Kế thừa tinh hoa trị quốc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ nhật - 29/12/2019 19:59 324 0

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm với những bước thăng trầm, thịnh suy nhưng rất đỗi anh dũng, kiên cường. Điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử buộc đất nước ta phải thường xuyên đối phó với thiên tai địch họa, liên tục chống lại những thế lực xâm lược lớn mạnh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Văm Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh minh họa)

TINH HOA ĐẶC SẮC VỀ NGHỆ THUẬT CẦM QUYỀN

Trải qua các thời đại với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, dưới thời phong kiến độc lập, tự chủ, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê (hậu Lê) đến triều Tây Sơn đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ vững chắc giang sơn. Lịch sử đã chứng minh rằng, ở các mức độ khác nhau, các triều đại phong kiến đã có những đóng góp quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, góp phần giữ yên bờ cõi trước sự xâm lăng của ngoại bang, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc. Tinh hoa đặc sắc về nghệ thuật cầm quyền, trị quốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ở các thời thịnh, các triều đại phong kiến luôn thể hiện qua những tư tưởng và thực hành nhiều chính sách quan trọng, đó là:

Một là, luôn đề cao vai trò của nhân dân, coi “dân là gốc”, từ đó tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng trong tiến trình lịch sử Việt Nam để ứng phó và vượt qua các thử thách. Trong lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thử thách khắc nghiệt, nhưng chính quyền luôn biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh trong nhân dân - cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Những điển hình trong lịch sử, như Ngô Quyền dựa vào quân và các hào trưởng địa phương mà đánh tan quân Nam Hán; triều Trần với Hội nghị Diên Hồng kêu gọi toàn dân kháng chiến và ba lần đánh bại ý chí xâm lược của đế chế Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII là “nhờ cả nước giúp sức” như lời của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo.... Thời hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chiến thắng các đế quốc, thực dân hùng mạnh trong thế kỷ XX cũng là nhờ vào đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc để giành và bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

Hai là, coi lợi ích của dân tộc là tối thượng. Trong những giá trị thuộc phạm trù lợi ích dân tộc thì độc lập và chủ quyền quốc gia được coi là thiêng liêng nhất. Vua Lê Thánh Tông với câu nói nổi tiếng “Nếu kẻ nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Hồ Quý Ly để mất độc lập và chủ quyền vào tay quân Minh, Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Mãn Thanh, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm đánh đổi chủ quyền, Bảo Đại và ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975... đều bị dân tộc coi là những kẻ tội đồ với lịch sử vì đã làm mất hoặc bán rẻ những giá trị thiêng liêng đó. Xét về góc độ trị quốc, các triều đại hưng thịnh đều thu phục được lòng dân, huy động được sức mạnh toàn dân khi biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng.

Ba là, cai trị mềm dẻo, khoan dung, trọng hòa hiếu. Đây là một trong những tính cách đặc trưng của người Việt: “Nhu viễn” (mềm với phương xa), lý đi đôi với tình là chính sách đối xử đặc biệt với các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng biên viễn được thực thi từ thời Lý và trở thành nét độc đáo trong chính sách cai trị của hầu hết các chính quyền ở Việt Nam. Bộ Luật Hồng Đức thể hiện đậm chất nhân văn, phản ánh sinh động đặc trưng này - “Những người miền Thượng phạm tội với nhau thì lấy tục lệ xứ ấy mà xử”. Ngoại giao triều cống, thực hiện chính sách “thần phục giả vờ, nhận sắc phong nhưng độc lập thật sự” trong quan hệ bang giao với các triều đại phong kiến Trung Hoa là nhằm tạo lập một cách ứng xử phù hợp và có lợi nhất cho quốc gia - dân tộc.

Bốn là, phát huy đại đoàn kết dân tộc, khoan dung tôn giáo. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng; là quốc gia luôn giải quyết tốt vấn đề tôn giáo từ ngàn xưa đến nay, hầu như không có xung đột tôn giáo mà trái lại, các tôn giáo quan hệ với nhau trong hợp tác và hòa thuận. Có được những kết quả đặc sắc như vậy do những chính sách khoan dung tôn giáo, kiến tạo môi trường hỗn dung cùng tồn tại trong hòa bình, ổn định và phát triển của nhiều tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, là nét đặc sắc trong nghệ thuật cầm quyền, trị quốc của Việt Nam, thể hiện qua việc mở khoa thi kén chọn nhân tài, dụng nhân tài không kể xuất thân, không kỳ thị lỗi lầm trong quá khứ; dựng bia đá, trọng đãi nhân tài, vun đắp nguyên khí quốc gia; cảm hóa thu phục nhân tài tham gia kháng chiến, cứu nước.

Sáu là, mở rộng dân chủ. Dân chủ dường như không tồn tại dưới chính thể quân chủ, nhưng không ít lần các chính quyền phong kiến đã mở rộng dân chủ để cố kết nhân tâm và tranh thủ trí tuệ của nhân dân và của quần thần, hạn chế độc đoán, chuyên quyền. Đây là hiện tượng không hiếm gặp dưới các triều đại quân chủ, tập quyền chuyên chế, như Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng thời Trần để lấy ý kiến các vương hầu và đại diện bô lão trong cả nước để bàn kế sách đánh giặc khi giặc Nguyên - Mông chuẩn bị kéo sang xâm lăng bờ cõi nước ta; định chế cộng đồng, chế độ Đình nghị dưới triều Minh Mạng để thảo luận, bàn bạc đề xuất với vua về những vấn đề liên quan đến đất nước, làng xã...).

NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG YẾU CẦN QUAN TÂM THỰC THI

Kế thừa những tinh hoa đặc sắc về nghệ thuật cầm quyền, trị quốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền cần phải quan tâm và thực thi những vấn đề trọng yếu sau:

Thứ nhất, phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Bất kể chế độ chính trị nào muốn tồn tại, ổn định và phát triển lâu dài không thể không quan tâm đến lợi ích quốc gia - dân tộc, vận mệnh của đất nước. Vì thế, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có sự đan xen giữa “phát triển và bất ổn”, “biến động và khủng hoảng”, “hợp tác và cạnh tranh”, các cấp ủy đảng, chính quyền, mọi tổ chức, cá nhân không được phép xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc, phải tránh những tư tưởng, hành động vì lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực mà bỏ qua, bất chấp làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc.

Bất luận ở hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, càng phải tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì mọi chủ trương, chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, quan tâm thực sự đến cuộc sống của nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, công tác dân tộc; các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Qua đó, tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời, tích cực đấu tranh chống những biểu hiện, hành vi tà đạo, mê tín, dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm phương hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Thứ ba, trong nhận thức và hành động phải đảm bảo nhất quán quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”; tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(1), “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(2) và các quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong mọi hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền phải bảo đảm dân chủ được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, phải thật sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao với dân; khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng nhân dân.

Thứ tư, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; thu hút, trọng dụng nhân tài. Truyền thống coi trọng nhân tài được kế thừa, phát huy qua nhiều thời kỳ lịch sử và tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng để thu hút, trọng dụng nhân tài.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm phát hiện, thu hút và trọng đãi người tài; chú trọng đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp có đạo đức và tài năng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường kiểm soát và đấu tranh chống sự suy thoái, tha hóa quyền lực, gia trưởng, mất dân chủ; chú trọng công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, có chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với người có tài năng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Thứ năm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, ông cha ta đều rất chú trọng “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”, “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, thực hiện chính sách “trong ấm ngoài êm”, “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận... Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”... Vì vậy, ngày nay, các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm phát huy sức mạnh bên trong của đất nước, bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, sức mạnh của nền kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bằng sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, đề cao văn hóa dân tộc. Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là những yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên đặt ra cho các cấp ủy đảng, chính quyền trong giai đoạn hiện nay.

Lịch sử là một quá trình vận động liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai; trong đó, nổi bật lên là quy luật kế thừa, kế thừa những tinh hoa mà cha ông đã để lại. Vì vậy, việc vận dụng và phát huy những di sản truyền thống đó trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

Tuyengiao.vn

_______________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.5, tr.698.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.12, tr.249.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 52

Hôm nay: 12,637

Hôm qua: 18,245

Tháng hiện tại: 126,705

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 9,837,022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây