Tập trung mọi nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Thứ hai - 03/01/2022 20:441250
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ sáu vừa bế mạc đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh về kết quả đạt được năm 2021 và mục tiêu, phương hướng năm 2022. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết:
- Năm 2021, cả nước và tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; phát triển kinh tế - xã hội bị đình trệ; sức khỏe, tính mạng của nhân dân bị ảnh hưởng; nhiều người dân mất việc làm, thu nhập; một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa... Cuối năm, Phú Yên lại trải qua trận lụt, xấp xỉ mức lụt lịch sử năm 1993 gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản; khó khăn chồng chất khó khăn. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh khắc phục khó khăn để vừa ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, vừa khắc phục sau mưa lũ, triều cường và quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, đưa Phú Yên dần bước qua giai đoạn khó khăn.
* Thưa đồng chí, trong cái nhìn tổng thể, đâu là những kết quả nổi bật của tỉnh trong năm 2021 và cả những hạn chế cần khắc phục?
- Nhìn lại năm 2021, với nhiều khó khăn, thử thách nhưng toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh ta đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt 10/18 chỉ tiêu chủ yếu. Thu ngân sách đạt khá (đạt 7.400 tỉ đồng). Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 0,33%, tuy thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương; các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, quan tâm kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, các chỉ tiêu lớn, quan trọng không đạt kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn có mặt chưa tốt, tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai một số dự án chưa được thực hiện quyết liệt. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trật tự đô thị, xây dựng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường vẫn còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu phát triển đặt ra…
* Năm 2022, có thể nói là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Trong điều kiện vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ thế nào, thưa Bí thư Tỉnh ủy?
- Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Phú Yên vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới Omicron - chủng vi rút có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, trong khi chưa có nghiên cứu đầy đủ về sự nguy hiểm của chủng vi rút này; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... diễn biến khó lường. Do đó, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trước mắt là khá nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao độ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay là khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022, tạo tiền đề vững chắc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025.
* Có thể thấy nhiệm vụ thì nặng nề, bối cảnh thì khó khăn, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cần có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
- Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, tôi đề nghị mỗi Tỉnh ủy viên, thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình.
Đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch; nắm chắc và dự báo tốt tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chú trọng việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hiệu quả của vắc xin, không để người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vì hiện nay tình hình dịch bệnh tại một số địa phương đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại.
Các cấp, ngành, nhất là lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, trên cương vị và trách nhiệm công tác của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó lưu ý:
Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của Tỉnh ủy, quy định, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ thị về xây dựng Đảng, đảm bảo tiến độ, chất lượng, có hiệu quả để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo tiền đề cho những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội các năm tiếp theo.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục hậu quả sau cơn lũ và triều cường gây sạt lở vừa qua ở một số địa phương để sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Tập trung lãnh đạo xây dựng kế hoạch thực hiện việc phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình, các xu thế phát triển để nắm bắt thời cơ, phát triển bứt phá trên các lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển sản xuất kinh doanh…
* Thưa đồng chí, còn chưa đầy một tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công tác vui xuân đón tết được chỉ đạo thực hiện thế nào?
- Đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi đề nghị các địa phương, đơn vị phải có kế hoạch chuẩn bị tết chu đáo. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, chống hàng giả, hàng lậu; tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Làm tốt công tác vận động, hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là các hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, triều cường vừa qua, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu đói trong dân.
Lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động vui xuân, đón tết tại địa phương, đơn vị mình trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Tăng cường chỉ đạo bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên toàn địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.
* Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Một số chỉ tiêu quan trọng phấn đấu trong năm 2022: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu 207 triệu USD; tổng thu ngân sách 6.642 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 20.200 tỉ đồng; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới: 73%; giải quyết việc làm: 25.000 lao động; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,5-2%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 92%; tỉ lệ che phủ rừng 46,5%; tỉ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn ra môi trường đạt 100%...