Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh trong thời kỳ mới

Thứ năm - 27/06/2024 22:30 2311 0

Thời gian qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Phú Yên không ngừng phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Cùng với những chính sách hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước và nội lực sẵn có, các doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

11
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: NHƯ THANH

Phát triển về số lượng lẫn chất lượng

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực đã được ban hành, đến nay, đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân của Phú Yên ngày càng lớn mạnh. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã tạo đột phá trong quản trị DN, sản xuất, kinh doanh để hình thành những DN tư nhân lớn mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.710 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 75.104 tỉ đồng.

Được thành lập từ năm 2006 theo chủ trương cổ phần hóa DN nhà nước, trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP An Hưng đã từng bước đầu tư nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến, mở rộng quy mô, thị trường, tăng năng lực sản xuất, tăng trưởng doanh thu.

Bà Huỳnh Thị Khiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP An Hưng cho biết: Dù bị ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, nhưng DN đã tìm cách thích ứng với điều kiện hiện tại và nỗ lực vượt khó, bảo đảm duy trì ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hiện công ty có 5 nhà máy với tổng lao động trên 2.600 người. Năm 2023, DN đã đóng góp cho ngân sách gần 5 tỉ đồng. Hiện nay, ngoài các khách hàng truyền thống như Mỹ hay các nước châu Âu, công ty cũng đã ký các đơn hàng với đối tác đến từ Nhật Bản.

Là một trong những DN FDI hoạt động lâu năm trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đang từng bước khẳng định vị trí cũng như vai trò trong đóng góp phát triển KT-XH địa phương. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc công ty cho biết: Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty không ngừng lớn mạnh và phát triển.

Điển hình nhất là trong năm 2023 vừa qua, công ty đã mua mía với giá 1,3 triệu đồng/tấn tại ruộng và ép được 1,26 triệu tấn mía cây. Việc sản xuất đường, bán đường và đóng góp vào ngân sách nhà nước trong vụ ép 2022-2023 cũng cao nhất trong lịch sử của KCP. Nhờ đó, việc chăm lo đời sống cho người lao động cũng như tham gia các hoạt động an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ.

Tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0

Sau nhiều năm tiếp cận và chủ động đổi mới, cộng đồng DN ý thức được tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Xu thế toàn cầu hóa, thương mại điện tử xóa bỏ mọi khoảng cách chính là cơ hội để các DN hòa nhập nhanh chóng. Chuyển đổi số được coi là chiến lược, giúp các DN nâng cao hiệu quả quản trị, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Bắt nhịp cùng xu hướng chuyển đổi của thế giới cũng như những đòi hỏi bắt buộc của thực tế, nhiều năm nay, Công ty TNHH Thương mại Vi Long đã từng bước đầu tư, ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản lý, vận hành kinh doanh.

Bà Phạm Thị Hằng Vy, Giám đốc công ty này cho biết: Ứng dụng công nghệ số là giải pháp trọng tâm mà công ty triển khai để tạo sự khác biệt, đột phá trong điều hành ở cả ba lĩnh vực quan trọng là nhân sự, chiến lược và quản trị DN. Từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến điều hành kinh doanh, công ty đều số hóa để phân tích, làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời.

1

Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động nên tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí trong việc nhận đặt hàng, vận chuyển, phản hồi thông tin, truyền thông chính sách, chương trình bán hàng.

Trong 3 năm trở lại đây, số DN thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tăng lên. Một số DN đã dành chi phí để số hóa dữ liệu của DN, tiếp cận tốt các dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp như dịch vụ công trực tuyến, thuế điện tử…

Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Mục đích mà các DN chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là nền tảng quan trọng, không những mang lại giá trị kinh tế mà còn đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân. Chính vì thế, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình DN và ở nhiều mức độ khác nhau.

Tăng vị thế doanh nghiệp, doanh nhân

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động 35-CTr/TU ngày 2/1/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đến năm 2030, Phú Yên có đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Toàn tỉnh phấn đấu có khoảng 8.000 DN hoạt động; tốc độ phát triển DN hằng năm tăng trưởng trên 13%; tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào GRDP để đến năm 2030 đạt khoảng 78%. Tầm nhìn đến năm 2045, Phú Yên phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu của tình hình mới, tạo thu nhập cao, tăng vị thế trong khu vực, uy tín trong nước và quốc tế; một bộ phận DN có thương hiệu tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh khuyến khích các DN có tiềm lực, nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư tại tỉnh nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư hằng năm để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Các sở, ban ngành và địa phương, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh để hỗ trợ DN về tài chính, tiếp cận đất đai, đổi mới nâng cao công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của DN, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của DN trong những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; tạo môi trường lành mạnh, an toàn để DN hoạt động theo đúng pháp luật.

Cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân. Trong đó, Sở KH&ĐT thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

NHƯ THANH/PYO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 123

Hôm nay: 15,141

Hôm qua: 16,024

Tháng hiện tại: 312,886

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,023,203

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây