Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Thứ năm - 04/11/2021 22:56 238 0

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ này góp phần làm cho Nghị quyết số 35-CT/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, được triển khai rộng khắp, ngày càng đi vào thực chất và tiếp tục mang lại những kết quả tích cực trong thời gian tới.

11
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát tờ rơi tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân xã miền núi biên giới Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị_Ảnh: TTXVN

Vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở

Hệ thống chính trị Việt Nam được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các đơn vị công an... đóng trên địa bàn; là nơi thực tiễn diễn ra sinh động, nơi trực tiếp kiểm nghiệm tính đúng đắn trong đường lối, nghị quyết của Đảng. Do đó, cấp cơ sở “là địa chỉ cần phải tới, là cái đích cần đạt được của tất cả mọi hoạt động chỉ đạo chiến lược từ Trung ương tới địa phương”(1).

Theo cơ cấu của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được chia ra thành ba khối chủ yếu: Một là, khối cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc hệ thống tổ chức đảng; hai là, khối cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc cơ quan chính quyền; ba là, khối cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, có thể phân định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở bao gồm các vị trí công tác ở xã, phường, thị trấn, như bí thư và phó bí thư đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ tịch hội cựu chiến binh, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chủ tịch hội nông dân, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc các công ty, xí nghiệp, hiệu trưởng các trường học... trên địa bàn cơ sở. Như vậy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở giữ các vị trí trọng yếu nhất trong các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có nhiệm vụ quan trọng trong điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương trên địa bàn cơ sở; đồng thời, cũng chịu trách nhiệm trước tập thể và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ ở cương vị công tác được giao.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện ở mọi cấp. Do đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở cũng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ này; biểu hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có vai trò lãnh đạo, trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn. Thông qua việc hằng ngày làm việc, tiếp xúc với cán bộ, nhân dân, trực tiếp sinh hoạt cùng nhân dân nơi cư trú, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có thể nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn, bức xúc trong đời sống nhân dân; từ đó, có hướng giải quyết nhanh chóng, kịp thời, làm cho những mâu thuẫn đó không tích tụ, trở thành những “điểm nóng” để các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng. Đồng thời, căn cứ vào những yêu cầu thực tiễn đặt ra, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở chủ trì xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình hành động hoặc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến các cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tại cơ sở để mỗi người hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở cũng tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ này; giúp cho việc triển khai nghị quyết được thuận lợi, dễ dàng.

Thứ ba, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở tổ chức việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn. Tùy theo đặc điểm, tình hình của mỗi cơ sở, đơn vị, cán bộ lãnh đạo, quản lý xây dựng các lực lượng, vận động và tập hợp đông đảo quần chúng tham gia; đề ra các phương án và cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của từng lực lượng; huy động cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có hiệu quả.

Thứ tư, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn. Với chức trách, nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở tiến hành kiểm tra, giám sát các cá nhân, tổ chức, đoàn thể do mình phụ trách về việc thực hiện nhiệm vụ này để nhân rộng, phát triển những cách làm hay, những mô hình tiêu biểu, những điển hình tiên tiến, xuất sắc; đồng thời, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những cá nhân, tổ chức, đoàn thể chưa thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thứ năm, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nêu gương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn. Thực hiện “nói đi đôi với làm”, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trực tiếp tham gia viết tin, bài, chia sẻ bài viết, định hướng thông tin về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các sách, báo, tạp chí, in-tơ-nét và mạng xã hội...; bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đây chính là vai trò “nêu gương” của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, góp phần lan tỏa tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa bàn.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, các ban, bộ, ngành, địa phương từ Trung ương đến cơ sở đều nắm bắt được đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện trên phạm vi rộng, với nhiều kết quả nổi bật.

Hầu hết cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, trong phạm vi lãnh đạo, quản lý và chức trách của mình, đều quán triệt, phổ biến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, để phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và trình độ dân trí tại cơ sở, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn linh hoạt, sáng tạo, đổi mới trong nội dung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đã có những cách thức sáng tạo trong vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW gắn với đặc điểm, tình hình của cơ sở, như trung thành và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, của chính quyền địa phương; có ý thức tôn trọng truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương; có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống lại những hoạt động chống phá chính quyền, tung tin đồn sai sự thật về hoạt động của chính quyền cơ sở, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương. Điều đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xây dựng và phát triển quê hương; đồng thời, đấu tranh chống lại những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực diễn ra trên địa bàn cơ sở.

Đặc biệt, ở những nơi có đông đồng bào là giáo dân hoặc điều kiện kinh tế còn khó khăn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở luôn bám sát địa bàn, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đoàn kết tôn giáo để giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, không lợi dụng hoặc để các đối tượng khác lợi dụng những hoạt động tôn giáo nhằm gây chia rẽ, gây mất đoàn kết cộng đồng, mưu toan kích động biểu tình chống lại chính quyền địa phương. Ngoài ra, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn tích cực động viên, khích lệ nhân dân tham gia lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương, không để cho những đối tượng xấu có cơ hội lôi kéo, kích động, mua chuộc.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đã trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những cán bộ đoàn, hội phụ nữ, công an, bộ đội đã đến từng nhà dân để vận động, tuyên truyền, giúp nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Khi có những thông tin sai trái, có nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Đảng, Chính phủ và địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đã tích cực giải thích, định hướng cho nhân dân biết phân biệt tin tốt - xấu, thật - giả để không lan truyền những thông tin sai sự thật. Nhờ có sự định hướng của cán bộ cấp cơ sở, ở nhiều nơi, nhân dân đã tích cực cùng chính quyền tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, tự nguyện quyên góp công sức, tài sản để hỗ trợ Nhà nước, chính quyền.

Ở nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, nhất là cán bộ đoàn, hội, công an, quân đội... đã lập các fanpage, facebook để kêu gọi đoàn viên, hội viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Với phương châm “mỗi ngày một tin tốt”, “mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, ở nhiều phường, xã, thị trấn, các cán bộ đoàn đã kêu gọi đông đảo đoàn viên tham gia viết và chia sẻ các tin, bài có nội dung tốt để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Nhiều cơ sở có những hình thức tổ chức sáng tạo, như tổ chức các cuộc thi cấp phường, xã để huy động đoàn viên, hội viên tham gia tìm hiểu về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Nhiều cơ sở đoàn đã thiết kế các đồ họa trực quan “bắt mắt”, sinh động, dễ nhớ để tuyên truyền cho nhân dân, giúp cho nhân dân hiểu đúng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của chính quyền địa phương.

Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, ở nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đã chủ động, tích cực học tập lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, ở nhiều nơi, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đã viết được tin, bài tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của địa phương để đăng tải trên in-tơ-nét, mạng xã hội hay làm nội dung để phát trên đài truyền thanh của địa phương. Vì đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở sinh sống trực tiếp trên địa bàn cơ sở, gần gũi với nhân dân nên sự gương mẫu của họ trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng tạo sự lan tỏa tốt trong nhân dân, giúp nhân dân có ý thức bảo vệ và phát triển những thành quả mà địa phương đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, trong hệ thống chính trị, cấp cơ sở là cấp gần dân nhất nên nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được cụ thể hóa, gắn với những vấn đề cụ thể của từng địa phương để nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Điều này về cơ bản đã được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở làm tốt. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn nên ở nhiều địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, do hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, chưa thực hiện tốt việc quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, họ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng trên không gian mạng, để tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều địa phương, do hạn chế về kinh phí và các phương tiện vật chất - kỹ thuật, nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động lực lượng, triển khai các phương án đấu tranh trên không gian mạng. Có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn bàng quan, thờ ơ với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nên không tích cực triển khai nhiệm vụ, không huy động lực lượng, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Cũng có không ít cán bộ, đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở không thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương về lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..., nên khó có thể huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

Tiếp tục phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong giai đoạn mới

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, cho đến nay, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cơ sở còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(2), “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”(3). Điều đó đòi hỏi phải có những biện pháp thiết thực, hữu hiệu để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần làm cho nhiệm vụ này được triển khai ngày càng sâu rộng từ Trung ương đến địa phương.

Một là, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần nhận thức đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ; từ đó, phải thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong các buổi sinh hoạt đảng bộ, chi bộ, sinh hoạt cộng đồng để mọi người hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ. Cách thức quán triệt, tuyên truyền phải linh hoạt, sáng tạo, gắn với đặc điểm của từng địa phương, gắn với nhiệm vụ cụ thể ở từng địa bàn.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng và kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Các tổ chức đảng, chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được học tập, nâng cao trình độ, nhất là trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước để có hiểu biết sâu sắc hơn về những giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật kiến thức về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng cần được trang bị các kỹ năng cơ bản về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là kỹ năng nhận diện các thông tin xấu, độc, kỹ năng viết tin, chia sẻ, lan tỏa các thông tin tốt; kỹ năng tham gia các nhóm và tương tác trên không gian mạng để cung cấp và định hướng thông tin... Đây là những kỹ năng cần thiết mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn đang thiếu hụt.

Ba là, tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật, tài liệu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần thành lập ban (tổ) chỉ đạo 35 bao gồm lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Từ đó, mỗi cơ sở (xã, phường, thị trấn) cần phân công ít nhất 1 cán bộ chuyên trách, có nhiệm vụ thu thập, báo cáo thông tin, tham mưu cho lãnh đạo tổ chức triển khai nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho phù hợp với điều kiện, thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó, các xã, phường, thị trấn xây dựng mạng lưới tham gia thực hiện nhiệm vụ, huy động có hiệu quả đội ngũ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn cơ sở tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; mạnh dạn thí điểm xây dựng lực lượng xung kích để nhân rộng, phát triển ra toàn địa bàn; bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để tạo điều kiện huy động đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ; có cơ chế tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích tốt, nổi trội để động viên, khích lệ mọi người cùng tham gia.

Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trước hết, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở phải luôn luôn vững vàng về lập trường tư tưởng chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có tác phong làm việc dân chủ, gần dân, biết lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để nâng cao niềm tin của nhân dân vào cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, lấy đó làm động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội nói chung và nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý tùy theo chức trách, nhiệm vụ, khả năng của mình, phải luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động cụ thể để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không né tránh kiểu “mũ ni che tai”, mà dám thẳng thắn, dũng cảm phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở để việc thực hiện nhiệm vụ đi vào nền nếp, quy củ, có sức lan tỏa rộng rãi đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn./.

--------------

(1) Hoàng Chí Bảo (chủ biên): Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 190

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 108
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 164

Theo TCCS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 90

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 89

Hôm nay: 12,431

Hôm qua: 29,078

Tháng hiện tại: 243,824

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,954,141

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây