Củng cố, phát triển văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số “đa dạng trong thống nhất”

Chủ nhật - 22/12/2019 21:21 654 0

Những thành tựu, giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của hơn 50 dân tộc anh em không chỉ làm cho nền văn hóa Việt Nam đậm sắc màu phong phú mà còn góp phần củng cố sự thống nhất ý chí, tinh thần, tình cảm, tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần tích cực vào những thành tựu chung này có vai trò của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. 

5
(Ảnh minh họa)

MÁI NHÀ CHUNG CỦA VĂN NGHỆ SĨ DÂN TỘC THIỂU SỐ

Vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sự ra đời của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã kịp thời đáp ứng nhu cầu tổ chức, tập hợp, đoàn kết, phát hiện, bồi dưỡng các tác giả hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc ít người; đồng thời, là “mái nhà chung”, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển phong phú và đa dạng văn học, nghệ thuật các dân tộc anh em thời kỳ mới.

Kiên trì thực hiện sứ mệnh cao quý trên, nối tiếp những kết quả đạt được, 5 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số cùng đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số hoặc hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân tộc ít người đã không ngừng nỗ lực vươn lên, giành được những thành tựu đáng trân trọng; tiếp tục đưa sự nghiệp văn học, nghệ thuật dân tộc thiểu số phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, làm giàu kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong những năm qua, hệ thống tổ chức của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển, đặc biệt là sự hình thành và hoạt động của các chi hội cấp tỉnh vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Hoạt động của Hội và các tổ chức cơ sở ở địa phương từng bước được củng cố, đổi mới, góp phần nâng cao khả năng tập hợp, động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số. Hội đã không ngừng xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh hội viên bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử tham gia các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi có nhiều cống hiến…

Cùng với việc chú trọng tổ chức và phối hợp sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị truyền thống, Hội đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là sáng tạo những giá trị mới về văn học, nghệ thuật của các dân tộc anh em.

Mặc dù sống, hoạt động, sáng tạo trong những địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng với nhiệt huyết, niềm đam mê và sự gắn bó máu thịt với đồng bào mình, đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số và những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc ít người vẫn luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Hướng các hoạt động về địa bàn là các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, bên cạnh các hội thảo về xây dựng phát triển đội ngũ, Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã tổ chức nhiều đợt đi thực tế - sáng tác tại các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ… và cho ra đời những sáng tác có giá trị. Nhiều tài năng mới ở khắp các vùng miền này đã được phát hiện và bổ sung. Số lượng tác phẩm được công bố, xuất bản, triển lãm... ngày càng tăng; trong đó, có nhiều tác phẩm được trao tặng giải thưởng của địa phương, khu vực, của Nhà nước và quốc tế. Nhiều văn nghệ sĩ người dân tộc được trao tặng danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có hơn 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội của 40 tỉnh thành trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian. Cán bộ quản lý văn hóa dân tộc gồm nhiều thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Lô Lô, Phù Lá, Pa Dí, Bố Y, La Chí, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Raglay, Hrê, M’nông, Xtiêng, Xơ Đăng, Bru - Vân Kiều, Cơ Tu, Cơ Ho, Chơ Ro… 5 năm qua, Hội đã thành lập thêm 8 chi hội, kết nạp thêm 135 hội viên thuộc các chuyên ngành và các thành phần dân tộc khác nhau.

Nhìn chung, đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số xuất hiện khá đông đảo, có nhiều tác phẩm hữu ích, thiết thực phục vụ đồng bào. Đề tài sáng tác được đề cập ở nhiều góc độ, từ truyền thống đấu tranh cách mạng và kháng chiến đến sự đổi thay của quê hương, đề cao truyền thống văn hóa tốt đẹp… Đáng chú ý, những năm gần đây, đề tài sáng tác đã được mở rộng hơn, từng bước bắt nhịp vào đời sống của đồng bào dân tộc, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái ác, cái lạc hậu… Có nhiều tác phẩm đi sâu vào khai thác thân phận con người vùng dân tộc và miền núi. Đặc biệt, ngày càng nhiều tác giả người dân tộc thiểu số có ý thức quan tâm hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian cộng đồng Tây Nguyên, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông… của các tác giả dân tộc thiểu số được biên soạn công phu, có giá trị cao, được bạn đọc và công chúng quan tâm.

Những cố gắng và kết quả trong hoạt động của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng...

Từ những tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật được công chúng - bạn đọc và nhiều nhà nghiện cứu trong và ngoài nước đón nhận, tiếp nhận, góp phần chuyển tải thông điệp quan trọng: Những thành tựu, giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của hơn 50 dân tộc anh em không chỉ làm cho nền văn hóa Việt Nam đậm sắc màu phong phú mà còn góp phần củng cố sự thống nhất ý chí, tinh thần, tình cảm, tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm sao văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển thống nhất trong đa dạng, tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa, văn minh nhân loại. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của Hội Văn học, nghệ thuật dân tộc thiểu số trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tuy có tăng lên về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được những nhu cầu, đòi hỏi từ cuộc sống của vùng miền núi và dân tộc. Qua các đợt trao giải thưởng, những bản thảo tham gia hỗ trợ sáng tạo số lượng ngày một tăng nhưng những tác phẩm có giá trị nổi bật đáp ứng đòi hỏi của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn còn thấp. Còn thiếu những tác phẩm chất lượng cao, có sức lan tỏa về đề tài đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, chưa có những đột phá trong gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc...

ĐẨY MẠNH SÁNG TẠO, SƯU TẦM

 Từ những thành tựu đạt được và những hạn chế, bất cập cần khắc phục, những nhiệm vụ trước mặt và lâu dài được Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số xác định làm tốt trong thời gian tới là: 

Thứ nhất, tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng, tập hợp đoàn kết văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, nỗ lực sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung, tư tưởng và nghệ thuật nhuần nhuyễn, lành mạnh ở tầm cao mới, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống vùng dân tộc miền núi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của đồng bào dân tộc cả nước.

Chú trọng nâng cao nhận thức cho các văn nghệ sĩ trong đấu tranh phản bác, chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cùng với đó là đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò của các chi hội các tỉnh, thành phố và của các chuyên ngành, các lĩnh vực hoạt động, tăng cường sự phối hợp thường xuyên và có hiệu quả thiết thực với các hội chuyên ngành và với cơ quan đảng, chính quyền các cấp.

Thứ hai, có chính sách đãi ngộ, tôn vinh tác giả, tác phẩm tiêu biểu, các văn nghệ sĩ cao tuổi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng những nhân tố mới có năng khiếu sáng tạo văn học nghệ thuật, đặc biệt là các tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số ở các vùng miền trên cả nước. Có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; tạo cơ hội cho các văn nghệ sĩ trẻ giao lưu, tiếp xúc với những tác giả có kinh nghiệm, thành tựu trong sáng tác; tổ chức những chuyến đi thực tế bổ ích, thiết thực, nhằm động viên khích lệ, sáng tạo những tác phẩm chất lượng, giá trị.

Một trong những nhiệm vụ vừa có tính chiến lược vừa cấp bách của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số là khẩn trương xây dựng kế hoạch đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, biểu diễn, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình cả về số lượng và chất lượng, vững vàng, tài năng, am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc, gắn bó mật thiết với quê hương, nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình, sản phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, hấp dẫn với quần chúng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Phấn đấu có thêm những tác phẩm chất lượng, có giá trị khoa học và thực tiễn, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc cuộc sống con người vùng dân tộc thiểu số trong lịch sử và hiện tại, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Động viên, khích lệ các hội viên đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ tư, tiếp tục triển khai có chất lượng, hiệu quả giai đoạn I và giai đoạn II của Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt, giao Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số thực hiện. Xác định việc thực hiện Đề án là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, căn cốt nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn học nghệ thuật các dân tộc, đặc biệt trên các lĩnh vực ngôn ngữ, chữ viết của những tác phẩm - văn bản cổ đã có từ nhiều trăm năm của nhiều dân tộc trong cả nước mà hiện nay đang bị mai một đáng báo động./.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ riêng và trực tiếp của đồng bào các dân tộc và những người hoạt động sáng tạo văn hóa là người dân tộc mà là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta. Do đó, cấp ủy đảng các cấp, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương... cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi nhất, dành sự quan tâm và nguồn lực xứng đáng, cần thiết cho hoạt động văn học nghệ thuật, hoạt động văn hóa đúng với phương châm “kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần”. Các cơ quan, ban, ngành, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ để Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, tiếp tục phát triển góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
(tại Đại hội VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024 của Hội Văn học,nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam)

Song Hoàng/TG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 98

Hôm nay: 16,892

Hôm qua: 16,487

Tháng hiện tại: 387,621

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,097,938

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây