Đang truy cập: 140
Hôm nay: 10,509
Hôm qua: 29,078
Tháng hiện tại: 241,902
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,952,219
- Đang truy cập140
- Hôm nay10,509
- Tháng hiện tại241,902
- Tổng lượt truy cập9,952,219
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quy định số 41 có nhiều điểm mới, khắc phục những điểm chưa phù hợp so với quy định trước đây, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xử lý cán bộ theo hình thức miễn nhiệm, từ chức. Đây được xem là một bước đột phá để siết chặt kỷ luật kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp.
Theo Quy định số 41 của Bộ Chính trị, việc miễn nhiệm đối với cán bộ là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức; có 6 căn cứ cụ thể để xem xét miễn nhiệm cán bộ.
Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận dựa trên 4 căn cứ cụ thể.
Nêu ý kiến về Quy định số 41, ông Nguyễn Hồ Cảnh, Bí thư Chi bộ khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) nhấn mạnh quy định đã đề cao tính nhân văn và vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Từ ngày thành lập Đảng đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng luôn được Đảng ta chú trọng. Việc ban hành Quy định số 41 là một bước hoàn thiện hơn công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng ta. Những nội dung trong Quy định số 41 có nhiều điểm mới, rõ ràng hơn, lượng hóa, nhân văn hơn, sát với thực tế hiện nay hơn so với Quy định 260 và các quy định khác về việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng và Nhà nước.
Thực tế gần đây cho thấy, một số cán bộ cấp Vụ, Viện từ chức hoặc miễn nhiệm đã góp phần nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan, đơn vị và tạo niềm tin đối với Đảng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc từ chức của những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực trình độ dần trở thành nét “văn hóa", “lẽ tự nhiên” hơn.
Một trong những điểm mới nổi bật của Quy định số 41 là căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Theo quy định, sẽ miễn nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; còn trong trường hợp nghiêm trọng sẽ xem xét từ chức.
Theo ông Nguyễn Hồ Cảnh, đây là một yếu tố khá quan trọng, nó lấp đầy kẽ hở về chính sách, về pháp luật đó là trách nhiệm người đứng đầu. Giả thiết người dưới quyền vi phạm thì trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu, vì người đứng đầu gắn liền với chính sách, cơ chế và năng lực quản lý.
Nếu người đứng đầu không kiểm soát được thì đó là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đây là một vấn đề rất quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao, là bước đột phá để siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp.
Các văn bản của Đảng và Nhà nước ta đã quy định khá rõ về quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồ Cảnh cho rằng phải xem xét một cách khách quan, toàn diện theo nguyên tắc: thẩm quyền của người đứng đầu đến đâu thì trách nhiệm đến đó, không vì người đứng đầu mà nương nhẹ hay xử nặng cán bộ thuộc quyền, cần phải cá nhân hóa, cụ thể hóa trong từng trường hợp cụ thể.
Một điểm mới khác trong Quy định số 41 là việc bố trí lại cán bộ sau khi từ chức. Ông Cảnh nêu ý kiến: Đây là yếu tố mang tính nhân văn bởi con người ta “nhân vô thập toàn” có những người không hoàn thành nhiệm vụ được giao không phải do ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức kém mà có khi do công việc không hợp năng lực, sở trường, hoàn cảnh gia đình… nên không phát huy được. Bởi vậy, bố trí lại công việc cho cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm cho đúng với năng lực, sở trường… là rất cần thiết.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hồ Cảnh, ông Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Chi bộ Khối 16 phường Trường Thi, thành phố Vinh cho rằng bố trí cán bộ sau khi miễn nhiệm, từ chức là một điểm mới trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay và là việc làm cần thiết. Vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà cán bộ phải từ chức, bản thân cán bộ đó phải tự nhận thức được hành vi của mình.
Tuy nhiên, các cơ quan liên quan khi miễn nhiệm hoặc cán bộ đã từ chức nên phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết có lý có tình chứ không “đẩy” cán bộ vào tường không có lối thoát. Điều này không đúng với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn thể hiện tính nhân văn.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Việt Hùng, các cơ quan cần tăng cường phối hợp, giúp cấp ủy phụ trách công tác cán bộ kết luận đúng với bản chất, hành vi người vi phạm, từ đó bố trí nhiệm vụ cho “hợp tình, hợp lý”, bố trí công việc vừa sức để cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, không "đẩy" cán bộ vào chân tường làm phát sinh tiêu cực khác
Tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đang được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng, cần sớm được luật hóa để sớm được thực thi trong cuộc sống.
Để Quy định số số 41 đi vào cuộc sống, trước hết phải tổ chức cho cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp cần nắm rõ về Quy định, học tập từng nội dung, nguyên tắc, phương châm để trong quá trình thực hiện, “bám” vào chức trách nhiệm vụ để hoàn thành.
Bản thân cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện mình hàng ngày bởi trên thực tế, nhiều trường hợp khi được bổ nhiệm rồi thì không nỗ lực học tập, thậm chí buông lỏng, không rèn luyện mình. Thực tế cũng chứng minh thời gian vừa qua nhiều cán bộ cấp cao ở nhiều lĩnh vực mắc khuyết điểm, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong cơ quan tổ chức mình quản lý. Ngoài ra, phải duy trì nghiêm và xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Việt Hùng phân tích khi cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý cơ quan, đơn vị, phải quy định chức trách, nhiệm vụ rõ ràng để cán bộ ấy nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình; tránh tình trạng cán bộ do nhận thức chưa đầy đủ “vô tình” dẫn đến sai phạm khuyết điểm, phải xử lý.
Đây là một quy định mới nên phải triển khai từng bước để rút kinh nghiệm, nhất là phương pháp xem xét, nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo. Đặc biệt, bản thân cán bộ chủ trì các cấp cho đến mỗi đảng viên phải tự giác, tự tu dưỡng rèn luyện mình để không dẫn đến sai phạm.
Ông Nguyễn Hồ Cảnh gợi mở để Quy định số 41 đi vào cuộc sống, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để thống nhất và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là các đối tượng điều chỉnh của quy định; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt, cách làm hay và phát hiện những điều chưa hợp lý để bổ sung hoàn chỉnh Quy định.
Song song với việc thực hiện Quy định số 41, các cấp cần đẩy mạnh việc học và làm theo lời Bác; thực hiện đồng bộ các quy định của Đảng về đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng, chính sách cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Đang truy cập: 140
Hôm nay: 10,509
Hôm qua: 29,078
Tháng hiện tại: 241,902
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 9,952,219