Đồng khởi Hòa Thịnh - Mốc son chói lọi trong phong trào cách mạng ở Phú Yên

Thứ năm - 20/12/2018 06:34 3709 0
Cách đây 58 năm, ngày 22/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Tuy Hòa 1, các chi bộ đảng, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân xã Hòa Thịnh đồng loạt nổi dậy làm nên cuộc đồng khởi Hòa Thịnh, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong phong trào cách mạng tỉnh Phú Yên từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
ht
Tranh sơn mài mô tả về cuộc Đồng khởi ở Hòa Thịnh
Trong những năm 1954 - 1960, phong trào cách mạng ở Phú Yên nói riêng, miền Nam nói chung gặp muôn vàn khó khăn. Dưới sự chỉ huy của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành đàn áp đẫm máu những người yêu nước ở miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh tâm lý và các hoạt động chính trị phản động, chống lại hiệp thương tổng tuyển cử. Trong khi nhân dân cả nước, với tình cảm đặc biệt sâu sắc, tha thiết mong chờ ngày thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình thì Mỹ - Diệm liên tiếp mở các chiến dịch lớn đánh vào nhân dân, trả thù những người kháng chiến, thẳng tay cái gọi là “quốc sách tố cộng, diệt cộng, Luật 10/59”.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (1/1959) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì tại Hà Nội đã xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam là giải phóng miền Nam, nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Phương pháp đấu tranh là: sử dụng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời đã phản ánh đúng yêu cầu của lịch sử, đáp ứng nguyện vọng tha thiết lúc này của cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sỹ miền Nam cũng như cả nước.

Tiếp thu ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và vận dụng sáng tạo từ kinh nghiệm của những đợt nổi dậy đầu năm 1960, nhất là từ kinh nghiệm phát động Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre, Trà Bồng (Quảng Ngãi), Tỉnh ủy quyết định lấy xã Hòa Thịnh làm địa điểm phát động nhân dân đồng khởi, mở đầu cho phong trào giải phóng nông thôn, đồng bằng toàn tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tại Sát Cẩu Tử trên núi Hòn Ông (căn cứ cách mạng ở xã Hòa Thịnh) Huyện ủy Tuy Hòa 1 mở cuộc họp cán bộ lãnh đạo toàn huyện do đồng chí Lê Xuân Mai - Bí thư Huyện ủy chủ trì và chọn xã Hòa Thịnh là địa điểm đột phá cho phong trào đồng khởi trong toàn huyện. Các đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao), Bùi Tân, Sáu Lục, Huỳnh Lưu, Nguyễn Ngọc Anh cùng với cán bộ, đảng viên xã phát động quần chúng nhân dân tham gia, trong đó có hàng trăm chị em phụ nữ ở các thôn bí mật may cờ, băng khẩu hiệu chuẩn bị cho ngày đồng khởi và vận động binh lính địch. Để đảm bảo đồng khởi thắng lợi, ta tổ chức ba cánh, mỗi cánh được phân công nhiệm vụ cụ thể và được trang bị vũ khí, các phương tiện, dụng cụ cần thiết để hành động.

Đúng như kế hoạch đã định, vào tối ngày 22/12/1960, ba cánh quân đều xuất phát từ hóc Cây Quăng, đến gò mả vôi Mỹ Phú để liên lạc với cơ sở nội tuyến, báo cáo tình hình trong ngày lần cuối và xuất phát từng cánh.
Cánh thứ nhất do đồng chí Lê Xuân Mai - Bí thư Huyện ủy phụ trách, có đồng chí Huỳnh Lưu - Tỉnh ủy viên - Phái viên của tỉnh cùng đi, phát triển đến trụ sở xã, nổ súng đánh vào trung đội dân vệ, sau đó truy lùng, bắt số đầu hàng và thu vũ khí, tổ chức canh gác và chuẩn bị sân khấu, trang trí cho cuộc mít tinh.

Cánh thứ hai do đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy phụ trách, phát triển đến Mỹ Trung, đột nhập vào nhà tên Nguyễn Khái - đại diện xã. Tên Khái đang bị ốm nặng nên tha tội chết và không bắt đến trụ sở. Gia đình Khái làm cam đoan nhất quyết không làm tay sai cho Mỹ - Diệm nữa.

Cánh thứ ba do đồng chí Bùi Tân - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy phụ trách, phát triển đến thôn Phú Hữu, đột nhập vào nhà tên Nguyễn Tín - phó đại diện, bắt hắn và thu toàn bộ con dấu, tài liệu, ngân quỹ của xã, mang về trụ sở để mít tinh.
Sau đó, các cánh, cùng đồng bào các thôn: Mỹ Điền, Mỹ Hòa, Mỹ Xuân, Mỹ Phú, Phú Hữu, Mỹ Cảnh, Cảnh Tịnh và một số nhân dân ở xã Hòa Mỹ lần lượt xuống đường, kéo về trụ sở xã để dự mít tinh.

1 giờ sáng 23/12/1960, cuộc mít tinh bắt đầu. Đồng chí Lê Xuân Mai - Bí thư Huyện ủy đứng lên vạch tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tàn sát khủng bố đồng bào ta, giết hại cán bộ, đảng viên, trả thù những người kháng chiến cũ, cướp giật quyền lợi, ruộng đất của nhân dân ta giành được trong kháng chiến… Đồng chí Bí thư Huyện ủy tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền tay sai ở Hòa Thịnh, chính quyền thuộc về tay nhân dân, đồng thời kêu gọi đồng bào ta hãy đóng góp nhân tài vật lực để phục vụ cách mạng ngày càng lớn mạnh. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn bù nhìn tay sai! Cách mạng miền Nam Việt Nam nhất định thắng lợi! Nhân dân xã Hòa Thịnh hãy đứng lên tự giải phóng cho mình”. Hàng chục thanh niên xung phong ùa lên khán đài xin thoát ly, gia nhập quân giải phóng. Ngay trong đêm mít tinh đã có 64 thanh niên xung phong thoát ly ra vùng căn cứ để tham gia vào các lực lượng vũ trang huyện, tỉnh. 2 giờ sáng 23/12/1960 cuộc mít tinh kết thúc, lực lượng cách mạng bắt đầu hành quân, nhân dân chia thành nhiều hướng trở về thôn xóm.

Từ cuộc nổi dậy của Đồng khởi Hòa Thịnh, liên tục các tối từ ngày 24 đến 27/12/1960, lực lượng cách mạng tiếp tục diệt ác, phá kèm ở các xã Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp; tuyên truyền, kêu gọi hàng ngàn thanh niên gia nhập bộ đội giải phóng, càng làm cho địch hoang mang, lo sợ.

Đồng khởi Hòa Thịnh là cuộc đồng khởi đầu tiên ở một xã vùng đồng bằng Phú Yên đã giành thắng lợi nhanh gọn; là trận đột phá mở đầu làm rung chuyển bộ máy thống trị ở cơ sở nông thôn của địch, cổ vũ mạnh mẽ khí thế cách mạng nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, tiến đến đấu tranh giải phóng tỉnh Phú Yên và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.

Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây