Đang truy cập: 55
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 399,410
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,109,727
- Đang truy cập55
- Hôm nay19,435
- Tháng hiện tại399,410
- Tổng lượt truy cập10,109,727
Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 quy định: “Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển”(1); “Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại”(2).
CHƯA ĐỊNH HÌNH RÕ MÔ HÌNH
Quyết định 362/QĐ-TTg cũng nêu rõ: “Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí…”(3); “Sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có một ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cấp bộ, ngành trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực…”(4); “Thực hiện sắp xếp, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải…”(5).
Tuy nhiên, hiện một số cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí còn khá lúng túng trong việc triển khai quy hoạch báo chí, trong đó có cả cơ quan báo chí được xếp vào nhóm chủ lực trong thực hiện quy hoạch. Sự lúng túng chủ yếu tập trung ở việc tổ chức mô hình hoạt động; xác định cơ quan chủ quản; tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và vấn đề giải quyết dôi dư biên chế; vấn đề chuyển đổi loại hình báo chí như từ báo in sang báo điện tử, từ tạp chí in sang tạp chí điện tử, từ báo thành tạp chí; vấn đề tự chủ tài chính… Thậm chí, ngay cả cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng còn lúng túng, gặp khó khăn khi giải quyết một số vấn đề thực tiễn đối với các cơ quan báo chí khi triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí.
Điều đó cho thấy, trong ban hành chính sách về báo chí, chúng ta chưa nghiên cứu thấu đáo để thống nhất đưa ra một mô hình tổ chức cơ quan báo chí chuẩn mực của quốc gia và tính đặc thù để các cơ quan báo chí vận dụng hiệu quả, phù hợp với quy chuẩn hoạt động báo chí quốc tế và trong khu vực.
|
Việc cơ quan quản lý báo chí và cơ quan báo chí lúng túng khi xác định đơn vị chủ quản báo chí hoặc chuyển đổi loại hình báo chí chưa phù hợp với thực tế có nguyên nhân gốc rễ từ việc hoạch định chính sách. Sự kết hợp giữa “3 nhà” trong xây dựng chính sách, bao gồm nhà nghiên cứu lý luận, nhà hoạt động thực tiễn báo chí và nhà làm chính sách chưa thật tốt, chính sách chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn, do đó khó có thể chính sách áp dụng trong thực tiễn hiệu quả.
Ví dụ, ở góc độ lý luận, nếu chính sách chưa giải mã tường minh các từ khóa, khái niệm như “hội tụ”, “đa phương tiện”, “4.0”, “số hóa”, “trung tâm”, “tập đoàn”, “báo”, “tạp chí”, “tạp chí điện tử”, “tôn chỉ, mục đích”, “chức năng, nhiệm vụ”, “mạng xã hội”… thì vận dụng trong thực tiễn chính sách dễ máy móc, sai lệch, thậm chí là phản tác dụng.
THAM KHẢO TỪ THẾ GIỚI
Lịch sử phát triển báo chí của thế giới đã trải qua việc áp dụng nhiều mô hình tổ chức hoạt động cơ quan báo chí khác nhau. Các mô hình tổ chức hoạt động cơ quan báo chí về bản chất đều gắn với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí việc làm và chất lượng sản phẩm báo chí. Dưới đây là một số mô hình:
Thứ nhất, mô hình Tòa soạn hình tháp (tower-office), hay còn gọi là Mô hình truyền thống, được áp dụng ngay từ thời kỳ đầu tiên khi ra đời báo chí định kỳ, hiện đại (đầu thế kỷ XVII) ở các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Mô hình này được áp dụng phổ biến trong cấu trúc tổ chức bộ máy hoạt động công sở nói chung, trong đó cấu trúc bởi 3 bộ phận: bộ phận lãnh đạo, quản lý; bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; bộ phận hỗ trợ, phục vụ. Mô hình này trước đây có nhiều lợi thế, nhưngở thời điểm này, nó ít còn phù hợp, cần có sự thay thế bằng mô hình mới, hiện đại hơn. Hầu hết cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn đang áp dụng mô hình này.
Thứ hai, mô hình Tòa soạn “đảo” (island-office), được báo chí ở các nước phương Tây áp dụng khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, điển hình là ở Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Đan Mạch.... Ở châu Á, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia cũng đã áp dụng mô hình này. Các tập đoàn truyền thông ở Mỹ như CNN (Cable News Network), AP (Associated Press) cũng đã sớm áp dụng mô hình này để quản trị truyền thông, báo chí hiệu quả.
Mô hình này cấu trúc hoạt động báo chí chung trong một không gian, tạo ra các “hòn đảo”. Về bản chất, giống như một cái “chợ”, một “công xưởng” sản xuất các sản phẩm báo chí mang tính chất “công nghiệp” làm báo.
Mô hình này khắc phục được những hạn chế của mô hình truyền thống như giảm bớt sự cồng kềnh về bộ máy lãnh đạo, quản lý, người làm chuyên môn; giảm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; thể hiện tính dân chủ, công bằng trong lao động báo chí; hình thành môi trường văn hóa báo chí, khích lệ sự sáng tạo của đội ngũ nhà báo; bước đầu đã ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị cơ quan báo chí hiệu quả; đồng thời hình thành một nền “công nghiệp báo chí” mang tính chất hoạt động kinh tế thương mại báo chí rõ ràng. Tuy nhiên, mô hình Toà soạn “đảo” chỉ phù hợp triển khai áp dụng được ở một số quốc gia phát triển. Ở Việt Nam, trước đây, một số tòa soạn đã thực nghiệm, tuy nhiên hiệu quả thấp, phải chuyển đổi về mô hình cơ quan báo chí truyền thống. Nguyên nhân lớn nhất vẫn xuất phát từ góc độ văn hóa công sở và trình độ quản trị cơ quan báo chí, nhất là vấn đề ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong quản trị công sở. Mặt khác, vốn gốc của các tòa soạn là tổ chức theo mô hình cơ quan báo chí truyền thống, việc sáng tạo tác phẩm và tổ chức sản xuất chủ yếu mang tính thủ công, trên nền tảng kỹ thuật giản đơn.
Thứ ba, mô hình Tòa soạn hội tụ (focus-office), ra đời ở các nước phương Tây và Mỹ vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XXI, khi mà ngành công nghiệp công nghệ thông tin phát triển ở mức độ cao, nhất là việc thế hệ Web 1.0 được nâng cấp lên 2.0 và phát triển các đường truyền Internet băng thông rộng có dây và không dây cũng như các thế hệ máy tính có cấu hình cao, các phần mềm tiện ích, tạo điều kiện tối đa để các nhà báo, người làm truyền thông tác nghiệp.
Mô hình Tòa soạn hội tụ được các cơ quan báo mạng điện tử ứng dụng tối đa vận hành quản trị công sở sản xuất sản phẩm báo chí phi định kỳ, phi tuyến tính. Ở thời điểm này, các cơ quan báo chí sản xuất các loại hình báo chí truyền thống, định kỳ như báo in, phát thanh, truyền hình cũng đã “quan tâm” đến việc ứng dụng tối đa để hình thành “Tòa soạn hội tụ” nhưng đều thất bại, do không thể phá bỏ được đặc tính định kỳ và quy trình sản xuất sản phẩm báo chí theo cách truyền thống; mặt khác, nhân lực tại các cơ quan báo chí truyền thống chưa có khả năng làm chủ công nghệ và kỹ năng quản trị công sở theo tính chất “sản xuất báo chí công nghiệp”.
Như vậy, mô hình Tòa soạn hội tụ chỉ thích hợp với các tòa soạn độc lập, xuất bản duy nhất sản phẩm báo mạng điện tử. Trong tòa soạn áp dụng mô hình này sẽ có một bàn “siêu biên tập” (super desk), hội tụ tất cả tin tức, dữ liệu thông tin từ các nguồn khác nhau về, sau đó các biên tập viên sẽ tổ chức, biên tập, đăng tải trên các định dạng sản phẩm báo mạng điện tử tương thích với các ứng dụng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bản, điện thoại thông minh, di động; trao đổi thông tin bằng các công cụ như: chatbox, inbox, email hoặc trên nền tảng của các trang mạng xã hội như Twitter, Youtube, Facebook, Instagram, Zalo… Ngoài đáp ứng các tính năng cung cấp thông tin tin tức báo chí nhanh nhất, Tòa soạn hội tụ được quản trị hệ thống bằng công nghệ với các phần mềm tiện ích; đồng thời còn có khả năng cung cấp các dịch vụ xã hội, văn hóa - giải trí trực tuyến, quảng cáo, tài trợ…; điều này các tòa soạn báo chí truyền thông ít có khả năng làm được.
Hiện nay, ở Mỹ, Anh, Pháp, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc có khá nhiều báo mạng điện tử áp dụng mô hình Tòa soạn hội tụ. Tờ báo điện tử 24 giờ của Thụy Điển đã áp dụng mô hình này khá thành công từ năm 1999. Ở Việt Nam, VnExpress.net là tờ báo điện tử xây dựng và áp dụng mô hình Tòa soạn hội tụ với hệ thống “siêu biên tập” hiện đại.
|
Thứ tư, mô hình Tòa soạn đa phương tiện. Thuật ngữ truyền thông đa phương tiện (multi-media) xuất hiện ở Mỹ từ những năm 50 của thế kỷ XX. Ban đầu, các nghệ sĩ đưa ra một ý tưởng mang tính mơ ước, đó là trong các sản phẩm nghệ thuật của họ làm ra có khả năng tích hợp, biểu đạt được bằng đa mã ngôn ngữ (văn bản, hình ảnh, ảnh thanh)... Tuy nhiên, ước mơ này không trở thành hiện thực, bởi thời điểm này kỹ thuật - công nghệ truyền thông chưa có khả năng tích hợp, biểu đạt thông điệp bằng đa mã ngôn ngữ.
Phải đến thập niên 1990, lúc này ngành công nghiệp công nghệ thông tin mới bùng nổ, Internet phát triển, kết nối, sẻ chia, lưu trữ, tra cứu dữ liệu thông tin ở quy mô toàn cầu. Thế hệ web 1.0 được thay thế bằng thế hệ web 2.0 với đường truyền cáp quang băng thông rộng, vệ tinh địa tĩnh… cung cấp các dịch vụ thông tin trở nên tiện ích, hữu hiệu. Lúc này, ước mơ tích hợp biểu đạt thông điệp bằng đa mã ngôn ngữ của các nghệ sĩ trước đây đã thành hiện thực. Các tòa soạn đã tận dụng tối đa các tiện ích của cộng nghệ thông tin ứng dụng trong sản xuất sản phẩm báo chí.
Thuật ngữ “Cơ quan báo chí đa loại hình”, “Tòa soạn đa phương tiện” được các nước như: Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia áp dụng để quản trị tòa soạn có ít nhất từ hai loại hình, sản phẩm báo chí trở lên.
Hiện nay, một số cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng đã thực nghiệm tổ chức theo mô hình Tòa soạn đa phương tiện. Tuy nhiên, do chưa tường minh về mô hình và hiểu đúng bản chất của thuật ngữ "multi-media", nên tổ chức hoạt động tòa soạn chưa hiệu quả.
Thứ năm, mô hình Tập đoàn truyền thông (media-group). Bản chất của mô hình này là hoạt động sản xuất kinh doanh báo chí, được áp dụng phổ biến ở các nước phương Tây và Mỹ. Ban đầu là các cơ quan báo chí hoạt động kinh doanh, tạo dựng được thương hiệu, thâu tóm các đơn vị báo chí nhỏ lẻ, thành lập tập đoàn kinh doanh báo chí, trong đó chú trọng tính độc quyền hóa và thương mại hóa thông tin. Cơ chế báo chí ở Việt Nam không áp dụng được mô hình tập đoàn báo chí.
“Thử nghiệm” một mô hình nào đó, nếu thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn sẽ dễ rơi vào tình trạng "vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung", dễ gây lãng phí, tốn kém, không hiệu quả. |
Thứ sáu, mô hình Trung tâm truyền thông (media-center). Bản chất của mô hình này là cấu trúc thành một tổ chức truyền thông để hình thành các dịch vụ thông tin báo chí và tin tức với các loại hình, sản phẩm truyền thông khác nhau. Trước đây, ở các nước phương Tây, Mỹ và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan cũng đã hình thành mô hình “trung tâm truyền thông”, sau đó dần bị thay thế bởi mô hình “tập đoàn truyền thông” (media-group).
Hiện nay, ở Việt Nam, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực nghiệm áp dụng mô hình Trung tâm truyền thông trên cơ sở sáp nhập Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh thành Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Qua một thời gian ngắn, Trung tâm này chưa chính thức tổng kết, đánh giá về tính khả thi, hiệu quả thực tế, do đó chưa thể khẳng định được đây là mô hình lý tưởng để các cơ quan báo chí áp dụng, nhất là đối với các đơn vị báo chí địa phương và các đơn vị báo chí trực thuộc các bộ, ngành, trong đó kể cả các đơn vị báo chí được xác định là chủ lực trong thực hiện Quy hoạch báo chí.
Với 6 mô hình tổ chức hoạt động nêu trên, các cơ quan báo chí có thể tham khảo, cân nhắc và quyết định lựa chọn để xây dựng, tổ chức mô hình hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, việc xác định vị trí việc làm trong cơ quan báo chí rất quan trọng, quyết định tính chất hoạt động báo chí chuyên nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 1/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức, theo đó, các cơ quan báo chí cần xác định rõ vị trí việc làm và biên chế nhân lực lao động báo chí. Nếu không thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; lựa chọn mô hình hoạt động thích hợp, sẽ khó có thể xác định được vị trí việc làm, vấn đề tiền lương, thu nhập của các nhà báo. Đồng thời, điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng báo chí, tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp, nhất là đối với việc thực hiện các chính sách báo chí, trong đó có vấn đề tự chủ tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật - công nghệ và sử dụng nhân lực làm báo./.
PGS. TS. HÀ HUY PHƯỢNG/TG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
--------------------------------------
(1) (2) (3) (4) (5) Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Liên kết website
Đang truy cập: 55
Hôm nay: 19,435
Hôm qua: 16,892
Tháng hiện tại: 399,410
Tháng trước: 581,972
Tổng lượt truy cập: 10,109,727