hành theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà các đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan. Như vậy, chương trình rất “mở”, phạm vi chất vấn rất rộng, không bó hẹp theo nhóm vấn đề và không thể biết trước ai sẽ phải “ngồi ghế nóng”; qua đó, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước được cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời thấy rõ hơn quyết tâm trong thực hiện phương châm của Chính phủ năm 2018, đó là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
4. Hoạt động đối ngoại sôi động và hiệu quả
Năm 2018 khép lại với nhiều hoạt động đối ngoại sôi động trên tất cả các lĩnh vực.
Quan hệ song phương với các đối tác tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, hiệu quả. Nhiều chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao tới các nước láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng được thực hiện. Đồng thời, Việt Nam đã đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm như: Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (22-24/3); chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (11-12/9); chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (18-19/11)…
Cùng với những thành tựu nổi bật của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, các trụ cột quan trọng khác của ngoại giao Việt Nam như: Ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài... được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đáng chú ý, ngày 1/10, Việt Nam triển khai một đơn vị độc lập - Bệnh viện dã chiến cấp 2, được phiên chế 63 thành viên - tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Các hoạt động đối ngoại tích cực đã tiếp tục đưa nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế; đồng thời khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán và quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, góp phần tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Tiếp tục tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ
Quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, “không có vùng cấm” của Đảng thể hiện rất rõ trong năm 2018 khi hàng loạt cán bộ "nhúng chàm" bị xử lý nghiêm minh. Số cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật trong năm 2018 nhiều hơn và ở diện rộng hơn. Các đối tượng sai phạm dù là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, quân đội hay cán bộ quản lý các cấp… đều bị xử lý kỷ luật nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân. Qua đó, thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
6. Tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm qua
Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. (Ảnh: Việt Hà/dangcongsan.vn)
Bức tranh kinh tế nổi bật năm 2018 là hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch). Cụ thể, GDP tăng trưởng 7,08% - mức cao nhất trong 10 năm gần đây; xuất siêu đạt hơn 7 tỷ USD, với nhiều sản phẩm nông nghiệp được tăng cả về lượng và chất; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài hơn 19 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; thành lập mới 132.000 doanh nghiệp; cả nước đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế; lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%; chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh thế giới nhiều biến động...
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân được triển khai quyết liệt. Chính phủ kiến tạo trong những năm qua luôn hành động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển. Biểu hiện rõ nhất là nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư với hàng loạt các điều kiện kinh doanh đã được nhiều bộ, ngành cắt giảm.
7. Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP
Ngày 12/11/2018, Quốc hội khóa XIV thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
CPTPP là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay, gồm 11 nước tham gia với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu.
Hiệp định CPTPP sẽ được thực thi từ năm 2019 nhằm giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
8. Nhiều thành tựu trong y học
Ngày 12/12, kíp mổ với thành phần 100% các thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não. Đây là lần đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
Có thể thấy, Việt Nam hiện đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng và thường gặp trong lâm sàng, như: thận, tim, gan, tụy, phổi, tiến hành hơn 1.500 ca ghép mỗi năm với tỷ lệ thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Cùng với đó, năm 2018, Ngân hàng mô đầu tiên đã được khai trương tại Bệnh viện Việt-Đức. Đây là địa chỉ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng, trao đổi mô, nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
9. Di sản văn hóa của Việt Nam tiếp tục được UNESCO vinh danh
Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) của UNESCO tại Gwangju (Hàn Quốc), đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. “Hoàng Hoa sứ trình đồ” (Hành trình đi sứ Trung Hoa) của dòng họ Nguyễn Huy, tỉnh Hà Tĩnh là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Hoa trong thế kỷ XVIII, được đánh giá là một hồ sơ quý hiếm, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.
Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp cũng đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia.
Cũng trong năm 2018, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng UNESCO công nhận "Nghi lễ và trò chơi kéo co” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" cho đại diện 4 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Ninh và Hà Nội, nâng tổng số lên 12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
10. Bóng đá Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực
Năm 2018 đánh dấu một hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam với những kỳ tích vang dội trên đấu trường khu vực, thổi luồng sinh khí mới, tạo cú hích và động lực to lớn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam bắt đầu bằng việc trở thành Á quân Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra vào tháng 1/2018, tại Trung Quốc. Đội tuyển U23 Việt Nam đã vượt qua hàng loạt những đội bóng tên tuổi của bóng đá châu Á, trở thành Á quân của Giải.
Tháng 8/2018, cảm hứng từ Vòng chung kết U23 châu Á tiếp tục giúp Olympic Việt Nam nối dài thành công ở đấu trường Á vận hội (ASIAD 2018) khi giành vé vào tứ kết ASIAD 2018.
Cuối cùng, sau 10 năm chờ đợi, tháng 12/2018, đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup), khép lại một năm đầy thành công của bóng đá Việt Nam.
Với những kỳ tích vang dội trên đấu trường khu vực trong năm qua hứa hẹn mang đến tương lai sáng cho bóng đá Việt Nam, khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam trong khu vực./.
Liên kết website
Đang truy cập: 81
Hôm nay: 13,823
Hôm qua: 16,487
Tháng hiện tại: 376,861
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,087,178