Quà Tết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Quà Tết đang bị lợi dụng, bị biến tướng và làm méo mó văn hóa truyền thống…, cũng như vô tình tạo ra sự ganh đua thú chơi xa xỉ gây lãng phí xã hội…
Quà Tết, có lẽ là câu chuyện dài… gây khó xử và đau đầu với không ít người! Bắt nguồn từ phong tục truyền thống tốt đẹp, Tết là dịp để mọi người bày tỏ tình cảm trong sáng trong mối quan hệ thân tình, bằng hữu với nhau. Tặng quà ngày Tết là một nét văn hóa đẹp vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay, nhưng bây giờ tặng quà Tết không khéo thì rất dễ bị tai tiếng thị phi, có khi bị cho là tranh thủ, là tiêu cực… Nhưng, quả thực quà Tết giờ đã khác xưa, người ta lợi dụng phong tục văn hóa để che đậy hành vi tranh thủ, hối lộ, bôi trơn, chạy dự án... Quà Tết giờ lắm nhiêu khê, chạy theo chức tước, đua nhau sang-hèn… Vấn đề biếu xén, quà Tết không còn đúng với bản chất phong tục truyền thống tốt đẹp vốn có, mà nó đã bị biến tướng, bị thương mại hóa, thị trường hóa…
Dư luận cho rằng, Tết vẫn là cơ hội vàng cho một bộ phận cán bộ, quan chức trục lợi, qua đó những hành vi hối lộ, tham nhũng… được hợp thức một cách dễ chấp nhận nhất. Cũng chẳng còn dịp nào hợp tình hơn cho cấp trên “tranh thủ” cấp dưới để nhận quà cáp, biếu xén, trả ơn… Và mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cộng đồng lại thấy cảnh tấp nập dòng người, phong bì, phong bao chẳng biết nhỏ-to thế nào, nhưng hoa lá, cây cảnh thì phải là hàng thửa thuộc loại khủng và độc như: Mai, Lan, Đào, Quất, Bưởi, Bòng… có giá trị nhiều triệu đồng - những thứ xa xỉ khó có thể từ chối vẫn được ùn ùn mua bán, có vẻ ngày càng hoành tráng hơn.
Không ít người lại cho rằng, vấn đề tham nhũng, hối lộ… không đơn thuần là chuyện quà cáp, biếu xén ngày Tết. Thực tế cho thấy, tham nhũng bây giờ là sự ăn chia sòng phẳng, là tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị từ các dự án lớn-bé, là sự hợp tác cùng có lợi… (nhóm lợi ích), chứ quà Tết thì bõ bèn gì với những đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận cán bộ, quan chức. Dư luận vẫn rỉ tai nhau, để có được những chữ ký phê duyệt dự án này, dự án nọ, hợp đồng kia, gói thầu A, B, C… không hề đơn giản, vô tư như người ta tưởng!
Nói về chuyện quà Tết, không thiếu gì chuyện dở khóc dở cười…, không ít người đã phải “ăn quả đắng” vì chuyện biếu xén quà Tết cấp trên. Anh bạn tôi là một đơn cử, chuyện là thế này, sếp ở cơ quan anh bạn tôi có thói quen cứ Tết đến lại điểm danh cán bộ, nhân viên cấp dưới đến chúc Tết để nhận quà cáp, biếu xén… rồi đánh giá quan hệ tình cảm của cấp dưới đối với mình; nhân viên nào không đến thì sau đó kiểu gì cũng bị thù cho bằng chết… Không may cho anh bạn tôi, Tết năm đó cũng vì chuyện quà cáp, biếu xén mà vợ chồng anh ấy mâu thuẫn, cãi nhau to, vì thế anh bạn tôi đã không đến biếu quà Tết sếp, và cả một năm đó, anh bạn tôi khốn khổ vì sếp gây khó dễ... Có thể những chuyện tương tự như anh bạn tôi không nhiều, nhưng chắc hẳn, vấn đề quà Tết cũng làm không ít người phải thất thố với cấp trên!
Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ ngơi, sum họp gia đình, nhưng với nhiều người Tết lại là mối lo không nhỏ, thậm chí không thích Tết và sợ Tết; người ta lo đủ thứ, từ chuyện giao thông đi lại; lo kinh tế, đối nội, đối ngoại; rồi chuyện tiền mừng tuổi, lì xì cũng phải tính toán… cho đến sợ thất thố với cấp trên... đúng là trăm bề lo toan!Tưởng rằng, xã hội phát triển ngày càng có nhiều tiến bộ văn minh hơn, thì những mối lo ngày Tết cũng dần bớt đi và câu nói “làm lụng quanh năm lo 3 ngày Tết” không còn là áp lực và nặng nề như trước nữa.
Nhằm ngăn chặn biến tướng của vấn đề quà Tết, lợi dụng các vấn đề phong tục để trục lợi, làm méo mó văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm gần đây, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, Ban Bí thư lại ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Tết. Chỉ thị nhắc lại việc nghiêm cấm tặng quà Tết cấp trên dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, để những chỉ đạo, yêu cầu của Đảng và Nhà nước, cũng như các quy định pháp luật về việc cấm tặng, biếu quà tết cấp trên thực sự đi vào cuộc sống, cũng như không làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống, tình cảm trong sáng trong mối quan hệ thân tình, bằng hữu... đòi hỏi cần phải có thêm nhiều chế tài mạnh mẽ để giám sát cụ thể và xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực, biến tướng…
Cần tăng cường tuyên truyền về nếp sống văn minh trong việc lễ, Tết… để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen văn hóa, ý thức tự giác của toàn dân. Đặc biệt quan trọng và hàng đầu là người lãnh đạo phải nêu gương, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, các quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm biếu xén, nhận quà lễ, Tết, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến cấp dưới cũng như góp phần lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Hơn nữa, không chỉ riêng vấn đề quà Tết, mà việc cấm biếu, tặng quà cấp trên, hay nhận quà dưới mọi hình thức phải được thực hiện cương quyết, thường xuyên và liên tục từ trên xuống dưới, nhằm thay đổi thói quen, suy nghĩ vốn xuất phát từ một nét đẹp văn hóa nhưng đang có chiều hướng bị biến tướng và lạm dụng.