Xu hướng phát triển của báo chí, xuất bản

Thứ ba - 26/10/2021 21:02 357 0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trong báo chí - truyền thông đem tới những thời cơ thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với công tác báo chí, xuất bản hiện nay.

33
Ảnh minh họa

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Đối với công tác báo chí

Thứ nhất, người làm báo gặp áp lực rất lớn khi các cơ quan báo chí và mạng xã hội trong việc “cạnh tranh” đưa thông tin đến với công chúng. Hoạt động báo chí không đối lập với mạng xã hội mà cần tương tác, tận dụng mạng xã hội để mạng xã hội trở thành môi trường truyền thông đa dạng, phong phú cho báo chí. Khi mạng xã hội càng phát triển, báo chí càng cần khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò là dòng thông tin chính thống, chủ đạo quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất trong đời sống xã hội. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin, vượt trội mạng xã hội về độ tin cậy, chính xác.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích của công chúng đang diễn ra nhanh chóng trong hoạt động báo chí. Những tòa báo lớn trên thế giới đều tận dụng AI để giúp người đọc tìm kiếm và nhanh chóng chọn lựa mục tin tức phù hợp với mình. AI tập trung vào vấn đề tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại trong quá trình viết những tin bài theo cấu trúc chung. Nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam như VnExpress, Vietnamplus, Zing News, Dân trí hay Lao Động... đã áp dụng trí tuệ nhân tạo. Báo Lao Động chính thức ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động dựa trên hệ thống LDO-AI. Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải có khả năng nắm bắt nhanh và dự báo sớm được tác động của xu thế này trong việc định hướng báo chí và truyền thông trên mạng xã hội.

Thứ ba, thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tạo nên áp lực trong chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của các cơ quan báo chí; đáng chú ý là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí. Hiện nay, hoạt động kinh tế báo chí cũng giảm sút do nền kinh tế gặp khó khăn; các tổ chức, doanh nghiệp đều đã cắt hoặc giảm chi phí dành cho quảng cáo, tuyên truyền. Bên cạnh đó, các mạng xã hội cũng đẩy mạnh dịch vụ quảng cáo trực tuyến nên thị phần dành cho quảng cáo trên báo in, báo điện tử, kênh truyền hình, phát thanh đều bị thu hẹp. Nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới.

Thứ tư, đại dịch COVID-19 có những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan báo chí nói riêng. Ảnh hưởng này được coi là nguy cơ lâu dài, làm sụt giảm nguồn thu và gia tăng chi phí hoạt động của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí được cấp toàn bộ hoặc một phần nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước ít bị ảnh hưởng hơn các cơ quan báo chí tự chủ để đảm bảo cân đối thu chi. Nhiều cơ quan báo chí đã có những điều chỉnh, thay đổi để kịp thời thích ứng, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động của mình. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, báo Thanh Niên xin tạm ngừng phát hành kênh báo in kể từ ngày 23/8 đến hết ngày 15/9/2021.

Thứ năm, tác động của kinh tế thị trường khiến nhiều giá trị văn hóa xuống cấp, xuất hiện xu hướng chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ. Trong thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề minh bạch của nghệ sĩ quyên góp, làm từ thiện; quảng cáo (PR) sản phẩm sai mục đích, chức năng, gây hậu quả cho người tiêu dùng; livestream “bóc phốt” đồng nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí tiếp nhận, tình cảm, tư tưởng và hành vi của công chúng.

Đối với xuất bản, xuất bản điện tử

Thứ nhất, năng lực của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Hiệu quả kinh tế toàn ngành nhìn chung rất thấp. Về doanh thu, tính đến hết năm 2020, toàn Ngành đạt xấp xỉ 2.700 tỉ đồng, trong đó chỉ có một số ít nhà xuất bản đạt lợi nhuận trên 10 tỉ đồng/năm; phần lớn các nhà xuất bản đạt lợi nhuận hàng năm chỉ từ đến 3-7 tỷ đồng, trong đó, có một số nhà xuất bản lợi nhuận dưới 2 tỷ đồng/năm. Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, doanh thu và lợi nhuận toàn ngành sụt giảm đáng kể. Nhiều nhà xuất bản chưa thực sự thích ứng với cơ chế thị trường, phụ thuộc nhiều vào đối tác liên kết, dẫn đến kết quả thực hiện đăng ký kế hoạch năm khá thấp (chỉ đạt khoảng 40%).

Thứ hai, phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ còn yếu, nhiều hạn chế. Đến hết tháng 10 năm 2020, có 9 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản xuất bản điện tử (chiếm 15% tổng số nhà xuất bản).

Thứ ba, khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần không bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới, phức tạp. Tình trạng buông lỏng quản lý liên kết, để cho các đối tác liên kết thao túng diễn ra ở một số nhà xuất bản. Xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, không chú ý đúng mức chất lượng văn hóa của sản phẩm, đến tính đặc thù của hoạt động xuất bản đã và đang tiếp tục gia tăng tạo ra những hệ lụy, trước hết là hiện tượng xuất bản sách sai phạm, kém chất lượng, ảnh hưởng sự phát triển văn hóa đọc.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực ngành Xuất bản còn yếu, chưa thích ứng trước sự phát triển nhanh, mang nhiều nét mới của ngành và nhu cầu đọc của xã hội. Thiếu tính chuyên nghiệp vẫn là một trong những hạn chế lớn nhất của lực lượng lao động tại nhà xuất bản hiện nay.

DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ, XUẤT BẢN

Đối với hoạt động báo chí, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mạng của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại. Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác, ...) để có thể đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình (các audio, video) và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội, hình thành xu thế “truyền thông đại chúng” với những thông tin đa chiều, khó định hướng.

Đối với xuất bản, xuất bản điện tử, xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản ngày càng được thể hiện rõ. Một số nhà xuất bản sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin để áp dụng vào các công đoạn của quy trình xuất bản, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của quy trình này. Đồng thời, tiến hành những hình thức kinh doanh mới như: kinh doanh, phát hành sách trực tuyến qua mạng internet...

Xuất bản điện tử được phát triển mạnh mẽ. Đây là loại hình xuất bản mới, đồng thời là xu hướng phát triển phổ biến về văn hóa đọc của nhiều quốc gia. Hiện nay, trên thế giới, sách điện tử đã và đang tạo ra triển vọng mới cho ngành Xuất bản với sự phát triển như vũ bão của công nghệ điện tử, kỹ thuật số, thiết bị cá nhân như các thiết bị thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử (Kindle),… Từ đó, đã làm cho cán cân thị phần sách điện tử trên thế giới đang có sự thay đổi lớn. Xuất bản, phát hành sách trên mạng và thiết bị kỹ thuật số trên thế giới đã xuất hiện và đang trở thành một xu hướng phổ biến có sức lây lan mạnh mẽ.

Hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản đã được nhiều nhà xuất bản quan tâm, nhất là việc mua bán bản quyền và tham gia các hoạt động quốc tế về xuất bản như hội chợ, triển lãm sách quốc tế, hội thảo nghiệp vụ… Sau những năm đầu lúng túng khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, đến nay, hoạt động mua bán bản quyền sách với các đối tác nước ngoài đã dần phát triển và ngày càng diễn ra sôi động và chuyên nghiệp hơn. Song song với đó, xu hướng hình thành các tập đoàn, tổ hợp xuất bản ở các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn ra khu vực và thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi nội lực chính của các nhà xuất bản trong nước và cũng như cơ quan lãnh đạo, quản lý xuất bản trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành Xuất bản và xuất bản phẩm ở Việt Nam hiện nay.

Đối với mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet, xuất hiện nhiều nội dung thông tin xấu độc, tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù, mạng xã hội bị lợi dụng để phát tán thông tin xấu độc, tin giả nhưng doanh nghiệp vận hành mạng xã hội có xu hướng chối bỏ trách nhiệm của mình với các thông tin đó. Nhiều nước trên thế giới đang xem xét về trách nhiệm pháp lý đối với nội dung vi phạm được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội.

Hiện nay, mạng xã hội có xu hướng thu thập dữ liệu người dùng nhiều hơn cần thiết nhưng không có biện pháp, hoặc không đủ khả năng bảo vệ dữ liệu đó. Nhiều mạng xã hội kinh doanh dữ liệu người dùng như một thứ hàng hoá mang lại giá trị kinh tế lớn. Ngoài ra, mạng xã hội thường xuyên sử dụng dữ liệu thu thập được để theo dõi và giám sát người dùng bằng các thuật toán tinh vi mà người dùng không được biết đầy đủ. Nguy hiểm nhất là thông qua đó, mạng xã hội chủ động dẫn dắt suy nghĩ của người dùng một cách âm thầm mà người dùng không hề nhận thực được. Mạng xã hội không chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung trên nền tảng của mình. Nhiều nước trên thế giới cho rằng, các công ty công nghệ cần phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, các công ty cho rằng “họ chỉ là nhà phân phối thông tin, không phải nhà xuất bản thông tin” nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng tăng tải. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội không minh bạch thuật toán sử dụng. Các thuật toán có thể là công cụ để định hướng thông tin sai lệch cho người dùng phục vụ mục đích quảng cáo, thương mại và ngăn cản người dùng được tiếp cận các nội dung thông tin chính thống có ích.

MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG CHỈ ĐẠO, ĐỊNH HƯỚNG THÔNG TIN BÁO CHÍ, XUẤT BẢN

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông. Rà soát quy hoạch ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”; “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”.

Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản và đáp ứng được yêu cầu của hoạt động báo chí, xuất bản trong bối cảnh hiện nay, trong quá trình triển khai, thực hiện chức năng nhiệm vụ, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản luôn chủ động đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, định hướng; khắc phục, giải quyết nhiều lúng túng, bất cập, trở ngại trong xử lý, chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin báo chí và xuất bản phẩm; nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực thông tin tuyên truyền, nội dung ấn phẩm. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản và công chúng; hạn chế các thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị.

Đối với cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, cần nắm bắt diễn biến, phân tích tình hình, đưa ra những chỉ đạo định hướng chủ động, kịp thời; linh hoạt trong các hình thức chỉ đạo, định hướng (qua văn bản Công tác báo chí hằng tuần, công văn về vụ việc cụ thể; tổ chức cuộc họp, giao ban đột xuất để quán triệt tinh thần chỉ đạo, định hướng thông tin; qua tin nhắn điện thoại; trong nhiều trường hợp “nóng”, gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo các cơ quan báo chí...).

Tích cực, chủ động, sắc bén, kịp thời trong việc dự báo tình hình, định hướng thông tin, nhất là trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong đời sống xã hội. Cần thiết, cơ quan chỉ đạo, định hướng báo chí có đề án, kế hoạch tuyên truyền cụ thể gửi các cơ quan báo chí, để các cơ quan báo chí thực hiện bài bản, hiệu quả.

Đổi mới tư duy chỉ đạo, quản lý báo chí cho phù hợp với bối cảnh thông tin xã hội bùng nổ như hiện nay, vừa tạo điều kiện để báo chí phát huy tốt nhất chức năng, vai trò, trách nhiệm của mình, vừa quan tâm việc báo chí chính thống cạnh tranh về mặt thông tin với truyền thông xã hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đo lường hiệu quả để đánh giá vụ việc, từ đó đưa ra những chỉ đạo, định hướng trúng, đúng, phù hợp về mức độ, liều lượng thông tin.

Phát hiện, điều chỉnh kịp thời những sai sót về thông tin trên các cơ quan báo chí. Quan tâm phản bác các thông tin sai lệch trên không gian mạng; xử lý nghiêm những đối tượng đưa tin, phân tích, bình luận, kích động, lan truyền thông tin không đúng bản chất vấn đề, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Đối với cơ quan báo chí, cần tìm hiểu, nắm vững tình hình, chủ trương, giải pháp của ta trong thông tin, tuyên truyền. Từ đó, nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo, định hướng thông tin; thực hiện nghiêm sự phân công, phân vai, thông tin bảo đảm mức độ, liều lượng, đúng định hướng.

Phát huy tốt chức năng, vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, trong đó có chức năng cung cấp thông tin chính thống của cơ quan báo chí Nhà nước trong cạnh tranh thông tin với các hình thức truyền thông xã hội khác.

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19.
Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19.

Thận trọng khi khai thác, sử dụng thông tin của báo chí, dư luận nước ngoài. Đối với những thông tin phức tạp, nhạy cảm, những diễn biến, vụ việc mới, cần thiết, trao đổi với cơ quan chức năng để được cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin chính xác, phù hợp, không làm nóng, không làm phức tạp vấn đề, không tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây hoang mang trong dư luận.

Đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, thường xuyên chỉ đạo, định hướng nội dung xuất bản phẩm trong các cuộc giao ban cơ quan chủ quản, giao ban đơn vị xuất bản hằng năm. Tích cực, chủ động, kịp thời trong việc dự báo tình hình, định hướng nội dung đề tài, nhất là trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động xuất bản, nội dung xuất bản phẩm để chủ động đưa ra những chỉ đạo định hướng kịp thời; linh hoạt trong các hình thức chỉ đạo, định hướng.

Đối với các nhà xuất bản, tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo, định hướng, quản lý của cơ quan chức năng; thực hiện quản lý chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình biên tập, đặc biệt đối với các hình thức liên kết xuất bản; nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên vừa vững vàng về bản lĩnh chính trị vừa thạo nghề.

Đối với mạng xã hội, các cơ quan chỉ đạo, định hướng kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình, đặc biệt là xu hướng mạng xã hội để đưa ra những định hướng thông tin, tuyên truyền đối với báo chí trong nước, vừa cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhân dân, vừa đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đo lường hiệu quả để đánh giá vụ việc. Kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với những hiện tượng xuất hiện trên mạng xã hội có nguy cơ ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của nhân dân.

Các cơ quan quản lý có biện pháp, chế tài đấu tranh hiệu quả với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam trong trường hợp cần gỡ bỏ những thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam; có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác thông tin xấu độc trên nền tảng internet.

Các cơ quan báo chí tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo, định hướng, quản lý của cơ quan chức năng; quán triệt phóng viên, biên tập viên, người làm báo trong cơ quan thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, thực hiện đúng quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam./.

Phan Xuân Thủy/TG
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 66

Máy chủ tìm kiếm: 2

Khách viếng thăm: 64

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 380,620

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,090,937

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây