Một số bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống Covid - 19

Chủ nhật - 14/03/2021 21:52 1065 0

Trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nhiều nước, khu vực, có tác động sâu rộng tới sức khoẻ và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được triển khai trên thế giới và tại Việt Nam để ứng phó với đại dịch Covid-19. Qua đó, chúng ta đã rút ra được những bài học quan trọng trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch, hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ thống y tế ứng phó với đại dịch và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

2
Tiêm vắc xin phòng, chống Covia - 19 tại Hà Nội.

Dịch Covid-19 được báo cáo lần đầu tiên với những chùm ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hiện tình hình dịch trên thế giới dù đã có dấu hiệu ghi nhận giảm tuy nhiên đến nay số ca mắc ghi nhận mỗi ngày vẫn ở mức cao (khoảng 400.000), tỷ lệ bao phủ vắc xin của người dân vẫn còn hạn chế, hiệu lực lâu dài của vắc xin còn chưa có đánh giá. Ngoài ra, thế giới đã ghi nhận nhiều biến chủng mới có khả năng lấy lan nhan hơn, kháng vắc -xin và lẩn trốn kháng thể (đột biến B.1.429).

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đến nay có thể chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/01/2020 và các trường hợp mắc mới là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ… Giai đoạn thứ 2 tiếp theo được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 đến tháng 10/2020. Giai đoạn thứ 3 ghi nhận vào 25/01/2021 với ca chỉ điểm tại Hải Dương (ngày đến 10/3/2021.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI

Qua ba giai đoạn phòng, chống dịch, tình hình đã cơ bản kiểm soát tốt, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, khẩn trương quay trở lại lao động, sản xuất và duy trì các biện pháp phòng chống dịch ngay sau kỳ nghỉ Tết, không để xảy ra các tình huống phức tạp về dịch bệnh. Ngành Y tế và các địa phương vẫn rất khẩn trương, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. 

Nước ta, trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch SARS năm 2003, đại dịch cúm A(H1N1) năm 2009, ngay từ đầu khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, nước ta đã triển khai các biện pháp hết sức quyết liệt ngay từ rất sớm nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút vào Việt Nam. Đã có nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch như: hạn chế nhập cảnh, tiến tới dừng nhập cảnh đối với tất cả người từ nước ngoài vào Việt Nam, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng, ...; đồng thời công tác chống dịch đã có được sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của toàn thể người dân trong việc đáp ứng dịch COVID-19. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp và lan rộng của dịch bệnh tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới, trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn ngay từ rất sớm, đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh này. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế làm Phó trưởng ban, cùng các Bộ, Ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm, phương châm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. Đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Thường trực Chính phủ họp 1 lần/tuần; Ban Chỉ đạo quốc gia họp 2 ngày/lần, kịp thời có các chỉ đạo phù hợp, sát với diễn biến tình hình dịch bệnh. 

Các Bộ, ngành và các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt và sự phối hợp khá chặt chẽ trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các Bộ, ngành đã kịp thời hỗ trợ các địa phương, có sự quan tâm, ủng hộ nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. 

Thứ nhất, các Bộ, ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch xâm nhập từ bên ngoài như: kiểm soát nhập cảnh tại sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở…, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; quan tâm việc bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu cấp thiết, hoàn cảnh đặc biệt về nước an toàn và triển khai kế hoạch điều tiết đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước phù hợp.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả các biện pháp nhằm nhằm ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm, khoanh vùng gọn, cách ly phù hợp, dập dịch kiên quyết, điều trị hiệu quả. Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; truy vết toàn bộ người có nguy cơ; yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp có tiếp xúc gần; triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm tất cả các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp; tổ chức khoanh vùng, phong toả, cách ly kịp thời, với quy mô, phạm vi có chọn lọc theo các khu vực nguy cơ trong thời gian phù hợp.

Nâng cao công suất xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có nguy cơ, kể cả các trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở trong cộng đồng, người trở về từ vùng dịch, chú trọng các biện pháp bảo vệ các đối tượng như người già, người có bệnh lý nền; rà soát, quản lý các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền; nhân viên y tế tại các bệnh viện, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu cách ly; Tổ chức phân loại, phân tuyến, hoàn thiện và tập huấn phác đồ điều trị; nhanh chóng triển khai các bệnh viện dã chiến tại một số địa phương. Ngành y tế đã hỗ trợ toàn diện các địa phương có dịch nâng cao năng lực xét nghiệm, giám sát dịch tễ, nhất là điều trị các ca bệnh nặng; Tổ chức truyền thông kịp thời, minh bạch về diễn biến và các biện pháp phòng chống dịch; thường xuyên khuyến cáo các biện pháp chủ động phòng chống dịch cho người dân, cộng đồng như đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Thực hiện việc tiếp nhận thông tin và gửi cảnh báo trên phạm vi toàn quốc, khuyến cáo thực hiện khai báo y tế, cài đặt và sử dụng các ứng dụng để cảnh báo nguy cơ.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển sản xuất, cung ứng, xuất khẩu các sinh phẩm, trang thiết bị (máy thở). Chú trọng nghiên cứu sản xuất trong nước vắc xin phòng Covid-19 và đã có kết quả bước đầu khả quan, đến nay đang chuẩn bị thử nghiệm trên người.

Thứ ba, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương có ca lây nhiễm chủ động, quyết định áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với mức nguy cơ và hạn chế tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế, xã hội và các sự kiện chính trị, đối ngoại. Các địa phương không có ca nhiễm trong cộng đồng, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế, nhất là tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn. Tiếp tục quan tâm các đối tượng yếu thế, đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, triển khai gói hỗ trợ cho các đối tượng mất việc, mất thu nhập, dừng sản xuất kinh doanh.  

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 21/NQ-CP VỀ MUA VÀ SỬ DỤNG VẮC-XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 26/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 với các nội dung chủ yếu sau: về đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí, về địa bàn và thời gian tiêm chủng; về nguồn kinh phí thực hiện và trách nhiệm của các bộ, ngành...

Trên tinh thần đó, ngày 05/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022. Theo đó, Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. 

Vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vắc xin này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vắc xin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng. 

Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin. Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.

Vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin tiêm chủng cá nhân vắc xin COVID-19, giảm thiểu các thủ tục hành chính, Bộ Y tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp nghiên cứu, xây dựng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên 2 nền tảng: (1) Nền tảng web tại địa chỉ: http://hssk.kcb.vn; (2) Ứng dụng trên điện thoại thông minh (Android và IOS).

Theo kế hoạch, trong tháng 3-4/2021, Việt Nam sẽ có 5,657 triệu liều vắc xin COVID-19, cụ thể Việt Nam sẽ nhận  được 4.177.000 liều vắc xin phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung ứng. Cụ thể, ngày 25/3 Việt Nam đón nhận 1.373.800 liều vắc xin và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận 2.803.200 liều vắc xin. Tất cả đều là vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Cũng trong tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua VNVC. 

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Từ thực tế tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời qua triển khai các biện pháp phòng chống dịch kể từ đầu năm 2020, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống COVID-19 tại Việt Nam, cụ thể:

Một là, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Ban Bí thư, của Chính phủ, của các cấp ủy Đảng với sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp.

Có thể nói đây là một trong những nét đặc trưng của nước ta trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Với sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp đáp ứng chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng chống dịch.  

Hai là, triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định với biện pháp chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn, đó là: “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch”.

Với quan điểm luôn đi trước một bước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đã liên tục chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện chủ động, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 bao gồm các hoạt động ngăn chặn dịch ngay từ cửa khẩu; giám sát, phát hiện sớm và cách ly kịp thời các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch, những người nghi ngờ, người mắc bệnh và người tiếp xúc; tổ chức truy vết và xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Ngay từ đầu, ngành Y tế đã dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Từ đó liên tục mở rộng khả năng xét nghiệm, đến nay khả năng xét nghiệm của nước ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.

Đây là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm giảm sự bùng phát trên diện rộng, không xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện, từ đó chúng ta có thể huy động và tập trung nguồn lực để điều trị các trường hợp nặng, hạn chế tử vong, tạo được sự an tâm của người dân vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ.

Ba là, vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ Covid dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai. 

Cấp uỷ, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, kịp thời tổ chức giãn cách, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực theo tình hình thực tế từng địa phương một cách nhuần nhuyễn. Chính điều này đã hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại cộng đồng. Đặc biệt “Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hơn, nhất là trong phòng chống đại dịch” đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

Bốn là, minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Cả hệ thống chính trị cũng như các cơ quan truyền thông báo chí đêù kêu gọi người dân thực hiện khuyến caó 5K của Bộ Y tế: KHẨU TRANG - KHỦ KHUẨN – KHOẢNG CÁCH – KHÔNG TỤ TẬP – KHAI BÁO Y TẾ.

Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin sớm, minh bạch, kịp thời đăng tải các biện pháp phòng bệnh và tình hình dịch bệnh COVID-19 tạo được sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ của người dân trong việc thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, các quyết sách của Chính phủ.

Năm là, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, trong đó có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành y tế và công an, quân đội và các ngành liên quan. 

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong hành động chống dịch; trong đó có nhiều biện pháp chống dịch đỏi hỏi có sự quyết tâm rất cao vì phải huy động sự tham gia một lực lượng cán bộ rất lớn, đồng thời có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế trước mắt. Nhưng với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu, các Bộ, ngành đã cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, vất vả để hiệp đồng chặt chẽ trong hành động, mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động phòng chống dịch. 

Sáu là, nâng cao uy tín trường quốc tế thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19. 

Ngay từ đầu dịch, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý, điều đó đã được Tổ chức quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chúng ta đã quan tâm chăm sóc, điều trị cho người nước ngoài tại Việt Nam, đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Bẩy là, huy động lực lượng lớn nhân viên y tế rất lớn “chưa có trong tiền lệ”, bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, kịp thời tổ chức các đơn vị hỗ trợ địa phương, đặc biệt các địa phương là điểm nóng của dịch trong việc khống chế, xử lý nhanh ổ dịch. Bộ phận này đã phối hợp địa phương trong công tác phòng chống dịch, giúp địa phương vững tâm hơn, với những hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, điều phối nhân lực, trang thiết bị trên địa bàn hay của các viện, bệnh viện.

Tám là, đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: Kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân... Trong thời gian qua, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thực hiện tốt việc này.

Chín là, việc chuẩn bị chủ động về hậu cần, tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã được chủ động./.

Nguyễn Trường Sơn/TG

 Từ khóa: Covid-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
iconlichcontac
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 199

Hôm nay: 15,622

Hôm qua: 16,024

Tháng hiện tại: 314,411

Tháng trước: 581,972

Tổng lượt truy cập: 10,024,728

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây