Lý luận và xây dựng nền tảng lý luận

Thứ năm - 13/06/2019 20:57 694 0

Lịch sử chính trị phát triển của các chính đảng trong thế giới cận, hiện đại đã chứng minh, bất kỳ chính đảng nào ra đời cũng có chủ nghĩa của nó, bởi có chủ nghĩa mới có thể tổ chức thành chính đảng. Theo đó, một chính đảng mạnh bao giờ cũng phải có chủ nghĩa “làm cốt” và nền tảng lý luận khoa học dẫn đường. Nếu không, chính đảng ấy sẽ mất phương hướng, “lúng túng như nhắm mắt mà đi” và tất yếu, cách mạng sẽ khó thành công, thậm chí thất bại. 

6
Ảnh minh họa

Lý luận là một hệ thống các quan điểm phản ánh thực tiễn, được thể hiện dưới dạng hệ thống những tri thức đã được khái quát, tạo ra những quan niệm tương đối hoàn chỉnh về các mối liên hệ cơ bản và các quy luật của hiện thực khách quan. Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, mọi lý luận chân chính đều bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn. Vì lẽ đó, lý luận là một nội dung, một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của một chính đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền mà không có lý luận dẫn đường thì “cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1), cách mạng sẽ không có “phong trào vận động” và đảng sẽ không thể làm nổi “trách nhiệm cách mạng tiền phong”.

Để đạt được mục tiêu cải biến xã hội, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, đòi hỏi mỗi chính đảng cầm quyền phải xây dựng cho được một nền tảng lý luận, đáp ứng ba yêu cầu cơ bản: Một là, đáp ứng nhu cầu phát triển của quảng đại quần chúng nhân dân. Hai là, thường xuyên tạo ra động lực phát triển của xã hội theo xu thế phát triển của thời đại. Ba là, gắn kết với thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra. Ba nội dung này có nội hàm gắn kết biện chứng với nhau, không tách rời nhau, làm cho nền tảng lý luận ngày càng thêm phong phú và trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén cho phong trào cách mạng của đảng.

Thực tiễn cách mạng luôn cho thấy, lý luận mà không đáp ứng được nhu cầu phát triển của quảng đại quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu, lợi ích của nhân dân thì đảng cầm quyền sẽ không thể tập hợp được sức mạnh to lớn, vĩ đại từ trong quần chúng nhân dân. Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực sáng tạo ra lịch sử, nếu lý luận không làm thỏa mãn yêu cầu phát triển của nhân dân, thì tất yếu cách mạng sẽ đánh mất cả mục tiêu lẫn động lực. Chỉ khi nào lý luận thâm nhập được vào quần chúng, được quần chúng kiểm nghiệm, thì lý luận mới trở thành sức mạnh vật chất, thành vũ khí tư tưởng sắc bén, như C. Mác đã từng phân tích: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”(2).

Lý luận nếu không tạo ra động lực phát triển của xã hội, không đảm bảo được  vai trò đột phá, đi trước, mở đường thì đảng sẽ không làm được “cách mạng vận động”; không  tổ chức, dẫn dắt được nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Trên thực tế, tác dụng và sức sống của lý luận luôn phụ thuộc vào khả năng của chính nó. Tức là, khả năng khái quát bản chất của hiện thực khách quan, rút ra quy luật phát triển, giải đáp kịp thời những vấn đề cấp bách của lịch sử để tiếp tục mở đường, thúc đẩy lịch sử phát triển. Ngược lại, thì phong trào cách mạng sẽ bế tắc, đảng cầm quyền sẽ khủng hoảng về đường lối chính trị, niềm tin của nhân dân sẽ bị lung lạc, cách mạng sẽ gặp khó khăn.

Lý luận nếu không gắn kết với thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển liên tục của xã hội cũng như những nguyện vọng thiết tha của quần chúng nhân dân. Về nguyên lý, sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn là có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời nhau. Lý luận là cái phản ánh thực tiễn, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là căn cứ để kiểm chứng tính đúng đắn của lý luận. Xét đến cùng, lý luận là từ thực tiễn mà đúc kết, khái quát lên để tiếp tục dẫn dắt thực tiễn phát triển. Thực tiễn là cái bổ sung và làm phong phú, sắc bén thêm lý luận. Trong điều kiện phát triển phức tạp của hiện thực, nếu lý luận xa rời thực tiễn thì lý luận trở nên giáo điều, khô cứng, sáo rỗng; còn thực tiễn mà không có lý luận dẫn đường thì đó là thực tiễn “mù quáng”. Trên thực tế, khi nào và ở đâu lý luận gắn kết được với thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra thì lúc đó, ở đó hệ tư tưởng của đảng và những giá trị văn hóa của dân tộc, những tinh hoa văn hóa thời đại được hội tụ và nhân lên, chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, cách mạng sẽ phát triển không ngừng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò “làm cốt” của lý luận, ngay từ những giai đoạn “trứng nước” của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, nhắc nhở Đảng ta “cần phải chăm lo xây dựng nền tảng lý luận tiền phong của Đảng”; “cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận,... chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(3).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Kiên định và Phát triển nền tảng lý luận Mác xít, xây đắp phong phú thêm hệ thống lý luận cơ bản, đường lối cơ bản, cương lĩnh cơ bản của Đảng, thể hiện trên những phương diện căn bản sau:

Thứ nhất, kiên định nền tảng lý luận của Đảng. Lịch sử Đảng gần 90 năm xây dựng và trưởng thành đã chứng minh, trong mọi hoàn cảnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn toàn tâm, toàn ý: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, xây dựng nền tảng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng phong phú, sinh động, giúp cho Đảng ta luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, tổ chức và tác phong công tác.

Kiên định nền tảng lý luận của Đảng, không có nghĩa là rập khuôn, máy móc mà là kiên định với những nguyên lý cơ bản của nền tảng lý luận đó, thể hiện ở lập trường cách mạng triệt để của giai cấp công nhân; ở quan điểm khoa học, xuất phát từ thực tiễn, phát hiện quy luật và làm theo quy luật; và ở phương pháp biện chứng để giải quyết các vấn đề tự nhiên, xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Luận điểm này đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc, đặt nền móng lâu dài cho công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận. Cụ thể với Việt Nam, lý luận của Đảng dựa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam…;  là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(4).

Thứ hai, phát triển sáng tạo nền tảng lý luận của Đảng. Mặc dù chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vũ khí lý luận sắc bén, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, nhưng tự bản thân nó không phải là một hệ thống lý luận giáo điều, nhất thành bất biến. Chỉ khi nào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực tiễn, thì nó mới thực sự có sức sống mãnh liệt, soi rọi con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn và nhân dân ta đang tiếp bước.

Thế giới không ngừng có những diễn biến phức tạp và biến động khó lường, luôn đặt ra rất nhiều tình hình mới, vấn đề mới cần phải trả lời cả về lý luận lẫn thực tiễn. Trong bối cảnh đổi mới, Đảng ta luôn đặt vấn đề cần phải làm rõ những luận điểm nào của Mác và Lênin là đúng, bây giờ vẫn đúng và lâu dài về sau vẫn đúng; những luận điểm nào trước kia đúng nhưng điều kiện lịch sử hiện nay đã thay đổi, không còn phù hợp cần phải bổ sung, phát triển... Từ đó, Đảng luôn chủ trương đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, đánh giá đầy đủ, chính xác thực tiễn, tập trung nghiên cứu lý luận, giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận do thực tiễn đặt ra.

Hiện nay, với sự tồn tại cục diện đa dạng hóa các chủ thể lợi ích trong xã hội, sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định tới nền tảng lý luận của Đảng, đó là điều khó tránh khỏi. Nhiều quan điểm lý luận, quan niệm tư tưởng khác nhau nảy sinh và cùng tồn tại, đây là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động về tư tưởng và “chao đảo” về các quan niệm giá trị; thậm chí, bị mê hoặc vào những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch “diễn biến hòa bình”, dẫn đến nghi ngờ chủ nghĩa Mác - Lênin, nghi ngờ chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đó là một thực tế chúng ta đang đang phải đối diện, trong khi vẫn còn nhiều vấn đề lý luận chưa được thống nhất và chưa được giải đáp thuyết phục.

Trên thực tế, đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có biểu hiện chao đảo về lập trường, mất phương hướng về niềm tin, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mà tác hại của nó, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(5). Bài học lịch sử về sự đổ vỡ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân quan trọng là các đảng cầm quyền ở những nước đó đã đánh mất vai trò soi đường của lý luận Mác xít, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho hệ ý thức tư tưởng trong nội bộ bị rối loạn và mất khả năng hiệu triệu quần chúng.

Bên cạnh đó, nếu chỉ kiên trì mà không phát triển thì lý luận sẽ trở nên giáo điều, khô héo, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của quảng đại quần chúng nhân dân, không tạo ra được động lực phát triển của xã hội và chắc chắn không thể giải đáp kịp thời, khoa học những vấn đề biến động không ngừng của thực tiễn. Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”(6). Đây cũng chính là biện pháp tốt nhất để đấu tranh với các khuynh hướng sai lầm, mơ hồ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên; đồng thời, làm thất bại âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, khi họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết đã lỗi thời, không thể giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra trong thế giới đương đại; rằng nó chỉ là một môn phái học thuật đơn thuần, không có vai trò chỉ đạo, soi đường đối với cách mạng và kiến thiết đất nước; rằng CNXH là hoang tưởng, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới là vĩnh hằng,... Đó là những luận điệu hoàn toàn sai trái và cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta phải luôn luôn kiên định và phát triển không ngừng nền tảng lý luận của Đảng.

Kiên định và phát triển là hai phạm trù có nội hàm khác nhau, nhưng thống nhất với nhau, giúp Đảng ta luôn kiên định sự chỉ đạo, soi đường của lý luận khoa học, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra; đồng thời, trở lại làm phong phú, sâu sắc thêm nền tảng lý luận của Đảng. Từ đó, vượt qua khó khăn, thách thức và những cản trở của thời cuộc, vững bước đi lên cùng thời đại. Kiên định và phát triển vừa là nguyên tắc vừa là phương châm công tác cơ bản và cũng là thái độ ứng xử đúng đắn của Đảng ta đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống giáo điều, xét lại trong nghiên cứu lý luận, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng nền tảng lý luận của Đảng ngày càng phát triển.

Thấm nhuần phương châm “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được nhiều thành quả có ý nghĩa lịch sử to mà trước hết là nhờ vào cái vũ khí không gì thay thế được là nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời là sự đổi mới và phát triển không ngừng, đầy sáng tạo nền tảng lý luận. Cách mạng Việt Nam nhờ đó đã khắc phục được những bế tắc, khủng hoảng và khó khăn về đường lối lãnh đạo mà trước đó, các nhà cách mạng tiền bối luôn phải cam chịu “cả trăm thất bại mà không một thành công”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”(7)./.

------------------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.2, tr.289.

(2) C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự Thật, H,1980, tr.25.

(3), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.280, 277.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, tr. 88.

(5) Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 
4 khóa XII, Báo Nhân dân ngày 14-10-2016.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2016, tr.199-201.

Phương Vinh/tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 102

Hôm nay: 25,111

Hôm qua: 15,401

Tháng hiện tại: 56,385

Tháng trước: 530,097

Tổng lượt truy cập: 10,296,799

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây