Từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước.
Tại Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009, Bộ Chính trị đã đưa ra những căn cứ cụ thể để xem xét cho cán bộ thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức. Tuy nhiên, hơn 10 năm thực hiện, câu hỏi khi nào miễn nhiệm, từ chức trở thành việc làm bình thường trong công tác cán bộ, vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Kịp thời khắc phục vướng mắc, khó thực hiện, cung cấp những căn cứ rõ ràng hơn, phù hợp thực tiễn và những chỉ đạo mới của Đảng, Trung ương vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (Quy định 41).
Ngay sau khi Quy định được ban hành, nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng những bước đột phá. Quy định kế thừa và kết nối các quy định về công tác cán bộ, đồng bộ hóa giải pháp quản lý, sàng lọc cán bộ, tạo hành lang pháp quy để miễn nhiệm, từ chức sớm được thực thi hiệu quả, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị liêm chính.
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng
Miễn nhiệm, từ chức không phải là phạm trù mới, bởi đã được thể chế hóa bằng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, với việc ban hành quy định lần này, Trung ương đã hệ thống một cách chặt chẽ, có sự kế thừa và kết nối các quy định của Đảng từ trước về công tác cán bộ.
Theo PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với các nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, Quy định số 41 là sự thể chế hóa chủ trương của Đảng thành quy định cụ thể. Nội dung Quy định mới cô đọng, rõ ý, dễ hiểu, dễ triển khai, vận dụng. Cùng với các Quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm vừa được Trung ương ban hành, cán bộ, đảng viên có cơ sở để tin tưởng vào sự chuyển biến mới về tác phong, văn hóa lãnh đạo, quản lý. Quy định lần này mở đường cho ứng xử văn minh trong miễn nhiệm, từ chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phù hợp kỳ vọng của nhân dân.
Theo đồng chí Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, tại Quy định số 41, Bộ Chính trị đã quy định sáu căn cứ xem xét miễn nhiệm, và bốn căn cứ xem xét từ chức. Đây sẽ là cơ sở cụ thể để cấp có thẩm quyền thay thế nhanh hơn, sàng lọc ra khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm. Thời hạn cho quy trình xem xét theo quy định mới là không quá 15 ngày, chứ không kéo dài 30 ngày như Quy định số 260, cho thấy, từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Trung ương đặt yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ lên tầm mức cao hơn, đồng bộ hơn. Với Quy định 41, Trung ương đã cung cấp “công cụ” để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” phải trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ, như Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đề ra.
Nêu rõ tính cấp thiết của Quy định, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào những điểm đột phá, theo đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tư vấn các vấn đề văn hóa xã hội, quá trình đổi mới mang lại những thành tựu to lớn đồng thời cũng có tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ. Địa vị thường đi cùng với lợi quyền nên nảy sinh hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp,chạy luân chuyển... rất đáng lo ngại. Qua công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng cho thấy tình trạng cán bộ suy thoái về đạo đức, phẩm chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực còn rất phức tạp. Thế nhưng, công tác miễn nhiệm, từ chức hầu như chưa làm được bao nhiêu. Nhiều đồng chí phẩm chất, uy tín sa sút, năng lực hạn chế, không đảm nhiệm được chức vụ, vẫn tại vị. Vì vậy, cán bộ, đảng viên kỳ vọng với quy định mới, Đảng sẽ quyết liệt sàng lọc đội ngũ, để ai không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng công việc đứng sang một bên, nhường vị trí cho cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín có triển vọng phát triển.
Để miễn nhiệm, từ chức trở thành việc bình thường
Với đầy đủ căn cứ và quy trình như hiện nay, Quy định số 41 bổ sung công cụ cảnh tỉnh, cảnh báo thái độ, hành vi, tác phong của cán bộ. Tuy nhiên, giải pháp nào để miễn nhiệm, từ chức trở thành việc bình thường, hình thành ứng xử văn minh, văn hóa trong công tác cán bộ vẫn là điều cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị. Nhiều ý kiến đồng tình, trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ, thực chất công tác đánh giá cán bộ. Bởi theo Quy định, cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định hay có hai năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ thuộc đối tượng xem xét miễn nhiệm; hoặc có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp sẽ thuộc diện xem xét từ chức. Do đó, nếu không đánh giá chính xác, thường xuyên, liên tục, định lượng rõ ràng sẽ khó có cơ sở để xem xét miễn nhiệm, từ chức.
Theo PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa, để Quy định 41 phát huy giá trị, thúc đẩy nét văn hóa mới, ứng xử văn minh trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị cần thực hiện sinh hoạt, trao đổi, nhận thức thật sâu sắc, thực chất nội dung cốt lõi của Quy định. Trên cơ sở nhận thức, cần đặt việc thực hiện miễn nhiệm, từ chức đồng bộ với các quy định khác của Đảng về công tác cán bộ, như quy định về trách nhiệm nêu gương, về chống chạy chức, chạy quyền, về những điều đảng viên không được làm, về phòng, chống biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa... Và hơn hết, để miễn nhiệm, từ chức trở thành bình thường, hành vi văn minh trong lãnh đạo, quản lý thì cần có môi trường liêm chính, dân chủ, đoàn kết, thống nhất.
Chiêm nghiệm thực tế, đồng chí Nguyễn Túc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu giáo dục, rèn luyện đảng viên không đạt được cần, kiệm, liêm chính thì khi biết mắc sai lầm, khuyết điểm, không phải cán bộ nào cũng sẵn sàng từ chức. Trong một số trường hợp, trách nhiệm thuộc về tổ chức. Khi cán bộ được giao trách nhiệm, thẩm quyền về công tác cán bộ còn nghĩ đến lợi ích cá nhân thì công tác miễn nhiệm, từ chức còn gặp khó... Do đó, muốn quy định của Đảng đi vào cuộc sống, trước hết cần quan tâm trọng dụng người tài, đức ngay từ đầu. Lựa chọn cán bộ trước hết phải chọn người toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Song song quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, cần coi trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát, để người không đủ phẩm chất năng lực, uy tín không muốn cũng buộc phải miễn nhiệm, từ chức.
Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Một trong những điểm mới tại Quy định lần này, Trung ương bổ sung Điều 7 về căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu không chỉ bị xem xét miễn nhiệm, từ chức khi trực tiếp tham nhũng, tiêu cực, mà còn bị xem xét miễn nhiệm, từ chức khi cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Không thể có người đứng đầu vô can khi cấp dưới vi phạm.
Theo đồng chí Lê Văn Thái, quy định này cho phép hệ thống chính trị thực hiện tốt hơn văn hóa từ chức. Tuy nhiên, chỉ quy định thôi là chưa đủ, bởi quy định không thể điều chỉnh được mọi hành vi nếu cán bộ không tự rèn luyện, không đặt cao lòng tự trọng để tự soi, tự sửa và tự xin thôi giữ chức vụ khi không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Thực tế đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhưng không có quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm nên người đứng đầu vẫn tại vị. Với Quy định 41, nếu cán bộ không tự giác, cố tình giữ vị trí khi không còn đủ tín nhiệm sẽ vẫn bị miễn nhiệm.
Quy định 41 được ban hành đúng thời điểm, đồng bộ với các quy định, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng”, với Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương, trong đó, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ, sẽ là tiền đề, động lực để Quy định 41 sớm đi vào cuộc sống.
TIỂU PHƯƠNG/Nhân Dân