Đang truy cập: 94
Hôm nay: 14,292
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 394,222
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,104,539
- Đang truy cập94
- Hôm nay14,292
- Tháng hiện tại394,222
- Tổng lượt truy cập10,104,539
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, sau Cách mạng Tháng Tám, Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ đạo xuất bản một tờ báo và Báo Chiến Thắng (tiền thân của Báo Phú Yên) ra số đầu tiên vào ngày 19/8/1946, đúng dịp kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám thành công. Qua 75 năm, cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, Báo Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy đã có những hướng phát triển tốt phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Truyền thống vượt khó
Tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh ra đời do nhà giáo Bùi Xuân Các làm chủ nhiệm (Tổng biên tập). Tuần báo Chiến Thắng có khổ giấy tương tự như Báo Phú Yên hôm nay, chỉ 4 trang nhưng nội dung có cả xã luận, tin tức từ trong tỉnh ra thế giới và tất nhiên là không thể thiếu các chủ trương của tỉnh. Ngày ấy, những người làm Báo Chiến Thắng không ai có nghiệp vụ báo chí.
Đến cuối năm 1947, Báo Chiến Thắng đổi tên thành Báo Cứu Quốc khu VI, là cơ quan ngôn luận của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, sau một thời gian được tách thành 2 tờ riêng cho 2 tỉnh. Ở Phú Yên, tờ báo có tên là Phấn Đấu, do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách. Giai đoạn 1951-1954, Báo Phấn Đấu đổi tên thành Sức Mới, mỗi tháng xuất bản 2 kỳ. Đến năm 1956, báo có tên mới là Đoàn Kết, do Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền phụ trách. Báo Đoàn Kết mỗi tháng ra một số với lượng phát hành 200-300 tờ, đến từng chi bộ bí mật trong vùng địch kiểm soát. Từ tháng 10/1960 đến tháng 11/1975, Báo Đoàn Kết đổi tên thành Giải Phóng. Những người được Tỉnh ủy phân công phụ trách tờ báo qua các giai đoạn là các đồng chí trưởng ban, quyền trưởng ban và phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, mà tên tuổi gắn liền với lịch sử Đảng bộ tỉnh, như: Lương Thúc Mậu, Cao Văn Hoạch, Nguyễn Duy Luân… Đến tháng 12/1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với Khánh Hòa, hai tờ báo tỉnh cũng sáp nhập và lấy tên là Báo Phú Khánh.
Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Khánh được chia thành 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa. Báo Phú Yên tái lập với 7 cán bộ phóng viên được điều động từ 35 cán bộ phóng viên của Báo Phú Khánh; trụ sở tòa soạn đặt tại 193 Trần Hưng Đạo, TX Tuy Hòa.
Đánh dấu sự kiện tái lập tỉnh và tờ báo, Báo Phú Yên đã xuất bản đặc san chào mừng sự kiện trọng đại. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất, Báo Phú Yên vẫn nỗ lực xuất bản 2 kỳ/tuần như Báo Phú Khánh cũ, ra số đầu tiên vào ngày 4/7/1989, có khổ lớn như Báo Nhân Dân. Đồng thời, Báo Phú Yên chịu trách nhiệm di chuyển nhà in, hình thành Nhà in Tổng hợp Phú Yên (hiện nay là Công ty CP In - Thương mại Phú Yên), sau đó chuyển giao cho Văn phòng Tỉnh ủy.
Xuất bản nhật báo và trang thông tin điện tử tổng hợp
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, đội ngũ Báo Phú Yên đã khắc phục những vất vả, gian nan của buổi ban đầu, từng bước được tăng cường nhân lực và phương tiện làm việc để tác nghiệp, giữ vững và nâng cao chất lượng nội dung, quy mô xuất bản. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tập thể cán bộ, nhân viên Báo Phú Yên đã nỗ lực, bền bỉ xây dựng và phát triển tờ báo của Đảng bộ tỉnh: Tháng 7/1994, ấn phẩm Phú Yên Cuối tháng được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Đầu năm 1998, tòa soạn tiếp tục cho ra mắt ấn phẩm Phú Yên Chủ Nhật, là số báo thiên về văn hóa, văn nghệ, giải trí. Tháng 8/2001, Báo Phú Yên xuất bản thêm một kỳ báo thời sự, phát hành 4 kỳ/tuần, số lượng phát hành từ 3.900-4.200 tờ, gồm các ấn phẩm: Phú Yên thời sự (thứ hai, thứ tư, thứ sáu) và Phú Yên Chủ Nhật, vẫn duy trì Phú Yên Cuối tháng.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên, ngày 1/4/2005, Báo Phú Yên thực hiện một đợt cải tiến lớn cả về nội dung và hình thức trình bày. Báo vẫn xuất bản 4 kỳ/tuần, với khổ báo 30cm x 42cm cho các ấn phẩm thời sự và cuối tuần, quy mô 12 trang, in hai màu; riêng Phú Yên Cuối tháng vẫn giữ 36 trang, in bốn màu.
Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, quí I năm 2008, Báo Phú Yên xuất bản 5 kỳ/tuần và đến tháng 10/2009 tăng lên 6 kỳ/tuần. Chưa đầy 1 năm sau, ngày 5/9/2010 đi vào lịch sử phát triển của tờ báo, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Phú Yên đã thực hiện xuất sắc một trong những nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, chính thức xuất bản nhật báo với số lượng phát hành mỗi kỳ trên 5.300 tờ.
Song song với sự phát triển của báo in, nắm bắt được xu hướng phát triển của truyền thông, ngày 11/1/2006, Tòa soạn Báo Phú Yên ra mắt Trang thông tin điện tử tổng hợp Phú Yên Online. Chuyên trang tiếng Anh Phu Yen News ra mắt ngày 29/12/2010, mở ra kênh thông tin đối ngoại quan trọng của tỉnh. Đây là một bước ngoặt phát triển, khẳng định sự trưởng thành của Báo Phú Yên.
Trong những năm qua, Báo Phú Yên không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng các ấn phẩm, đổi mới hình thức trình bày; xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên có lập trường, quan điểm vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp; phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ Tỉnh ủy phân công.
Năm 2019, chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh và tòa soạn, Báo Phú Yên đã tiến hành đợt cải cách hình thức trình bày và cơ cấu trang của tờ nhật báo, được bạn đọc đánh giá cao. Báo có 25 chuyên trang, 10 chuyên mục thông tin trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Các bài viết, chuyên trang, chuyên mục được tổ chức khoa học hơn, chất lượng hơn cả về hình thức và nội dung. Kỹ năng nghiệp vụ của phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên được Ban Biên tập chú trọng bồi dưỡng nâng cao. Nhờ đó, Báo Phú Yên đạt nhiều giải thưởng của tỉnh, ngành và giải báo chí quốc gia; riêng đặc san Xuân nhiều năm đạt giải tại Hội báo Xuân toàn quốc.
Cơ quan báo không chỉ làm báo
Song song với nhiệm vụ chuyên môn, Tòa soạn Báo Phú Yên còn có nhiều hoạt động sau mặt báo mang ý nghĩa thiết thực. Báo đã tổ chức và tham gia công tác xã hội, qua đó đã kết nối, vận động hàng tỉ đồng mỗi năm để giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách; xây nhà Tình thương, thư viện, trường học; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận những đóng góp của Báo Phú Yên trong công tác tuyên truyền và công tác xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho tập thể tòa soạn đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với 7 năm thực hiện Kế hoạch 68-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”...
Mặc dù đã tạm ngưng 2 mùa nhưng giải việt dã Báo Phú Yên là đề tài được quan tâm khi nhắc đến hoạt động thể thao của các báo Đảng khu vực và cả nước. Giải việt dã Báo Phú Yên tổ chức lần đầu tiên vào ngày 3/10/1993 nhân dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10). Ngay ở lần tổ chức thứ hai, giải được đề xuất tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) hàng năm. Năm 2001, Giải việt dã Báo Phú Yên lần thứ IX được nâng lên tầm khu vực với sự tham dự của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Kể từ đây, giải có tên là Giải việt dã Báo Phú Yên (mở rộng). Ở lần tổ chức thứ XIV, giải được đề xuất tổ chức vào dịp 19/8 - ngày truyền thống của Báo Phú Yên. Năm 2010, giải chính thức mang tên Giải việt dã truyền thống Báo Phú Yên (mở rộng) cho đến khi tạm dừng vào năm 2020. Từ một hoạt động phong trào, giải việt dã của Báo Phú Yên đã nâng lên thành giải thể thao cho các vận động viên hệ đội tuyển các tỉnh, ngoài ra còn có nội dung dành cho các nhà báo với hơn 15 cơ quan báo chí trong khu vực và trên cả nước tham gia.
Xác định đoàn kết để phát triển
Tòa soạn Báo Phú Yên hiện có 53 cán bộ, nhân viên và người lao động, gồm 33 nữ, 20 nam. Trong đó, 4 người có trình độ chuyên môn thạc sĩ, 44 cử nhân; 13 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Với độ tuổi trung bình của cán bộ, phóng viên gần 41,2 tuổi, có thể nói Báo Phú Yên có một đội ngũ đang trong thời kỳ phát triển tốt nhất, đang độ chín về chuyên môn, vững vàng về chính trị, tư tưởng và hăng say nghiệp vụ.
Trước xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, Ban Biên tập Báo Phú Yên xác định tập trung phát triển các ấn phẩm điện tử, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung thông tin theo hướng chuyên sâu và cải tiến hình thức trình bày ấn phẩm in khoa học, hiện đại. Cùng với đó, là tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, phóng viên. Và quan trọng hơn cả, là khơi gợi niềm đam mê và sự cống hiến ở mỗi người để tất cả cùng cháy hết mình vì sự phát triển của tờ báo.
Tự hào truyền thống, trân trọng những thành tựu của các thế hệ tiền bối, đội ngũ Báo Phú Yên hôm nay kế thừa tinh thần bền bỉ vượt khó và xác định sự đoàn kết thống nhất sẽ là động cơ của sự phát triển. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm sâu sát và tạo điều kiện của Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tình cảm yêu thương của cộng tác viên, bạn đọc sẽ tiếp thêm sức mạnh để Báo Phú Yên thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị, qua đó đáp ứng được nhu cầu thông tin của bạn đọc với tiêu chí nhanh, đầy đủ và chính xác.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, thay mặt tập thể Báo Phú Yên, xin trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, các sở ban ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, cộng tác viên và bạn đọc đã chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ và cưu mang tờ báo trong suốt chặng đường phát triển.
Trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, Báo Phú Yên đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen... ghi nhận nỗ lực và thành tích của tòa soạn. Trong đó, đáng kể nhất là những danh hiệu cao quý sau đây: - Huân chương Độc lập hạng ba (2006) - Huân chương Lao động hạng nhất (1998) - Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (1996 và 2004) - Nhiều bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. |
ĐÀO PHẠM HOÀNG QUYÊN/PYO
Tổng biên tập Báo Phú Yên
Liên kết website
Đang truy cập: 94
Hôm nay: 14,292
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 394,222
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,104,539