Đang truy cập: 102
Hôm nay: 15,118
Hôm qua: 16,024
Tháng hiện tại: 312,863
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,023,180
- Đang truy cập102
- Hôm nay15,118
- Tháng hiện tại312,863
- Tổng lượt truy cập10,023,180
Một trong những mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nước ta năm 2021 là nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) lên mức 91% dân số.
Đây là dấu mốc quan trọng để hướng đến toàn dân đều tham gia và sử dụng BHYT. Qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc và giúp chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân.
Nền tảng của chính sách BHYT là sự chia sẻ của cộng đồng đối với những trường hợp không may bị ốm đau, bệnh tật. Nhờ có BHYT, nhiều gia đình đã vơi bớt gánh nặng tài chính khi được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị, nhất là với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị dài ngày. Đồng thời, cũng có thêm nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động y tế, từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và bảo đảm tốt hơn công bằng xã hội. Với tính chất ưu việt như vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng khuyến khích, tạo điều kiện để đông đảo người dân tham gia BHYT. Trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã tăng từ 45% năm 2009 lên hơn 90% hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít người chưa mặn mà với BHYT. Tâm lý nhiều người còn e ngại khi cho rằng khám chữa bệnh bằng BHYT không được đối xử bình đẳng với chất lượng dịch vụ tốt như khi khám, điều trị bằng dịch vụ. Một số người là lao động tự do còn không biết phải tham gia như thế nào, mua BHYT ở đâu, cách thức sử dụng... Lo lắng với các thủ tục, thời gian chờ đợi hay những băn khoăn về sự tận tình của các y, bác sĩ đối với những người khám chữa bệnh bằng BHYT là rào cản vô hình khiến nhiều người chưa tiếp cận với chính sách này. Trong đó, có những gia đình hoàn cảnh còn khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng, xã hội thông qua BHYT sẽ khó trang trải được chi phí cho dịch vụ y tế.
Hiện nay, vẫn còn dư địa để tiếp tục mở rộng số người tham gia BHYT, mấu chốt là việc triển khai các giải pháp đồng bộ để người dân thực sự yên tâm, thấy rõ lợi ích mà chính sách này mang lại. Kinh nghiệm từ một số bệnh viện cho thấy, chất lượng dịch vụ y tế là yếu tố hàng đầu để thu hút nhiều hơn nữa người dân tiếp cận với BHYT. Mô hình xây dựng "bệnh viện một chất lượng" tại Đắc Lắc là một ví dụ. Tại đây, mục tiêu hướng đến của ban lãnh đạo cũng như các nhân viên là có được sự tín nhiệm của người dân khi đến khám và điều trị bằng BHYT. Mọi bệnh nhân dù sử dụng BHYT hay dịch vụ đều được hưởng chất lượng và chăm sóc như nhau. Đối với các y bác sĩ, người dân tìm đến bệnh viện đều được thăm khám, chữa trị chu đáo, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Với bệnh viện, BHYT chỉ khác ở chỗ có thêm cơ quan hỗ trợ thanh toán viện phí. Với việc áp dụng biện pháp cải tiến quy trình, thủ tục thanh toán viện phí qua BHYT được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, giúp người dân không còn cảm thấy bất tiện. Từ đó, những "ác cảm", băn khoăn, lo lắng sẽ không còn, thay vào đó là sự vững tâm của người bệnh, tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế của bệnh viện.
Những việc làm thiết thực vì sức khỏe người dân là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất để BHYT ngày càng phổ biến hơn với toàn xã hội. Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội song hành với tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mục tiêu hoàn thành BHYT cho toàn dân đang đến gần, đó sẽ là cơ sở, nền tảng xây dựng cộng đồng xã hội khỏe mạnh, góp sức cùng phát triển đất nước.
ĐỖ MẠNH HƯNG/QĐND
Liên kết website
Đang truy cập: 102
Hôm nay: 15,118
Hôm qua: 16,024
Tháng hiện tại: 312,863
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,023,180